Tour cho cựu chiến binh Mỹ, tại sao không?

29/11/2005 23:12 GMT+7

Từ California (Mỹ), anh Lê Thành Giai - tác giả loạt bài Chuyện về Đặng Thùy Trâm viết từ Mỹ đăng trên Báo Thanh Niên vừa qua được đông đảo độc giả quan tâm - đã gửi cho Thanh Niên bài viết này, trong đó ghi nhận những ý kiến của các cựu chiến binh Mỹ mong muốn được du lịch, về thăm Việt Nam. Ý kiến của họ là những gợi ý thiết thực cho các công ty du lịch.

Phil Anderson bày tỏ sự không hài lòng về tour du lịch Việt Nam được tổ chức hồi tháng 3.2005 mà anh tham gia. "Chúng tôi ngoạn cảnh, chèo ghe... tại những địa danh không có tính lịch sử", chưa kể chương trình thiếu linh động, hướng dẫn viên lúc nào cũng tỏ ra vội vã", người cựu binh Mỹ 62 tuổi phàn nàn. Chuyến đi Việt Nam của Phil bắt đầu từ sau một cuộc họp mặt hằng năm, có người đề nghị đi Việt Nam, nhiều người khác đồng tình. Thế rồi họ đề cử một người sang Việt Nam hợp đồng với một công ty lữ hành. Nhật ký của Wells ghi về chuyến đi này: "Giá trọn gói đồng hạng 1.400 USD/người. Ăn ngủ khách sạn 2 sao. Di chuyển bằng xe buýt 15 chỗ ngồi. Ăn sáng: bánh mì trứng, nước cam hoặc sữa. Ăn trưa đặc sản tại điểm tham quan. Buổi tối là vui nhất vì không phải vận dụng sức để nhanh chân kịp với tiếng hô của hướng dẫn viên, được tự do đi uống bia. Tính chung, chuyến đi hụt hẫng và tốn kém nhiều hơn dự tính". Tôi đưa cho anh xem cẩm nang của một tổng công ty du lịch tại Sài Gòn. Anh nói mình chưa bao giờ thấy cái tên này. Tôi cũng thử hỏi thăm các hiệp hội cựu chiến binh khác, ai cũng trả lời là chưa có công ty du lịch nào của Việt Nam đến gợi ý hoặc chào tour trực tiếp hoặc gián tiếp. Phil cho rằng ngành du lịch Việt Nam, nói chung, vẫn còn chần chừ trong việc mời gọi các cựu chiến binh trở lại Việt Nam thăm chiến trường xưa trong khi ở Mỹ có hàng trăm hiệp hội với con số cả triệu hội viên. Danny L.Jacks, một cựu binh nói: "Ai cũng nghĩ đến điều này, nhưng chỉ nghĩ đến chứ chưa thể thực hiện được. Đi Việt Nam, một chuyến đi đúng nghĩa thật sự, là ước mơ của mỗi cựu binh Mỹ. Giả dụ có một công ty có kinh nghiệm tổ chức du lịch đến đặt vấn đề với chúng tôi, họ sẽ được hoan nghênh".

"Một tờ báo hoàn toàn có những ưu điểm tuyệt vời khi chịu đặt tay vào lĩnh vực du lịch có chủ đề" - Jerry Schuster, Tổng biên tập tờ Sua Sponte khẳng định. Theo ông, báo chí phục vụ cho du lịch có chủ đề sẽ góp phần đẩy mạnh công cuộc phát triển địa phương qua du lịch. Nhờ đó, những màu sắc độc đáo của địa phương sẽ dần dần nổi bật.

Wells, 59 tuổi, gợi ý: "Nên tổ chức tour đến An Khê, Pleiku, Huế, Cồn Tiên, Chu Lai, Bình Định... Mỗi nơi nên tổ chức cho du khách thăm một số căn cứ cũ, tổ chức gặp gỡ anh em quân giải phóng để cựu binh hai bên bày tỏ những gì họ muốn. Nên tổ chức thăm viếng dân tình tại địa phương, tham quan cuộc sống mới...". Gary Klauenburch cho biết: "Tôi đã hỏi bạn bè từng phục vụ tại Việt Nam rằng nếu có một tour sắp xếp sát sao như thế các anh có tham gia không, 9/10 người trả lời rằng rất sẵn sàng".

