Đạo diễn Lê Hoàng Hoa: "Tôi đã làm phim theo đơn đặt hàng quá nhiều"

23/12/2005 14:46 GMT+7

Khác với những lần trước, lần này về Việt Nam đạo diễn Lê Hoàng Hoa rất khỏe mạnh, phấn khởi, trông ông còn khá trẻ so với tuổi 70 của mình. Ông cho biết đang… kiếm tiền để làm phim. “Tôi đã làm theo đơn đặt hàng nhiều quá rồi, bây giờ phải kiếm tiền để làm một bộ phim cho mình chứ”.

Nhưng những phim “theo đơn đặt hàng” mà đạo diễn Lê Hoàng Hoa nói đến hầu hết đều là phim ăn khách. Đáng ngạc nhiên nhất là ông có khả năng làm phim ăn khách thuộc đủ mọi thể loại phim khác nhau: tâm lý xã hội, hài, hành động, tình báo… Vốn mê phim ảnh, ngay hồi còn nhỏ cậu bé Lê Hoàng Hoa đã mày mò chế tạo được máy chiếu phim đèn chiếu để “phục vụ” bạn bè. Niềm đam mê ấy vẫn theo anh đến lúc trưởng thành, nên khi có học bổng đi du học Hoa Kỳ, Lê Hoàng Hoa đã lập tức đăng ký học đạo diễn điện ảnh tại Trường NGUS (Georgia), và có lẽ ông cũng là đạo diễn Việt Nam đầu tiên được đào tạo bài bản tại Mỹ.

Về nước năm 33 tuổi, hai năm sau, khi Trung tâm Điện ảnh thành lập (1960), Lê Hoàng Hoa đã được giao ngay phim 11 giờ 30 - cuốn phim truyện màn ảnh đại vĩ tuyến đầu tiên của điện ảnh phía Nam. Sau đó, Liên Ánh công ty đã dám bỏ ra số tiền khổng lồ - 14 triệu đồng để chàng đạo diễn trẻ này làm bộ phim Chân trời tím. Bộ phim được quay ròng rã 3 tháng trời, với 100 xe tăng, 45 máy bay trực thăng, 300 xe cơ giới đủ loại, 600 diễn viên chính phụ và đã thu vào 94 triệu đồng, nghĩa là lời gấp gần 7 lần so với số vốn bỏ ra. Phim hài kết hợp võ thuật Triệu phú bất đắc dĩ cũng thắng lớn, báo chí Sài Gòn hồi đó hân hoan: “Lê Hoàng Hoa đã làm đẹp mặt điện ảnh Việt Nam bằng cách đưa cảnh đánh võ vào phim để diễu phim Tàu một mách” (Có thể là hơi “thiên vị”, nhưng thực sự là bộ phim này đã qua mặt hàng loạt phim hành động của Tàu có siêu sao võ thuật Lý Tiểu Long thủ vai chính về doanh thu). Phim ma Con ma nhà họ Hứa với cốt truyện ly kỳ, hồi hộp đã thu vào 4,5 triệu đồng ngay trong ngày đầu tiên trình chiếu, và lập tức các báo đã gọi Lê Hoàng Hoa là “Hitcook của Việt Nam”. Sau 1975, Lê Hoàng Hoa lại tiếp tục đem lại số thu kỷ lục cho phim Việt Nam suốt từ năm 1981 đến 1987 với 8 tập phim Ván bài lật ngửa (đến bây giờ vẫn là bộ phim tình báo thành công nhất của điện ảnh Việt Nam), nhiều phim khác của ông cũng là những phim thu hút rất đông khán giả.

Đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã thực hiện các phim:

* Trước 1975: Những kẻ phản bội, 11 giờ 30, Chân trời tím, Điệu ru nước mắt, Gác chuông nhà thờ, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Bẫy ngầm, Con ma nhà họ Hứa, 5 hiệp sĩ bất đắc dĩ, Triệu phú bất đắc dĩ, Người chồng bất đắc dĩ, Chàng ngốc gặp hên.

* Sau 1975: Ván bài lật ngửa (8 tập), Ngọn lửa Krong Jung, Cao nguyên F101 (2 tập), Đằng sau một số phận (3 tập), Lệnh truy nã, Tình không biên giới, Vĩnh biệt mùa hè, Án mạng trong ống kính, Tây Sơn hiệp khách, Ngọc trảng thần công, Xác chết trên cao nguyên, Vĩnh biệt Cali. 

* Được gọi là “đạo diễn ăn khách” ông cảm thấy thế nào?

- Đó là một hạnh phúc không gì sánh nổi cho người làm phim, vì tác phẩm của mình được đông đảo công chúng đón nhận.

