Cơ chế, chính sách hợp lý sẽ thúc đẩy khoa học - công nghệ phát triển

24/09/2005 23:34 GMT+7

Dành trọn cả ngày 24/9/2005 gặp gỡ và làm việc với gần 500 cán bộ khoa học và công nghệ (KH - CN) cả nước, Thủ tướng Phan Văn Khải nhận xét: Không như một số hội nghị khác sáng đông chiều vắng, cuộc gặp này đến chiều vẫn còn đông đủ.

Thủ tướng gợi ý: “Đảng ta đã coi KH - CN là nền tảng, là động lực, là quốc sách hàng đầu. Nhưng làm sao để trở thành nền tảng, động lực cho đất nước chúng ta phát triển, đuổi kịp và vượt các nước được thì 2 bộ trưởng và các đồng chí hãy cùng thảo luận. Ý nghĩa thì rất rõ, không có KH - CN thì không nâng cao khả năng cạnh tranh được, không tăng tốc phát triển được”. Giáo sư viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu hưởng ứng sôi nổi: “Nếu coi đây như một hội nghị Diên Hồng của KH - CN, tôi xin thưa rằng mình quyết đánh!”.

Cần khoán 10 trong KH - CN

Ông Trần Xuân Hoài - Viện KH - CN Việt Nam nói: "Công đầu trong công cuộc đổi mới vất vả và đang rất thành công của đất nước phải ghi cho những nông dân khoán 10, doanh nhân, thợ thủ công... còn các nhà làm nghiên cứu KH - CN đã làm được gì? Dù với tư cách một cán bộ KH gặp nhiều may mắn, tôi vẫn thấy là tôi đứng ngoài cuộc!". Ông phân tích về trình độ chuyên môn và cả tinh thần của các cán bộ KH còn "chưa vượt được ngưỡng" để có thể trở thành một động lực mạnh cho sản xuất và cả sự bất cập của chính sách quản lý KH - CN. Hiện kinh phí đầu tư cho KH - CN đạt 2% tức khoảng 200 triệu USD nhưng kết quả thu được không nhiều. Theo ông, muốn đầu tư cho KH được hiệu quả thì phải làm sao cho nhiệm vụ khoa học đi đôi với hình thức tổ chức KH phi tập trung về hành chính. Cho nên, việc chuyển đổi các tổ chức KH - CN thuần túy hành chính bao cấp sang kinh tế - công nghệ cần phải nhanh như... giải phóng mặt bằng;  nguồn lực cần chia hai: định hướng phát triển đầu tư cưỡng bức (nhà nước chăm lo) và điều tiết của thị trường. Hình thức "cưỡng bức" phải đặt ra các yêu cầu ứng dụng cụ thể như 3 năm làm ra chip điện tử LSI, 5 năm sản xuất được ở quy mô công nghiệp kháng sinh tổng hợp, 7 năm giải quyết xong giống chuyển gen đặc biệt, 10 năm làm ra vệ tinh... và tập trung vào đó những tài năng xuất sắc với sự đầu tư lớn: 60 - 70% kinh phí nghiên cứu KH - CN để đủ điều kiện thực hiện. Còn những vấn đề ứng dụng để thị trường điều tiết, nhà nước chỉ hỗ trợ 30 - 40% kinh phí còn lại. Ông còn đề nghị nhà nước quyết định cho Viện KH - CN Việt Nam được chuyển đổi thành tổ chức tương tự như Viện MIT (Hoa Kỳ). Nếu được vậy, viện không những có thể tự trang trải hoặc lấy thu bù chi mà nhà nước có thể tiết kiệm được ít nhất thời gian 10 năm để xây dựng một đại học và cơ sở nghiên cứu có đẳng cấp quốc tế.

Triển vọng nội lực rất lớn còn thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác. Ông Nguyễn Chí Sáng - Viện nghiên cứu cơ khí cho biết đơn vị ông tham gia thiết kế chế tạo thiết bị cho các nhà máy thủy điện, có rất nhiều thứ trước đây phải nhập trị giá hàng chục triệu USD, nay trong nước đã sản xuất được theo công nghệ của Ucraina, năm qua đã tiết kiệm được gần 1 ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, theo ông, muốn áp dụng được KH-CN phải có nhiệm vụ đúng và có môi trường áp dụng. Ví dụ trong 5 - 10 năm tới Chính phủ định khai thác được 12 triệu tấn ôxit nhôm (ta có trữ lượng quặng ôxit nhôm đứng thứ 4 trên thế giới nhưng thiết bị khai thác thì còn hạn chế) thì phải đi từ các đề tài khoa học đến chương trình mục tiêu của ngành.  Mặt khác, cần phải quan tâm đào tạo cán bộ khoa học tại chỗ cùng với việc gửi cán bộ đi đào tạo ở các nước có nền KH-CN phát triển.

