Gieo chữ nơi đầu sóng

09/12/2005 22:01 GMT+7

Từ năm 2002 đến nay, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thông, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngư Lộc I đã mở lớp học tình thương dạy chữ cho trẻ em nghèo thất học ngay tại mảnh đất ven biển vốn quanh năm chỉ quen với hình ảnh lam lũ và những cơn sóng dữ…

Chúng tôi tới thăm lớp học tình thương xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) khi cô giáo Thông và 18 trẻ nhỏ đang say sưa với giờ học môn Lịch sử. Mấy đứa nhỏ, mặt mũi và quần áo lam lũ, lem nhem vết mực, cùng dán những đôi mắt thơ ngây lên chiếc bảng đen phủ đầy chữ viết... Đợi đến khi lũ trẻ nghỉ giữa giờ, mời khách bằng chén nước vẫn còn vị mặn của muối, cô Thông tâm sự: "18 em có 18 số phận khác nhau nhưng đều có một điểm chung là thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình cảm, trước khi trở thành thành viên của lớp học đều chưa một lần được cắp sách đến trường". Chỉ vào em gái độ 12 tuổi đang chơi nhảy dây, cô nói: "Đó là cháu Hà. Bố cháu bị chết trong cơn bão định mệnh năm 1996, mẹ bỏ đi lấy chồng bên Trung Quốc nên Hà phải ở với bà nội, bữa đói bữa no". Cạnh đó là Đồng Thị Nhung (12 tuổi), nhà có 4 anh chị em, bố bị bệnh khớp, mẹ đi làm “ô-sin” ngoài Hà Nội mỗi tháng gửi về vài trăm ngàn nên em không có tiền đóng học. Cậu bé đang ngồi cuối lớp tên là Hoàng Văn Việt, năm nay 16 tuổi. Việt bị bệnh tâm thần từ bé nhưng theo cô Thông, nhờ kiên trì sau 3 năm theo học cháu đã đọc và viết thành thạo...

Lớp học cho bọn trẻ tương đối khang trang, đầy đủ ánh sáng, nhiều trang thiết bị dạy học và đồ chơi cho trẻ. Ngồi bên những dãy bàn ghế kê thẳng tắp, phấn trắng, bảng đen, cô Thông nhớ lại những buổi học đầu tiên của lớp tình thương. Đó là vào tháng 2.2002, khi cô quyết định tổ chức dạy chữ cho một số trẻ bất hạnh trong thôn Thành Lập. Lớp học được xây nối từ gian bếp, cánh cửa cũ được được tháo ra từ ngôi nhà nhỏ kê thêm mấy viên gạch làm thành bàn ghế, bảng đen là nửa tấm gỗ ép đã tróc hết sơn. Học trò nghèo, ba má chúng chẳng có tiền, cô lại bỏ tiền túi mua tặng sách giáo khoa, vở và bút mực. Lo xong "cơ sở vật chất cho lớp học", cô Thông lặn lội đến nhà từng đứa trẻ thất học để vận động gia đình cho con em đi học, kể cả những em bị tật nguyền và nhiễm chất độc da cam. Chúng tới nhà cô giáo Thông học viết chữ, ê a đánh vần, nhẩm các phéáp tính cộng trừ nhân chia  trong khi nhiều đứa không có lấy một bộ quần áo lành lặn để mặc, đứa thì phải chịu cảnh bữa no bữa đói. Một số đứa đã nản trí, bỏ học nhưng cô Thông kiên trì vận động và tìm cách giúp đỡ học trò trong khả năng của mình. Cô Thông vẫn còn nhớ trường hợp của em Hoàng Văn Trung. Nhà Trung nghèo nên em thường xuyên phải đi làm thêm. Đến lớp được vài buổi thì Trung bỏ học. Cô giáo đến vận động đi học, Trung lại tránh mặt. Một hôm, thấy bóng cô giáo, Trung bỏ chạy ra phía biển, bơi ra thuyền nằm chơi. Cô Thông cứ ngồi trên bờ mà đợi học trò. Hết buổi sáng, sang buổi chiều Trung mới bơi vào bờ. Ôm đứa học trò vào lòng, cô Thông chỉ xuống bàn chân sưng tấy, rớm máu vì vấp phải đá trong lúc chạy theo Trung ra biển và nói: "Em không thương cô sao? Em đi học biết được cái chữ, sau này có cơ hội để thoát nghèo". Nghe cô giáo nói, Trung bật khóc và từ hôm sau em tới lớp học rất đều đặn.

