Bệnh "té giếng", trị bằng cách gì ?

07/11/2005 21:28 GMT+7

Những đứa trẻ cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, gọi không chịu nghe, thui thủi chơi một mình, nhảy cẫng hô hoán một mình, cha mẹ “bó tay” không thể nào dạy được một chữ… Ông bà ta choàng cho căn bệnh này cái tên dân dã là "té giếng", còn y học hiện đại gọi là "tự kỷ". Cho đến nay, các nhà y học vẫn chưa đưa ra nguyên nhân chính xác gây bệnh tự kỷ ở trẻ. Nhiều gia đình ở nước ta có con em mắc bệnh không biết phải điều trị ra sao, vì hiện nay, trong nước rất ít nơi chữa trị căn bệnh này, cũng như việc điều trị rất khó khăn, bởi bệnh liên quan về y khoa, nhưng lại dựa trên khoa học tâm lý để chẩn đoán, còn trị liệu thì thường là giáo dục!

 

 

Căn bệnh "kỳ lạ"

 


Bộ phận giáo viên (khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng II, TP.HCM) đang dạy cho trẻ tự kỷ - Ảnh: Khánh Vy

Anh S. (ở TP.HCM) cho biết, khi con gái anh 2 tuổi thì có những biểu hiện: gọi bé không quay lại, nghĩ rằng bé mắc bệnh ở tai, nên đưa đi khám tai, nhưng bác sĩ bảo tai bé bình thường. Ngoài ra, bé còn có các triệu chứng như mắt nhìn không rõ, xúc giác chỗ có chỗ không, bé hay đi nhón chân, hay chạy (chạy không đánh tay)... Cả nhà không biết bé mắc bệnh gì, đưa đến khám ở bệnh viện cũng không tìm ra bệnh. Còn chị Y., mẹ của bé T. (ở Hà Nội), thì cho biết khi Y. một tuổi rưỡi mà chẳng biết nói, chẳng làm được những trò như những trẻ cùng lứa, mắt lúc nào cũng nhìn đâu đâu và sợ đủ thứ, bé thường có những cơn giận dữ vô cớ... Chị đưa đi khám ở nhiều nơi, nhưng chủ yếu bác sĩ cho các loại thuốc bổ và nói... đợi bé lớn xem sao. Cũng na ná, bé Đ., con của anh L. (ở TP.HCM) thì thích chơi trong phòng tối, lúc bé 10 tháng vẫn chưa biết phát âm, gọi bé không quay lại, không ý thức về người thân, sợ những âm thanh, la hét khi không vừa ý... Đó là 3 trong số rất nhiều trường hợp cha mẹ có con mắc phải như thế.

 

Theo bác sĩ Thái Thanh Thủy - Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng II (TP.HCM) thì: những biểu hiện nói trên ở trẻ là triệu chứng của bệnh tự kỷ, bệnh ngày càng phổ biến. Trước đây, các nhà y học cho rằng bệnh tự kỷ ở trẻ là do vấn đề gia đình (cha mẹ không quan tâm con cái, trẻ thiếu sự gần gũi, yêu thương từ cha, mẹ...) gây nên là chính, nhưng hiện nay, người ta còn chấp nhận yếu tố gây bệnh là do có sự rối loạn chức năng của não. Vì vậy, bệnh tự kỷ được hiểu ngắn gọn là bệnh rối loạn phát triển lan tỏa, biểu hiện ở 3 lĩnh vực ngôn ngữ, quan hệ xã hội và hành vi. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những giả thiết, chứ chưa có một xác định chắc chắn về nguyên nhân gây bệnh.