* Người ta hay phân biệt phim thương mại và phim nghệ thuật, và cho rằng thường phim ăn khách thì…

- Có một điều còn quan trọng hơn nữa, mà tôi “học” được trong thực tế làm phim sau khi tốt nghiệp về nước làm sao để dung hòa giữa khát vọng thỏa mãn khán giả, thỏa mãn nhu cầu sáng tạo với điều kiện thực tế, nghĩa là hãy đừng đòi hỏi quá nhiều mà phải thích nghi. Hồi còn đi học tôi rất khoái khi nghe chuyện về một ông đạo diễn đã ra lệnh san phẳng một ngọn đồi chỉ để có một khung hình ưng ý. Thế là mới về Việt Nam, khi làm bộ phim đầu tiên tôi cũng từng yêu cầu tháo dỡ một ngôi nhà gỗ lọt trong ống kính, khiến cho cả đoàn một phen vất vả. Tất nhiên, đạo diễn được đáp ứng mọi yêu cầu là tuyệt nhất, nhưng cũng còn tùy hoàn cảnh. Nhiều người cho rằng không thể dựng được một trận đánh cho hoành tráng nếu không có thật nhiều tiền. Thế nếu chỉ có ít tiền thì chẳng lẽ không dựng? Trong Ván bài lật ngửa tôi đã thể hiện được một trận đánh lớn, chỉ với toàn cận cảnh, ít tốn kém mà người ta vẫn cảm thấy có “không khí” như thường, vấn đề là cách dựng mà thôi.

* Ông có thường xem phim của các đạo diễn trong nước không và có nhận xét như thế nào? Ông có quan tâm đến tình hình điện ảnh trong nước không?

- Sau này tôi ít có dịp xem phim của các đạo diễn trong nước. Tôi được biết là hiện nay phim trong nước sản xuất đem chiếu rạp rất ít người xem, khác với giai đoạn cách đây 10 năm. Những máy móc làm hậu kỳ của hãng phim Giải Phóng hầu hết vẫn là những máy móc của Trung tâm Điện ảnh mà chúng tôi đã sử dụng gần nửa thế kỷ trước. Nhưng tôi cũng không ngờ rằng ngay tại thành phố có những cơ sở làm phim quảng cáo và hoạt hình với trang thiết bị khá hiện đại, có điều là họ làm gia công cho các hãng phim hoạt hình và công ty quảng cáo nước ngoài. Hy vọng là khi Nhà nước cho phép hãng phim tư nhân hoạt động thì họ sẽ có dịp làm phim cho thị trường trong nước.

* Ông từng nói rằng: “Điện ảnh, đối với tôi là một căn bệnh đã ăn sâu vào máu”, thế nhưng tại sao năm 1995, khi làm xong bộ phim Vĩnh biệt Cali ông lại sang Ba Lan và từ đó đến nay không thấy phim nào của ông ra mắt?

- Vợ và con gái tôi đang sống bên ấy. Tôi rất thương con gái và không thể xa con được, nên đành chấp nhận xa rời trường quay. Những tháng đầu tất bật để quen với cuộc sống mới rồi cũng qua đi, khi cuộc sống đã ổn định tôi mới thấy nỗi buồn thấm thía. Tôi thường xách máy quay theo trong những chuyến du lịch làm những phim tài liệu ngắn, cũng là một cách rèn luyện để khỏi lụt nghề. Cuộc sống luôn như thế, muốn được một điều gì đó thì ta cũng luôn phải đánh đổi bằng cái khác.

* Vâng, bù lại thì nghe nói là cuộc sống gia đình của ông rất hạnh phúc?

- Vợ tôi chính là cô ca sĩ hát ca khúc Đêm đông trong phim Ván bài lật ngửa. Hồi đó cô ấy mới có 18 tuổi, nhỏ hơn tôi 30 tuổi và đang là học sinh trung học. Chúng tôi đã vượt qua rất nhiều khó khăn để đến được với nhau.

* Kế hoạch sắp tới của ông?

- Tôi đang cùng với một thương gia người Việt ở Ba Lan mở một câu lạc bộ giải trí dành cho người Việt trong câu lạc bộ này có cà phê Internet, billiard, bóng bàn, karaoke, sắp tới sẽ có thêm phòng chụp ảnh kỹ thuật số, phòng làm đĩa VCD gia đình và một câu lạc bộ điện ảnh. Khách khá đông, và chúng tôi hy vọng là sẽ có đủ tiền để làm phim.

* Ông có thể nói đôi chút về bộ phim sắp tới? Ông có sợ rằng ở tuổi “cổ lai hy” thời gian sẽ không còn chờ đợi mình?

- Không, tôi không còn sợ thời gian khi đã có một mục tiêu ở phía trước. Có hai phim mà tôi đang ấp ủ. Một phim ca nhạc, thể hiện con đường xuyên Việt qua những bài ca. Một phim truyện, kịch bản sẽ được chuyển thể từ truyện ngắn Có một loài hoa của tác giả Trần Hoài Văn mà tôi đọc được khi ở Ba Lan. Bối cảnh câu chuyện là Nga và Ba Lan. Sự lạ lùng của câu chuyện đã ám ảnh và thôi thúc tôi phải làm phim.

* Xin cảm ơn và chúc ông sớm bắt tay vào thực hiện bộ phim này.

Phạm Thu Nga
(TN 27/10/2003)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.