Vũ Ngọc Đãng: "Tôi từng làm người mẫu khoả thân"

08/11/2005 14:06 GMT+7

31 tuổi, có thể người ta vẫn loay hoay tìm một con đường, có thể người ta đã được gọi là người thành đạt. Còn Vũ Ngọc Đăng, anh có "Chuột" - bộ phim tạo được dấu ấn nghệ thuật, "Những cô gái chân dài" - bộ phim đầu tiên của tư nhân với doanh thu 5 tỷ đồng.

Tháng 11 này, Vũ Ngọc Đãng tiếp tục lên đường làm "Tuổi 20" - bộ phim đầu tiên sử dụng dàn diễn viên truyền hình độc quyền.

*Làm "Những cô gái chân dài", anh chê phim "Chuột" làm "Tuổi 20" anh lại chê "Những cô gái chân dài". Anh dùng phim trước để làm nền cho phim sau?

- Không, tôi chê thật lòng. Phim "Chuột" là một câu chuyện ít thoại, không có đại cảnh, tiết tấu chậm. Tôi muốn đặt thử thách mới ở "Những cô gái chân dài", có thể không hay như những người khác, nhưng phải khác họ. Đó là không khí trẻ trung, tiết tấu mới, diễn xuất mới, nhạc mới, diễn viên sống như cuộc sống ngoài đời.

Tôi đã làm được điều đó, nên "Những cô gái chân dài" thành công hơn "Chuột". Nhưng "Những cô gái chân dài" có những cái chưa được mà "Tuổi 20" phải sửa, đó là phim bị hời hợt quá, các nhân vật sống vì bản thân mình là chính, tình yêu nhạt nhoà, không quyết liệt. "Tuổi 20" vẫn hài, vẫn cảm động, vẫn lãng mạn, nhưng sẽ yêu hết mình. "Tuổi 20" sẽ là một câu chuyện cổ tích về tình yêu, cuộc sống.

*Tuy anh chia tay với hãng Thiên Ngân khá lặng lẽ, nhưng lại có nhiều lời bàn tán về sự ra đi này. Vì anh hay vì Thiên Ngân?

- Tính tôi thích thử thách. Sau "Những cô gái chân dài", tôi muốn làm phim kinh dị "Biết chết liền". Nhưng mọi người thấy phim "Nữ tướng cướp" ăn khách, nên buổi sáng chiếu ra mắt "Nữ tướng cướp", buổi chiều Thiên Ngân gọi tôi ra nói chuyện bỏ kế hoạch làm  "Biết chết liền". Họ muốn tôi làm phim hài tình cảm. Nhưng thời điểm đó tôi không còn hứng thú với thể loại này nữa.  Hai bên bất đồng quan điểm, nên chia tay cũng dễ hiểu.

*Anh đang làm "Tuổi 20" với một sức ép tâm lý rất lớn, nếu phim thất bại, con đường anh đi sẽ hẹp lại?

- Tin đồn đấy! Có người còn nói tôi chết đến nơi rồi, ốm hom gầy mòn, vò đầu bứt tóc, đang trong tình trạng hoảng loạn, không thể viết kịch bản 30 tập trong 4 tháng, trong khi tâm lý tôi đang rất thoải mái.

*Có khi nào anh cảm nhận thấy sự bạc bẽo khi làm phim với tư nhân?

- Tôi quan niệm làm phim tư nhân hay Nhà nước đều là làm thuê. Mục tiêu lớn nhất của tôi là được nói không với tất cả những gì mình không muốn. Khi tự do tôi có điều kiện để được nói  "không" hơn.

Phim cũng không phải là cái tôi quá đam mê, sống chết, như nhiều người không biết làm phim thì làm gì. Tôi có nhiều nghề có thể kiếm tiền được. Hồi đi học, tôi làm phục vụ bàn, xúc vỏ chai bia, sống cũng khoẻ. Hơn nữa, làm Nhà nước chắc gì người ta chấp nhận một người trọc đầu, hay phát ngôn bừa bãi như tôi?

