Trước khi Quốc hội thông qua dự thảo sửa đổi Luật Báo chí

15/12/2005 14:47 GMT+7

Dư luận đang rất quan tâm đến dự thảo sửa đổi Luật Báo chí được đưa ra Quốc hội xem xét lần này. Công bằng mà nói, những gì báo chí đã làm được trong thời gian vừa qua là một đóng góp rất lớn đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Báo chí chính trực gồm đông đảo các cơ quan báo, đài và tuyệt đại bộ phận nhà báo luôn ý thức được vai trò và tác dụng của mặt trận này đối với sự phát triển và ổn định tình hình đất nước. Sự tiến bộ cả về nghiệp vụ, nội dung lẫn hình thức của các loại hình báo chí Việt Nam được công chúng công nhận và đánh giá cao. Tính trung thực, lòng yêu nghề, lòng dũng cảm vì sự nghiệp chung của đại bộ phận các nhà báo đã làm cho báo chí Việt Nam khởi sắc hơn và được nhân dân tin yêu. Đảng và Nhà nước ta coi báo chí là một  chỗ dựa để lắng nghe ý kiến phản hồi từ phía quần chúng, giúp cho việc hoạch định chính sách và quản lý xã hội được hoàn hảo, đồng thời báo chí là một kênh truyền đạt những chủ trương chính sách về mọi mặt của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và cơ quan hành chính các cấp.

Một mặt nào đó, có thể nói báo chí chúng ta đã từng biết cạnh tranh thông tin được với báo chí các nước, thuyết phục được dư luận từ bên ngoài đồng tình ủng hộ sự nghiệp đổi mới của chúng ta. Thông tin trong nước đã ra được bên ngoài, được kiều bào đón nhận và tin cậy, loại bỏ tin tức, áp đặt về tình hình trong nước từ một số phương tiện thông tin bên ngoài.

Tổng biên tập của tờ Thanh Niên cho biết dấu hiệu cho thấy loại tin giật gân không còn hấp dẫn độc giả nữa. Ông (Tổng biên tập Báo Thanh Niên) nói: "Hiện nay những tờ báo ở VN mà bán chạy nhất lại là những tờ báo chính trị. Tôi nói tờ Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động chẳng hạn, tờ Nhân Dân nói vậy nhưng số lượng của họ rất cao. Tôi theo dõi tình hình báo chí VN thì những tờ báo chủ trương thương mại và giật gân, khiêu khích, khi trình độ dân trí thấp, thì những tờ báo đó bán được. Có những tờ báo trước đây họ bán 500 đến 700 ngàn sôæ nhưng mà bây giờ thì dần dần bắt đầu số lượng rớt xuống và tôi cho đó là báo động lành mạnh".

BBC đêm 9/10

Khi một số tờ báo có hàng trăm nghìn ấn bản mỗi kỳ (tất nhiên không phải trường hợp nào số lượng cũng phản ánh được chất lượng), tức là nó đã bén rễ được trong lòng bạn đọc. Điều đó nên là một sự trân trọng và tự hào đối với một  chế độ chính trị đã tạo nên và thúc đẩy một sự nghiệp báo chí như vậy. Ngược lại, chúng ta cũng chứng kiến không ít những sơ suất của báo chí - cả sơ suất về nghiệp vụ lẫn sự "ác tâm" của một số ít nhà báo; sự lạm quyền báo chí để trục lợi cũng bắt đầu xuất hiện. Mới đây thôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có than phiền với tôi về một  bài báo của phóng viên một tờ báo đóng vai một "khán giả viết" chê bai không tiếc lời một chương trình ca nhạc mà cũng chính trên tờ báo này, trước đó không lâu có tác giả từng khen và góp ý một cách khách quan. Cô ca sĩ bị chê bai lại chính là "cái đinh" của chương trình như một số tờ báo khác nhận xét. "Khán giả" này còn lên tiếng chê bai cả chuyện nhái giọng các vùng, miền của một nghệ sĩ hài và cho rằng việc đó cần loại bỏ, mà quên rằng chính các giọng hài đó đã lên tiếng góp phần phê phán thói hư tật xấu còn tồn tại ở một số địa phương cũng như quên rằng bản nhạc rặt giọng Phú Yên "Than thân trách phận" của nhạc sĩ Phan Bá Chức đã làm cho công chúng khắp mọi miền đất nước yêu giọng Phú Yên đến nỗi nào. Ví dụ vừa nêu trên tuy có phần "khập khiễng" khi nói về đề tài dự thảo luật báo chí hiện nay, nhưng là một ví dụ gần nhất. Còn nhiều việc như báo chí chúng ta đã từng đưa tin sai và không chính xác về con người này, về cơ quan nọ; đưa tin sai và không cải chính... Nhưng ngược lại cũng có rất nhiều trường hợp báo chí đưa tin chính xác mà vẫn không thấy các cá nhân, cơ quan có sự phản hồi; thậm chí có khi các cơ quan, cá nhân bị báo chí nêu "trúng 100%" còn lớn tiếng đi gõ cửa gây áp lực khắp nơi. Thiết nghĩ cả hai trường hợp vi phạm vừa nêu đều phải chịu sự điều chỉnh của luật pháp.

Hiện nay, trong dư luận có rất nhiều cách đánh giá về báo chí - có công bằng, có không công bằng. Song chúng tôi nghĩ và tin rằng Quốc hội lần này sẽ bổ sung và thông qua được những điều sửa đổi đã được thảo luận và góp ý trong các tầng lớp dân chúng và báo chí trong thời gian qua để báo chí VN có được môi trường phát triển đúng hướng, với một chất lượng cao hơn, được người đọc tin cậy hơn, đủ sức gánh vác vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng đất nước cũng như cạnh tranh thông tin trước sự lớn mạnh không ngừng của các phương tiện thông tin từ bên ngoài.

Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên 8/5/1999)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.