Cảm tấm lòng của cô giáo, người dân Ngư Lộc vốn nghèo vật chất nhưng giàu lòng nhân ái đã ủng hộ nhiệt tình. Thôn Thành Lập cho mượn nhà kho để cô trò lấy chỗ dạy học. Thêm vào đó, Sở LĐ - TB và XH tỉnh Thanh Hóa, một số nhà hảo tâm ở tận Lâm Đồng, TP.HCM... tặng quà, cho tiền để cô trò có thêm đồng ra đồng vào mua sách, bút mực. Cùng sự trợ giúp của chính quyền, các đoàn thể và bà con xóm biển, hơn 50 em nhỏ đã tốt nghiệp "lớp học cô Thông". Bằng sự vận động của cô Thông, các em sau đó đều được Trường tiểu học Ngư Lộc I và Ngư Lộc II tiếp nhận vào học từ lớp 3, lớp 4 hoàn toàn miễn phí. Gần 20 người có độ tuổi từ 28 - 35 cũng tìm đến nhà xin theo học cô Thông với mong muốn thoát khỏi cảnh mù chữ và biết "làm phép tính" để đi buôn bán.

Cô Thông đưa chúng tôi về nhà. Đó là một ngôi nhà cấp 4 đang trong thời kỳ xuống cấp, cửa ra vào không có cánh trơ ra những chiếc bản lề gỉ sét. Phải khom lưng xuống, chúng tôi mới bước được vào. Trong căn phòng trống trải, ngoài bộ bàn ghế, chiếc giường ngủ, xoong nồi, dăm bộ áo quần thì tài sản quý nhất của cô là cái radio nhỏ để ở một góc bàn. Bên những bức tường loang lổ rêu, mấy giá sách đóng chưa vững, cô Thông nói ngay: "Tôi không có chồng, không có con. Nhà neo người lắm!". Chỉ vào tấm ảnh người thanh niên khoảng 24 tuổi treo ngay ngắn trên bàn thờ, cô Thông bảo: "Em trai tôi đấy. Nó ra trận rồi mãi mãi nằm lại nơi chiến trường". Ngoài sân, một người đàn bà đang khua khua tay vào không khí, rón rén từng bước. "Em gái tôi đấy. Nó bị mù mấy chục năm nay rồi!" - Cô Thông giới thiệu. Hoàn cảnh gia đình buộc cô phải hy sinh hạnh phúc riêng tư để chăm lo cho người em gái xấu số và bố mẹ già bệnh tật triền miên. Là một phụ nữ, cô Thông cũng khát khao được nghe tiếng khóc cười, sự vui đùa của trẻ nhỏ nên cô dành hết thời gian cho việc dạy dỗ lũ trẻ.

Cô còn nhớ như in những buổi chiều lộng gió, cô trò ngồi trên bờ biển tâm tình chuyện học hành, chuyện cuộc sống gia đình. Và cả những buổi liên hoan mặn nữa, tuy đơn sơ nhưng đậm nghĩa tình. Cô giáo trích những đồng lương hưu ít ỏi mua vài con cá, mấy lạng thịt... cùng học trò vào bếp rồi "đánh chén". Trong những buổi liên hoan ấy, cô Thông tổ chức cho bọn trẻ chơi những trò chơi dân gian, và bao giờ cũng kết thúc bằng "tiết mục" cam kết chăm ngoan, học tốt. Những cậu học trò cưng nay đã trưởng thành, mỗi lần đi biển về có con cá ngon đều đem biếu cô, cha mẹ học sinh cũng thường xuyên lui tới thăm hỏi... Cô Thông cười đùa: "Dạy cho người nghèo sướng thế đấy! Quý là ở cái nghĩa, cái tình". Nhìn quyển tập vẽ có chân dung cô Thông mà cô bé Đồng Thị Nhung giữ rất cẩn thận trong chiếc cặp bằng vải đã bạc màu, chúng tôi hiểu những lời cô Thông nói...

Quang Duẩn - Mạnh Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.