Nhiều nơi áp dụng Luật Đất đai tùy tiện

20/10/2005 00:12 GMT+7

Ngày 19/10, tại TP.HCM, hơn 400 doanh nghiệp (DN) khu vực phía Nam đã tham dự cuộc đối thoại với Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Luật Đất đai 2003. Nhiều DN đã bức xúc phản ánh việc dù Luật Đất đai 2003 đã đi vào cuộc sống nhưng việc áp dụng bộ luật này tại nhiều địa phương vẫn rất tùy tiện.

Không thể một phần thỏa thuận, một phần cưỡng chế

Đại diện các công ty An Thiên Lý, Thái Dương... phản ánh hiện nay rất khó khăn khi phải giải tỏa đền bù 100% diện tích đất của dự án và kiến nghị cần  có phương án cho phép DN tự thỏa thuận đền bù 80%, nếu 20% diện tích đất còn lại gặp vướng mắc thì Nhà nước ban hành khung giá đền bù với mức giá bằng mức giá trung bình của số đất đã thỏa thuận. Bên cạnh đó, các công ty nói trên cũng phản ánh khó khăn do trong trường hợp DN chưa đền bù xong 100% thì không được cấp giấy chứng nhận, khiến họ không thể thế chấp vay vốn đầu tư dự án. Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ khẳng định ngay: "DN đền bù xong phần nào thì cơ quan có thẩm quyền có thể cấp giấy chứng nhận ngay cho phần đó để tạo điều kiện cho DN vay vốn. Đến khi đền bù xong toàn bộ diện tích dự án thì thu hồi giấy đã cấp và cấp lại giấy thể hiện đầy đủ diện tích của dự án. Điều này đã được quy định rõ, địa phương nào không thực hiện là sai quy định". Về chuyện "80% và 20%",  Thứ trưởng Đặng Hùng Võ nói: "Không thể một dự án mà phần này thì thỏa thuận còn phần kia thì cưỡng chế giải tỏa. Làm như vậy là trong một dự án mà phải áp dụng cả 2 bộ Luật: Luật Dân sự và Luật Hành chính. Như vậy là vô lý".

Cấp đất rồi lại chuyển qua cho thuê đất

Ông Nguyễn Thanh Bình - đại diện Công ty Việt Thanh tại Đồng Nai, chuyên sản xuất hàng nhựa bức xúc trình bày: "Công ty tôi mua một lô đất 4.100m2 tại huyện Trảng Bom để di dời cơ sở sản xuất khỏi khu dân cư. Sau khi mua đất, công ty đã được cấp sổ đỏ mới với thời hạn sử dụng được ghi là 50 năm. Đùng một cái, ngày 30/6/2005, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định là chỉ cho thuê lô đất nói trên với thời hạn 4 năm. Ngày 18/7/2005,

Thứ trưởng Đặng Hùng Võ cho biết: Dự kiến cuối tháng 10/2005, Thủ tướng Chính phủ sẽ ký Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Theo đó, sẽ có một số sửa đổi như dự án chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia thì không phải tổ chức đấu giá. Đối với đất đô thị hoặc khu dân cư nông thôn thì Nhà nước sẽ thu hồi đất theo quy hoạch chung chứ không thu hồi theo từng dự án, sau đó cơ chế áp dụng để giao đất hay đấu giá đất sẽ tùy theo tính chất của từng dự án trong khu quy hoạch...

Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai ký bản hợp đồng thuê đất yêu cầu Công ty Việt Thanh phải đóng tiền thuê đất từ ngày 26/1/2005. Tôi không hiểu tại sao?". Thứ trưởng Đặng Hùng Võ nghe chuyện này đã trả lời ngay: "Đồng Nai làm như thế là hoàn toàn sai. Tôi sẽ liên lạc ngay với Sở TN-MT Đồng Nai để xem xét lại vụ việc của Công ty Việt Thanh". Cả hội trường đã vỗ tay hoan nghênh cách xử lý vấn đề của Thứ trưởng Võ.

Một giấy hay hai giấy vẫn chưa ngã ngũ

Nhiều DN thắc mắc: Vấn đề một giấy và hai giấy trong việc xác lập sở hữu nhà đất đã khiến cho không chỉ người dân mỏi mệt mà DN cũng bị ách tắc. Rất nhiều hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho khách hàng, sau khi xây dựng xong không làm giấy chủ quyền được, ảnh hưởng đến uy tín của DN. Thứ trưởng Đặng Hùng Võ cho biết: "Sau khi báo chí phản ảnh ý kiến người dân, Bộ TN-MT kiến nghị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến bằng văn bản, vào tháng 9/2005 Thủ tướng đã thống nhất là chỉ cấp 1 giấy và giao cho các bộ nghiên cứu. Thế nhưng, khi sắp đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội chuẩn bị đưa ra bàn thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản lại có ý kiến cho rằng vấn đề này phải "mềm dẻo", cần phải tính đến loại nhà đất nào thì chỉ cấp 1 giấy, loại nào thì cần phải cấp 2 giấy. Do vậy, vấn đề này vẫn chưa ngã ngũ và phải chờ Quốc hội bàn bạc trong kỳ họp này khi thảo luận về hai dự luật trên, sau đó Chính phủ mới quyết định". Thứ trưởng Đặng Hùng Võ nhấn mạnh: "Riêng tôi, trong rất nhiều cuộc họp bàn về vấn đề này, tôi đã nhấn mạnh: cái gốc của căn bệnh này là ai phát hành giấy. Tôi đề nghị không có cơ quan nào ở Trung ương phát hành giấy cả. Chính phủ sẽ quy định mẫu giấy, sau đó đưa về cho các địa phương in ấn, phát hành".

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.