Lại viết về những người thầy

18/12/2005 15:09 GMT+7

Trong những năm tháng ngồi ghế nhà trường, tôi đã gặp những người thầy là tấm gương cho tuổi học trò của tôi và tấm gương đó đã đi theo suốt cuộc đời tôi.

Người thầy đầu tiên vỡ lòng cho tôi là một ông giáo làng. Dưới ngôi trường mái đỏ cũ kỹ; chỉ duy nhất có một lớp học dành cho lũ trẻ trong làng. Dưới gốc cây sộp trăm tuổi chúng tôi thường tranh nhau hái những bông có vị chát để ăn trong những giờ ra chơi. Thầy có tên là ông giáo Đạo, tuy hiền lành nhưng dưới mắt tuổi thơ chúng tôi chứa đựng sự kính trọng và ngưỡng mộ - có khi dẫn đến sợ sệt mỗi khi chưa thuộc bài.

Người thầy thứ hai, là thầy Nguyễn Quốc - dạy văn và đôi khi dạy Pháp văn những năm chúng tôi lên cấp 2. Có lẽ những năm ở ngôi trường trung học nhỏ bé mang tên Tiểu La, chúng tôi dã hấp thụ văn chương từ đó. Thơ Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận... đến các nhà văn Pháp như Victor Hugo, Anatol France... mỗi ngày đều được thầy trích viết lên bảng một câu hay hoặc một câu châm ngôn có ích, để nhắn gởi đến lớp học vùng nông thôn nghèo và hứng chịu chiến tranh liên miên vốn ít tiếp cận được các loại thông tin nóng của cuộc sống đô thị.

Một người thầy dạy văn khác, gốc ở Huế. Thầy Trần Thông dạy chúng tôi những năm cấp 3. Ông sống một cuộc sống nghèo, đi chiếc vélo solex tàng tàng lúc đó. Ông khuyến khích chúng tôi làm báo, viết báo và khi chúng tôi tham gia vào cuộc đấu tranh chống Mỹ ở đô thị, ông có vẻ đồng tình ngầm với những học trò "ương ngạnh" của mình. Một thời gian, chúng tôi tổ chức bãi khóa kéo dài, sau đó đại tá thị trưởng Nguyễn Ngọc Khôi thân chinh đến Trường Phan Chu Trinh nói chuyện thuyết phục đám học trò chúng tôi phải ngoan và "học hành đàng hoàng", đừng tham gia chính trị, đấu tranh biểu tình. Tôi, một trong những người phản đối đã ra khỏi trường quyết không chịu nghe những lời dỗ ngọt đó. Đứng ngoài bìa đường Lê Lợi, thầy Thông đang đứng sửa chiếc vélo bị hỏng, thầy đưa mắt nhìn vào trong và bảo với chúng tôi: Con chó đó sao mà sủa lâu đến thế !

Tôi biết thầy không có một liên hệ nào với cách mạng, một thầy giáo sống cuộc đời thanh bạch, nghèo, nhưng những gì ông và một số thầy giáo cùng thời để lại cho chúng tôi là một di sản không nhỏ, ngay giữa lòng đô thị sặc mùi đô la và thuốc súng.

Một thầy giáo khác là anh Vĩnh Linh. Anh chưa dạy tôi bất cứ một giờ nào bởi vì tôi học ở Trường Phan Chu Trinh và anh lại làm Hiệu trưởng ở Trường Phan Thanh Giản, Đà Nẵng, nhưng đối với tôi anh là một trí thức và là một nhà giáo đúng nghĩa. Anh vào đại học những năm thế hệ tôi mới sinh ra và chưa kịp trưởng thành. Tốt nghiệp đại học ở Sài Gòn và trở thành giáo sư Đồng Khánh (Huế) từ giữa những năm 50 đến đầu 60, lại xuất thân từ một gia đình công giáo dòng, có thể nói anh được xếp vào hàng những người có đời sống của một giai cấp đặc biệt thời đó. Thế nhưng anh dạy học và sống rất giản dị. Những năm sau anh tìm đến với cách mạng và theo cách mạng. Anh từng lên rừng nhận nhiệm vụ với Đặc khu ủy Quảng - Đà, bàn công việc với anh Năm Dừa, lúc đó là thường vụ Đặc khu ủy.

