TP.HCM: Chuẩn bị đối phó với dịch cúm H5N1 trên người

17/11/2005 23:45 GMT+7

Trước tình hình bệnh cúm A H5N1 xảy ra trên người tái phát ở phía Bắc, Sở Y tế TP.HCM, các bệnh viện, hệ thống y tế quận, huyện đã ráo riết chuẩn bị từ con người đến cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng ốc... để sẵn sàng đối phó nếu dịch bệnh xảy ra ở TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận.

Hôm 17/11, Sở Y tế đã có buổi làm việc với các bệnh viện (BV), các đơn vị y tế quận, huyện, để nghe các đơn vị báo cáo về việc chuẩn bị cho công tác phòng chống bệnh cúm H5N1 trên người.

Bác sĩ Trần Tịnh Hiền - Phó giám đốc BV bệnh nhiệt đới, kiêm Trưởng khoa nhiễm D (nơi được xem là đơn vị chủ lực chữa trị bệnh cúm H5N1 của TP trong thời gian qua) cho biết, BV đã chuẩn bị xong các khoa phòng, khu cách ly đặc biệt, với 50 giường bệnh; các trang thiết bị, máy giúp thở... dành cho việc chữa trị bệnh cúm.

Ở BV nhi đồng I, đội "đặc nhiệm" có nhiệm vụ tiếp nhận chữa trị bệnh nhân cúm gồm 20 bác sĩ và 20 điều dưỡng đã được thành lập. Sáng hôm qua 17.11, toàn BV đã diễn tập với những tình huống đưa ra: phát hiện một ca bệnh cúm tại phòng khám; nhận một ca bệnh cúm được chuyển đến từ một nơi khác; một ca đang nằm tại BV phát bệnh, cách xử trí với những tình huống đó sao cho bệnh không lây lan. Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Giám đốc BV cho biết: "Chúng tôi đã chuẩn bị ráo riết hơn tháng nay, khu cách ly, chữa trị bệnh nhi cúm với 30 giường (hiện tại) và 100 giường nếu bệnh thành dịch...". Tuy nhiên, ông Thượng cũng lo lắng, nếu bệnh nhân cúm vào đông sẽ rất khó khăn vì nơi đây luôn quá tải bệnh nhi, dễ làm lây nhiễm bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đề nghị các đơn vị y tế quận, huyện đề xuất mua thêm máy giúp thở. Các BV: Nhi đồng I, Nhi đồng II, Nhiệt đới, Phạm Ngọc Thạch, các đội vệ sinh phòng dịch của quận, huyện mỗi nơi phải có một xe chuyên dụng dành cho việc chuyên chở bệnh nhân cúm A. Còn bác sĩ Lê Trường Giang - Phó giám đốc Sở đề nghị các đơn vị lập kế hoạch dự trữ các phương tiện bảo hộ cho y, bác sĩ làm công tác phòng chống bệnh cúm; các bác sĩ phải lập hồ sơ điều tra dịch tễ đối với những ca nghi ngờ.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Thu - Giám đốc BV nhi đồng II cho biết: "Chúng tôi cũng đã trong tư thế sẵn sàng với khu riêng cách ly cho bệnh nhi nhiễm cúm H5N1, X-quang tại chỗ, máy giúp thở, monitor, 10 giường hồi sức, 20 giường điều trị, 6 bác sĩ, 15 điều dưỡng và 3 hộ lý, hơn một ngàn viên tamiflu. Khu cách ly gồm có khu chờ (dành cho những ca nghi ngờ), khu điều trị nội trú. BV cũng đã có kế hoạch cho cả khi tình huống bệnh "căng" hơn. BV đã huấn luyện cho tất cả các bác sĩ, điều dưỡng đều biết chẩn đoán bệnh cúm A. Tất cả mọi người trong BV từ tài xế đến nhân viên tạp dịch đều đã được huấn luyện biết tự dự phòng tránh bị phơi nhiễm bệnh khi tiếp xúc ca bệnh...".

Còn BV Phạm Ngọc Thạch, đơn vị "tân binh" vừa được bổ sung thêm vào đội ngũ tiếp nhận chữa trị bệnh cúm của TP cũng đã chuẩn bị 29 giường, phòng cách ly riêng (1 ở cấp cứu và 4 phòng ở hồi sức), kể cả... nhà vệ sinh riêng cho người bệnh... Đơn vị y tế Q.11 cũng chuẩn bị hai phòng (6 giường) dành cho bệnh nhân cúm. Trung tâm y tế huyện Củ Chi đã thành lập đội cơ động, đội điều trị bệnh cúm. Trung tâm truyền thông - giáo dục sức khỏe thì chuẩn bị cho in 1 triệu tờ bướm để tuyên truyền bệnh cúm cho người dân... Còn Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế thì đã chuẩn bị mua hóa chất, máy phun sử dụng trên máy bay...

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ - Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng cho biết, Trung tâm đã lập kế hoạch dự trù 32 tỉ đồng cho công tác phòng chống bệnh cúm của TP và đang tính toán về việc phân bổ cho các đơn vị như thế nào. Bác sĩ Thọ đề nghị các đơn vị khi nghi ngờ một ca bệnh phải tổ chức chống dịch tại cơ sở như là ca bệnh thật, ghi nhận những người tiếp xúc ban đầu với người nghi bệnh.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.