 

Theo bác sĩ Thái Thanh Thủy, trẻ mắc bệnh tự kỷ thường có những biểu hiện như: khó hoặc không tiếp xúc với người khác (kể cả cha, mẹ); làm ngơ với sự vật chung quanh; không có khả năng cảm nhận được cảm xúc của người khác (trẻ đối xử, xem người khác như đồ vật, như không khí); trẻ không tiếp xúc với người khác bằng mắt (vì thế, nếu buộc trẻ nhìn mình, trẻ sẽ nổi cơn giận dữ ghê gớm). Ở lĩnh vực hành vi, trẻ cũng bị rối loạn, biểu hiện: hay bực bội, lo lắng, thậm chí hung hăng khi có những thay đổi bất ngờ trong sinh hoạt hằng ngày. Nhiều khi trẻ tấn công người khác một cách vô lý, hay hành vi lặp đi lặp lại về cử chỉ, điệu bộ, câu hỏi. Đặc biệt, trẻ tự kỷ rất thích các vật xoay tròn như quạt máy, thích lật xe đồ chơi lên để quay tròn bánh xe. Rối loạn về ngôn ngữ: những trẻ mắc bệnh hầu như không hiểu về nguyên tắc ngôn ngữ (chẳng hạn, khi trẻ muốn ăn kẹo, thì lại nói "mày muốn ăn kẹo"), trẻ hay dùng những ngôn ngữ mà người khác chẳng hiểu gì cả. Về mặt sinh học cơ thể: có khoảng 15 - 20% số trường hợp trẻ mắc bệnh tự kỷ có kèm cơn động kinh.

 

Chữa trị thế nào?

 

Phần lớn các cha mẹ khi có con mắc chứng bệnh này rất khổ tâm vì không biết chữa trị ra sao, bởi thông tin về bệnh, nơi chữa trị rất ít ỏi. Nhiều người đưa con đến các cơ sở điều trị, nhưng hầu như các bác sĩ chỉ khám rồi bảo bình thường, không sao và cho về. Nhiều người lo lắng chạy chữa lung tung. Bác sĩ Thái Thanh Thủy cho rằng: "Với bệnh tự kỷ, cần phát hiện và chữa trị sớm, phần lớn trẻ mắc bệnh đưa vào khám tại Bệnh viện Nhi đồng II rất trễ (từ 3 - 6 tuổi). Việc chữa trị nhằm cải thiện những khiếm khuyết ở trẻ, chứ không thể đưa trẻ tự kỷ trở về như trẻ bình thường được. Khoa Tâm lý của bệnh viện cũng tiếp nhận, điều trị (nội trú và ngoại trú) bệnh này. Bình quân tại khoa có hơn 20 trẻ điều trị nội trú. Để chữa trị bệnh tự kỷ cho trẻ là rất công phu và thời gian rất lâu...". Cử nhân tâm lý Ngô Xuân Điệp (khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng II, TP.HCM) thì cho rằng, bố mẹ, gia đình trẻ là người quyết định 70% thành công trong điều trị trẻ tự kỷ.

 

Hiện, khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng II, áp dụng chương trình mới để điều trị bệnh tự kỷ cho trẻ, với 3 bộ phận phối hợp khám, chữa trị. Bộ phận y khoa sẽ tiếp nhận sàng lọc bệnh ban đầu, đánh giá tổn thương của từng trẻ. Kế đó, bộ phận trị liệu tâm lý sẽ khám tâm lý để tìm hiểu những nguyên nhân. Sau đó sẽ xây dựng chương trình trị liệu và bộ phận giáo dục viên đặc biệt sẽ thực hiện chương trình trị liệu cho trẻ. Sau mỗi tháng, 3 nhóm trên sẽ ngồi lại để nhận xét kết quả, bàn bạc chương trình trị liệu tiếp theo cho từng trẻ.

 

Phương pháp "chụp hình" từ một phụ nữ

 

 


Bộ phận tâm lý (khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng II, TP.HCM) đang khám, tư vấn cho bệnh nhi và phụ huynh - Ả
nh: Khánh Vy

Theo chúng tôi biết được, hiện nay tại TP.HCM có một người áp dụng phương pháp chữa trị bệnh tự kỷ cho trẻ đạt kết quả rất tốt, đó là chị Phương Nga. Từ năm 2002 đến nay, chị cùng 3 trợ lý kỹ thuật của mình đã chữa trị cho 37 trẻ bị bệnh tự kỷ và đã có hơn 20 trẻ đạt kết quả tốt (hơn 20 trẻ ở TP.HCM và 5 trẻ ở Hà Nội). Xuất phát từ việc có con mắc bệnh tự kỷ, chị Nga đã chạy chữa nhiều nơi cho con, nhưng không có kết quả. Năm 1999 chị sang Mỹ để học một khóa ngắn ngày về "Gia đình trị liệu" để chữa trị bệnh tự kỷ bằng phương pháp "chụp hình".

