Tam giác vàng và đường dây ma túy xuyên quốc gia - Kỳ 3: Cuộc chiến đến hồi kết thúc?

28/09/2005 21:58 GMT+7

Không chỉ chuyển qua xuất bột trắng sang Trung Quốc, nơi sức tiêu thụ không ngừng gia tăng, bọn buôn bán ma túy còn đa dạng hóa việc cung cấp bằng cách sản xuất các loại ma túy tổng hợp, đặc biệt là metamphetamine, trong những phòng thí nghiệm đặt tại các vùng núi Myanmar dưới sự bảo vệ của đội quân riêng của chúng.

Metamphetamine - mỏ vàng mới

Nếu một vài người trong giới chuyên môn hỉ hả rằng việc sản xuất thuốc phiện đang giảm dần tại Myanmar, Thái Lan và Lào nhờ triển khai các chính sách do chính quyền địa phương đề ra trước sức ép của cộng đồng quốc tế, thì một số khác lại gióng lên hồi chuông báo động về sự thay đổi chiến thuật của các trùm ma túy. Tại Lào, thu hoạch nha phiến năm 2004 đã giảm xuống 45% so với năm trước, tương đương với khoảng 43 tấn bạch phiến sau khi chế biến. Xu hướng này cũng diễn ra tại Myanmar. Nhưng theo Asia Times Online, sự thay đổi tích cực này có thể sẽ không kéo dài vì một khi sự hỗ trợ quốc tế có nguy cơ suy giảm trong những tháng sắp tới thì những cố gắng của chính quyền Myanmar trong cuộc chiến chống ma túy cũng có thể sẽ giảm đi. Hiện nay, tiền tài trợ chủ yếu được rót cho nông dân để khuyến khích họ rời bỏ ma túy. Thiếu tiền thì cũng đồng nghĩa với sự sụp đổ của những nỗ lực này. Tuy nhiên, theo Bangkok Post, điều đáng lo ngại nhất chính là việc đổi hướng kinh doanh của những tên trùm ma túy: bỏ bớt một phần buôn lậu bạch phiến để chế biến metamphetamine vì sẽ thu được lợi nhuận cao hơn.

Các tổ chức chống ma túy hiện nay dường như không có khả năng đưa ra những con số chính xác về số lượng metamphetamine được "quốc gia Wa" sản xuất ra. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho biết rằng quân đội Wa đã triển khai lực lượng hơn 1.000 tên dọc theo biên giới Thái Lan vào tháng 4.2005 vừa qua với tổng số hàng là hơn 30 triệu viên nén yaba và 2 tấn bạch phiến để xuất thẳng sang Hồng Kông và các nước Đông Nam Á - nơi nhu cầu không ngừng gia tăng. Nhiều nhà chuyên môn chắc chắn rằng sự chuyển đổi qua sản xuất metamphetamine tại vùng Tam giác vàng đang rất thuận buồm xuôi gió !

Thủ lĩnh Bao Youxiang

"Quốc gia Wa", chỉ là một điểm bé tí tẹo trên bản đồ thế giới. Quân đội của nó (UWSA) do Bao Youxiang đứng đầu, có khoảng 20.000 lính chuyên nghiệp và 40.000 nhân viên dân sự, đồng thời sở hữu một cơ sở vật chất đã lạc hậu. Chính phủ Mỹ xem Bao như một "kẻ đứng đầu một tổ chức khủng bố thứ ba cần phải triệt hạ sau bin Laden và Saddam Hussein". Cái đầu của hắn được treo giá 3 triệu USD và những kẻ buôn lậu ma túy nếu muốn gặp hắn phải bỏ ra 6.000 USD - xem như phí bảo lãnh.

Tại vùng Tam giác vàng

Bao Youxiang là con thứ sáu trong số tám người con của gia đình một trưởng bộ tộc Wa. Cùng với anh cả là Bao Youyi và bác là Bao Sanban, hắn lập ra một phong trào chiến tranh du kích chống chính phủ và tạo nên danh tiếng bằng sức mạnh của súng đạn. Năm 1989, hắn thành lập quân đội riêng và đạt được thỏa thuận hòa bình với Chính phủ Myanmar. Đứng đầu 40.000 binh sĩ, Bao thành lập nhà nước tự trị Wa và sau các cuộc thanh toán đẫm máu, Bao Youxiang trở thành ông trùm mới của vùng Tam giác vàng từ năm 1996. Cuối tháng 1.2005, Bao Youxiang và 3 kẻ thân tín khác cùng với Wei Xuegang, kẻ được xem là một trong những trùm ma túy quốc tế nguy hiểm nhất đã bị tòa án New York xử vắng mặt về tội sản xuất bạch phiến và amphetamine, buôn lậu ma túy trá hình dưới các hoạt động thương mại bình thường để đưa các chất này vào Mỹ cũng như các nước khác.

Người Wa từ bỏ thuốc phiện?

Nếu tin vào lời hứa từ nhiều năm nay của Bao Youxiang, thì vụ thu hoạch năm nay sẽ là vụ cuối cùng tại "quốc gia Wa". Như vậy, tháng 10 năm nay sẽ không còn cảnh nông dân gieo trồng cần sa như những năm trước. Sau khi có lệnh cấm trồng cần sa, Bao Youxiang hy vọng biến Tam giác vàng thành một khu du lịch và kinh tế. Hiện Bao Youxiang đã đưa dân di cư xuống phía nam. Chính quyền Wa đã phát miễn phí hạt giống lúa mạch cho nông dân và dạy họ cách gieo trồng. Chính quyền cũng đã đưa ra một chương trình trồng cây cao su và cây ăn trái trong vùng này.

Tuy nhiên, cuộc di dân này lại đặt ra một vấn đề khác. Nhiều người cho rằng thật phi nhân đạo khi dùng súng ống để cưỡng ép người dân rời khỏi tổ ấm và mảnh đất thân quen của mình. Một khi xa rời nguồn cội, họ dễ bị tổn thương hơn nhất là khi xuống đồng bằng; những căn bệnh như thương hàn và kiết lỵ đã cướp đi sinh mạng của 1.500 người. Ngoài ra, báo chí cũng nghi ngờ rằng cuộc di dân cưỡng ép này thật ra là để che giấu ý định mở rộng các điểm buôn lậu "ice", một loại thuốc lắc dưới dạng tinh thể trắng, vào lãnh thổ Thái Lan.

Nếu đúng như vậy, kế hoạch này cùng với những thay đổi chiến lược buôn bán hàng trắng của các ông trùm sẽ khiến thời điểm kết thúc cuộc chiến chống ma túy vẫn chỉ là câu hỏi và lịch sử buôn bán ma túy ở Tam giác vàng vẫn chưa thể kết thúc.

Nhật An
(Theo Courrier International)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.