Theo Jacks, các nhà tổ chức nên bắt đầu thử làm một cuộc trưng cầu ý kiến về những gì cần được đưa vào tour Việt Nam. Anh nói: "Tôi tin sẽ được các cựu chiến binh hưởng ứng nồng nhiệt. Cũng nên thử làm một cuộc trưng cầu ý kiến về ẩm thực trong tour, về trang phục đi tour, về các mục vui chơi..., từ đó thực hiện một cẩm nang dành cho cựu chiến binh và cũng là cẩm nang dành cho người thực hiện. Cựu chiến binh là một đối tượng khách hàng lớn nhưng chưa được khai thác một cách chuyên nghiệp. Chúng tôi từng nói với nhau rằng, hãy trở lại Việt Nam thăm những người bạn cũ phía bên kia. Những thế hệ cựu chiến binh trước chúng tôi trở về Normandi hằng năm, tại sao chúng ta không trở về Việt Nam hằng năm?".


Huế, một trong những địa điểm mà các cựu binh Mỹ rất muốn đến thăm. ảnh: D.Đ.M

David Williams, bạn thân của Wells, 59 tuổi, về thăm quê vợ ở Việt Nam rất nhiều lần, khen ngợi Việt Nam là xứ sở của những món ăn ngon. Tuy nhiên, các cựu binh không dám ăn rắn, rùa, ba ba, bò tái, tiết canh, lẩu sống, cá nướng trui. Ngược lại, rau quả nhiệt đới, nước tinh khiết, bánh mì Pháp và thực đơn Mỹ đơn giản rất được ưa chuộng. Anh rất mê xôi chiên phồng ăn với gà nướng. David nói: "Mỹ là đất nước của những cơn sốc văn hóa luôn xoay theo vòng tròn. Do vậy, du khách cần thư giãn, cần tiếp xúc với một nền văn hóa có màu sắc nhẹ nhàng và sâu lắng. Không chỉ cựu binh, còn hàng triệu người Mỹ đang cần một tour du lịch có sức thu hút. Hãy điều chỉnh hình ảnh du lịch Việt Nam bằng những bãi biển sạch và đẹp, những khu du lịch mang đậm nét văn hóa truyền thống và những tour hợp với túi tiền của mọi người. Từ đây, các anh có quyền nghĩ tới những tour du lịch dành cho những gia đình có con, em, cha, chồng hy sinh tại Việt Nam. Chúng tôi luôn luôn là những cổ động viên tích cực nhất cho ngành du lịch Việt Nam".

Trao đổi với chúng tôi, nhiều công ty du lịch tại TP.HCM đánh giá tiềm năng du lịch của đối tượng cựu chiến binh Mỹ là khá lớn. Hầu hết những du khách đã từng đến Việt Nam đều cho biết rất hạnh phúc khi được về thăm lại "chiến trường xưa" ở Củ Chi, Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Trị...; được nhìn thấy sự thay đổi lớn của đất nước cũng như con người Việt Nam. Khi trở về Mỹ, họ tiếp tục giới thiệu bạn bè đến Việt Nam. Nhiều cựu chiến binh Mỹ quay lại Việt Nam lần 2, lần 3 để góp tiền ủng hộ người nghèo, xây trường học, bệnh viện... Hiện nay, các công ty du lịch lớn như Fiditourist, Vietravel... đều có các chương trình chuyên đề cho đối tượng du khách này. Tuy nhiên, các công ty đều gặp phải khó khăn do không có điều kiện quảng bá chương trình ở Mỹ, cũng không có nhiều kênh liên lạc với du khách, phần lớn phải thông qua đối tác là các công ty du lịch ở Mỹ nhưng lượng khách đưa đến Việt Nam từ các công ty này là không cao. Hiện hai công ty Fiditourist, Vietravel đã lập trang web www.fiditour.com; www.vietravel-vn.com để du khách có thể tìm hiểu chương trình tour và đăng ký tour trực tiếp. (C.Nhi)

Lê Thành Giai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.