 

Phương pháp "chụp hình" được hiểu một cách đơn giản là dạy trẻ nắm bắt sự vật như một "máy chụp hình". Trẻ được tiếp xúc trực tiếp với đồ vật, gọi tên đồ vật để trẻ nhớ, và đặc biệt  khi trẻ bị bệnh tự kỷ đã nhớ thì không khi nào quên (một số nước đã áp dụng phương pháp này để đào tạo cho trẻ thần đồng). Bên cạnh đó còn có nhiều thủ thuật để hướng dẫn trẻ làm quen với giao tiếp, cũng như  cách ứng xử. Sau khi áp dụng cho con đạt kết quả, năm 2002, chị Nga bắt đầu phổ biến phương pháp chữa trị tự kỷ cho những gia đình có con mắc bệnh. Anh S. (ở TP.HCM) cho chúng tôi biết, sau khi được chị Nga hướng dẫn, anh về tập cho con, hơn hai tháng nay thấy kết quả rất khả quan, vợ chồng anh rất mừng. Ngoài ra, một số gia đình khác sau khi áp dụng những bài tập cho con mình học ở chỗ chị Nga đã đạt kết quả rất khả quan (như bé K.Kh., bé L.Đ., bé T.Đ., bé M.H...). Hiện nay, qua truyền miệng, rất nhiều gia đình có con mắc bệnh đã tìm đến chị Nga để học (mỗi khóa 5 ngày). Thiết nghĩ, các đơn vị chuyên môn, cơ quan chức năng cần tìm hiểu, trao đổi về cách trị liệu của chị Phương Nga nhằm phát triển, phổ biến phương pháp chữa trị, giúp trẻ mắc bệnh tự kỷ có nhiều điều kiện tiếp xúc với những phương pháp trị bệnh.

 

Phát hiện sớm bệnh tự kỷ ở trẻ như sau:

 

Theo bác sĩ Thái Thanh Thủy, có thể phát hiện được trẻ mắc bệnh từ khi còn rất nhỏ (trong 6 tháng đầu), với những biểu hiện: trẻ không vui mừng khi thấy mẹ lại gần; trẻ không có "nụ cười xã hội" (nhếch mép cười khi nhận ra người thân ở tháng thứ 3); không thích thú khi được người thân chăm sóc; trẻ thường tỏ ra bình lặng, tỉnh bơ trước giọng nói, hay khuôn mặt của bố, mẹ; trẻ có cử chỉ tránh né khi hai mẹ con đối diện nhau. Về hành vi: trẻ quá ngoan hoặc quá khó tính, trẻ không có phản ứng thích nghi (không mở tay đón nhận khi mẹ đưa tay bế). Về ngôn ngữ: trẻ không có âm sơ khởi (không bi bô như những trẻ khác). Về cơ thể (trương lực cơ ở cổ quá cứng, hoặc quá mềm). Đối với trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi, có 3 triệu chứng báo động cần lưu ý: nhìn sửng sốt như bị thu hút những vật thể quay tròn, hay ve vẩy những ngón tay...; tỏ vẻ xa cách với đồ vật, đồ chơi nhưng lại chú tâm đến những vật thể lạ như khe hở, hạt bụi, lỗ rách ở tấm màn, nệm...; không hề sợ đối với người lạ (lúc 8 - 9 tháng). Ngoài ra, cần chú tâm đến 3 biểu hiện đi kèm là: không vui mừng sau một giấc ngủ tỉnh dậy thấy mẹ lại gần; có những cử chỉ, điệu bộ không phù hợp với môi trường; có thái độ thờ ơ, lãnh cảm với môi trường chung quanh.

 

 Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.