Sức đọc, sức học, sự hiểu biết cũng như đời sống gương mẫu của anh, làm chúng tôi nể phục. Tháng 5.1972, cơ sở bị lộ, anh cùng chúng tôi bị địch bắt, giam thẩm vấn ở Thanh Bình, rồi Cảnh sát Gia Long, nhà lao, kho đạn Đà Nẵng. Có thể nói anh có một đời sống chiến đấu trong nhà tù ít người có được: trung thành, khí tiết, tự nguyện chấp nhận gian khổ dù chưa bao giờ mang danh hiệu đảng viên.

Tôi biết lúc bị bắt, anh không để lộ mối dây liên hệ nào với cách mạng. Trong nhà anh chỉ có một huy hiệu Hồ Chí Minh và một huy hiệu Lênin mà cảnh sát thu giữ được, anh chỉ khai đơn giản là hai huy hiệu đó có lẽ một là của anh Lê Gành và hai là anh Chu Sơn hay đến nhà chơi rồi để lại, vì anh biết chắc hai người đó đã ra chiến khu.

Anh đã để lại trong nhà tù một bản cung khai độc đáo: đầu tờ cung khai anh phân tích Mỹ xâm lược Việt Nam là phi nghĩa và phân tích những động cơ khiến anh trở thành người chống Mỹ. Cuối cùng anh đi đến kết luận bản cung là Mỹ nhất định thua và nhân dân Việt Nam nhất định thắng.

Dù có chỉ thị của cấp trên cho cảnh sát chế độ cũ là không được đánh anh để còn tranh thủ giới trí thức đô thị nhưng khi đọc xong bản cung khai, đám cảnh sát không kềm được tức giận đã ùa vào đánh đập anh. Một thời gian sau, tòa án quân sự Mặt trận Quân khu 1 xử anh vào khung án treo, một số bạn bè của chúng tôi được trả tự do vì không đủ chứng lý hoặc mức án thấp. Anh được thả, trước khi rời khỏi cổng nhà tù anh ôm hôn từng đứa chúng tôi và khóc, anh nói: Nay vì tình cảm của anh em mình, mình sẽ ra đời và làm việc gấp một nghìn lần để trả lại những tình cảm đó.

Đúng vậy, khi anh ra tù, gần chục đứa chúng tôi có mức án cao đều bị đưa vào Chí Hòa, Côn Sơn. Tôi nhận được tin anh làm việc cật lực, đấu tranh cật lực để mong sớm có ngày đoàn tụ với chúng tôi.

Khi ra khỏi nhà tù, bọn giám thị nhà lao kho đạn sợ anh mang theo tài liệu của chúng tôi gởi ra tố cáo chế độ lao tù. Chúng bèn xẻ đế chiếc dép của anh để khám. Anh chỉ vào đầu và nói: kiểm soát được cái đầu này thì kiểm soát chứ đôi dép vô tri đó có gì mà phải xét.

Ngày giải phóng Đà Nẵng, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, anh được giới thiệu ứng cử vào Quốc hội khóa đầu tiên. Đồng chí Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy lúc đó, hỏi Giám đốc Công an Quảng Nam - Đà Nẵng Hoàng Văn Lai rằng : hồ sơ tù của Vĩnh Linh thế nào. Anh Lai trả lời: càng đọc càng thấy tất cả không chê vào đâu được.

Những ngày đó chúng tôi gặp lại anh, tình thầy trò, tình anh em đồng chí chia bùi sẻ ngọt - cùng bùi ngùi nhớ lại những năm tháng khó khăn bầm dập nhất trong song sắt nhà tù. Anh vẫn là người thầy, người anh của chúng tôi như hôm nào. Trở lại cuộc sống hòa bình, niềm vui đan xen với những nỗi khổ đau cơm áo đời thường, tôi vẫn chưa hề thấy anh đòi hỏi gì cho riêng anh.

Tấm lòng của anh một người thầy, vẫn trinh nguyên như những ngày đầu theo cách mạng.

Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên 18/11/2000)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.