Độc quyền theo "cơ chế tự động"

11/12/2005 00:39 GMT+7

Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa ra 5 phương án tăng giá điện vào đầu năm 2006 và xin có cơ chế tự động điều chỉnh giá điện khi chi phí đầu vào tăng vượt quá 3%, trình Bộ Công nghiệp để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Nhiều chuyên gia đã bình luận, tham gia ý kiến nhưng tập trung chủ yếu vào việc lựa chọn phương án, hầu như chưa có ý kiến nào đề cập tới có nên tăng giá điện vào lúc này không và "cơ chế tự động".

Trước hết cần phải bàn ngược trở lại về việc tăng giá điện.

Mục tiêu tăng giá điện hoàn toàn không phải do sản xuất điện bị lỗ, mà theo người đứng đầu ngành điện - ông Đào Văn Hưng, Tổng giám đốc EVN - là để có vốn đầu tư tăng nguồn điện. Đây là điều hiếm thấy đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh, bởi vì vốn đầu tư được hình thành từ nguồn khấu hao tài sản cố định, từ nguồn tích lũy để tái đầu tư...; nếu thiếu nữa thì đi vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu để huy động vốn trên thị trường, chứ không thể bằng con đường tăng giá bán sản phẩm. Muốn có tích lũy, một mặt cần giảm chi phí sản xuất, chi phí truyền tải, mặt khác cần giảm thiểu thất thoát hao hụt (hiện còn chiếm tỷ lệ khá cao). Hơn rất nhiều ngành khác là ngành điện hầu như không phải cạnh tranh với ai, vì trong tổng sản lượng điện phát ra, doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 86,9%, ngoài nhà nước không đáng kể, còn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 13,1%. Hơn nữa thị trường còn rất rộng lớn, khi sản lượng điện bình quân đầu người ước năm 2005 mới đạt khoảng 630 Kwh, đứng thứ 7 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 39 châu Á, thứ 139 trên thế giới (trên thế giới có 167/193 nước và vùng lãnh thổ có mức bình quân trên 1.000 Kwh, trong đó có 12 nước trên 10.000 Kwh, 44 nước trên 5.000 Kwh).

Mặt khác, giá điện là chi phí đầu vào của hầu hết các sản phẩm của các ngành kinh tế và liên quan đến đời sống của hàng chục triệu hộ gia đình.

Trên các ý nghĩa đó thì chưa nên tăng giá điện vào đầu năm tới.

Thứ hai, xét về cơ chế "tự động tăng giá" khi chi phí đầu vào tăng từ 3% trở lên. Nếu xin được Thủ tướng cho phép có cơ chế này, thì có lẽ ngành điện sẽ là ngành được hưởng chế độ "độc quyền kép". Quan trọng nào bằng lương - một loại giá cả sức lao động - cũng chưa được hưởng cơ chế đó? Nếu điện được hưởng cơ chế "tự động" đó thì sẽ còn biết bao nhiêu loại sản phẩm khác cũng sẽ được hưởng và ngay cả khi giá điện tăng sẽ tạo nên "làn sóng" tăng giá mới ngay lập tức. Đã mấy lần ngành điện dự định tăng giá và xin được tăng giá, nhưng Chính phủ đã sáng suốt lắng nghe các chuyên gia, đặc biệt là sự phản hồi của báo chí nên đã không cho phép. Nhiều chuyên gia còn cho rằng "cơ chế tự động" là cơ chế nguy hiểm, bởi nó đã bỏ đi một rào cản cuối cùng để hoàn toàn độc quyền.

Lương thực thiếu hụt trong nhiều năm. Nhiều loại hàng hóa cũng bị thiếu hụt trong nhiều năm. Chỉ sau khi có "khoán 10", lương thực đã không những đủ ăn ở trong nước mà còn liên tục xuất khẩu với khối lượng lớn. Nhiều loại hàng hóa khác cũng nhờ dần dần hạn chế hoặc bỏ độc quyền mà cũng có tình hình tương tự, thậm chí còn đua nhau hạ giá.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.