*Sinh ở Thái Bình, sống ở Tây Ninh, Bình Dương rồi "dạt" về Sài Gòn, xem ra anh cũng có một "thời ngang dọc"?

- Tôi học rất dở, đến mức thi tốt nghiệp lần 2 mới đậu. Lúc đó thi đại học xong, tôi không biết làm gì, đành lên Tân Cảng phụ chị dâu bán quán cháo lòng, tiết canh. Bưng bê mãi tôi thấy cuộc sống nhàn chán, có những lúc tôi căng thẳng cao độ. Anh em trong nhà thì đều học đại học, mọi người nói chuyện với tôi có vẻ phân biệt đối xử. Không chịu được sự tẻ nhạt, tôi nghĩ phải học  một cái gì đó để mọi người đừng coi thường mình nữa.

*Lối thoát là nghề đạo diễn?

- Lúc đó tôi chưa hiểu gì về nghề đạo diễn. Khi bán hàng tôi có xem vở kịch "Hoa xuyến chi", thích quá nên đăng ký học dự thính diễn viên. Nhận thấy sức học tồi tệ của mình, nên được một học kỳ tôi gặp thầy Công Ninh xin nghỉ. Không ngờ thầy dội thêm cho tôi một gáo nước lạnh: "Tôi cũng đang tính nói với em điều đó!", rồi thầy nói tôi có năng khiếu đạo diễn, nên đợi thi vào lớp đạo diễn sân khấu. Sau lần đó tôi lại quay về Tân Cảng bán quán và tiếp tục nhấm nháp những ngày nhàm chán.

*Khi đó, ai quăng chiếc phao cho anh?

- Chính  là bố tôi. Ông cụ lên Sài Gòn nói: Thằng Bảy gần nhà chụp hình kiếm tiền cũng được, hay mày thử đi chụp hình xem. Nhờ mối quan hệ sẵn có ở  trường Sân khấu, nên tôi chụp hình cũng đủ sống... Rồi tôi nghĩ đến quay phim.

Tôi nộp hồ sơ và vào ở "chui" trong ký túc xá. Vô tình gặp lại thầy Công Ninh, thầy vẫn nhớ và khuyên tôi thi đạo diễn sân khấu. Lúc đó đạo diễn sân khấu có gần 200 người thi, còn đạo diễn điện ảnh gần 400 người. Tôi nghĩ đằng nào cũng rớt nên chọn nơi đông người rớt cho đỡ ngượng. Đúng là chuyện cổ tích, tôi đã thi đỗ.

*Phim "Chuột" chính là phần thưởng cho thủ khoa đạo diễn năm đó?

- Dù tốt nghiệp thủ khoa, nhưng tôi vẫn thất nghiệp, nên lại thi vào quay phim. Vì như thế tôi vẫn giữ được mối chụp hình trong trường, được ra vào trường hợp lý. Mà nếu có ai hỏi sao không làm phim, tôi nói bận đi học cũng đỡ ngượng. Say này hãng TFS mời tôi làm "Chuột". Rồi Thiên Ngân chủ động mời tôi làm "Những cô gái chân dài".

*Nhiều quyết định của anh xuất phát từ thế bị động, nhưng có một việc anh chủ động: Trước khi bấm máy "Những cô gái chân dài", anh đã đứng làm... người mẫu khoả thân?

- Tôi thấy chuyện đó hết sức bình thường. Là một nhiếp ảnh, đạo diễn, tôi nhìn nhận việc này rất đẹp. Ngay cả chuyện chụp ảnh khoả thân, có nhiều bức ảnh tôi thấy đẹp mê người. Đó cũng là lý do chưa bao giờ tôi cầm máy chụp ảnh khoả thân, vì tôi biết mình làm chưa thể xuất sắc được.

*Anh làm người mẫu khoả thân vì tiền?

- Tôi không hề lấy đồng nào, tôi và người vẽ chỉ uống mấy ly cà phê thôi.

(Theo Đẹp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.