Còn GS Phan Thanh Bình (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) lưu ý, mặc dù có những ưu tiên nhưng kinh phí hỗ trợ cho khoa học chỉ đáp ứng được khoảng 30% khả năng làm việc, nghiên cứu của các thầy cô. "Tôi đồng ý chúng ta thiếu một thế hệ cán bộ đầu đàn nhưng nguồn lực hiện tại có thể đáp ứng một số lĩnh vực như công nghệ robot, vật liệu và có thể là vật liệu mới".  Ông cho rằng cần có cơ chế, chính sách phù hợp để đánh giá đúng chất xám của các nhà KH; cần có dịch vụ về quản lý tránh để cho nhà KH trở thành một nhà kế toán mà kiểm tra được tài chính đúng. Theo ông, nên  đưa hệ thống trường - viện về một địa bàn chung; nên quy hoạch trường đại học nào làm đào tạo, trường nào làm nhiệm vụ nghiên cứu...

Những đề xuất táo bạo

Ông Bùi Chí Bửu - Viện nghiên cứu lúa đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, với việc đầu tư vào nông nghiệp chỉ có 0,15% tổng chi ngân sách như thế này thì chúng ta sẽ tiếp tục tụt hậu, công nghệ sinh học chúng ta thua rất nhiều nước trong khu vực chứ chưa so với thế giới. Ông đề nghị Thủ tướng trong 5 năm tới cho phép tăng mức đầu tư trung bình cho lĩnh vực này là 0,60%. GS Hoàng Tụy phê phán hiện tượng dùng chi phí cho nhiệm vụ khoa học bổ sung vào thu nhập các nhà KH, chạy được đề tài càng lớn thu nhập càng cao. Ông nói: "Lại có đề tài NCKH cấp nhà nước về nghiên cứu Chính phủ. Nếu kinh phí dành cho những đề tài như vậy thì làm sao còn kinh phí cho những đề tài khoa học thực sự?". GS Nguyễn Lân Dũng cũng đồng tình: "Tôi rất buồn về cách giao đề tài hiện nay, có những đề tài có làm xong thì cũng không giải quyết vấn đề gì!". Ông đề nghị: "Tôi xin đăng ký 1 đề tài về xóa đói giảm nghèo cho nông dân với điều kiện người nông dân đó có 1 ha đất, được vay vốn 3 triệu đồng và học ở trung tâm của tôi 5 ngày. Nếu không làm được tôi xin trả lại tiền. Tôi cũng đề nghị thành lập 1 viện nghiên cứu vi sinh vật trong ĐHQG Hà Nội, điều kiện là cho tuyển 20 cán bộ giỏi và cho 2 triệu USD”.

Ông Nguyễn Hữu Quang - Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đề xuất thành lập doanh nghiệp thử nghiệm nhà KH do chính nhà KH đứng đầu, chịu trách nhiệm mọi việc với tinh thần "võ sĩ đạo". GS Phạm Đăng Viên - Viện Khoa học - kỹ thuật Việt Nam cũng cho rằng các nhà KH cần tự chủ hơn: "Chúng ta cứ kêu mãi về lương, không bao giờ giải quyết được đâu mà phải căn cứ vào hiệu quả đề tài cụ thể. Tôi làm chủ nhiệm 3 đề tài về cây điều. Kết quả là với tổng chi hơn 10 tỉ đồng từ năm 1999 đến nay trong quá trình triển khai chúng tôi thu về gần 10.000 tỉ đồng từ cây điều". GS Lê Hoài Quốc - trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh cũng xác nhận KH - CN phải bám sát nhu cầu của thị trường dù ngoài giới hạn đề tài đã đăng ký vì từ đăng ký đến triển khai thường mất 3 - 4 năm, thị trường có những thay đổi không cho phép ta loay hoay ở phạm vi đề tài đăng ký nữa.

Liên quan đến yếu tố quốc tế, ông Phạm Minh Tuấn - Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về quản lý cho rằng cần đưa chỉ số về hàm lượng công nghệ cao, tiên tiến vào tiêu chí xét duyệt đầu tư nước ngoài. Ông cho biết mình đã từng dẫn đầu đoàn khảo sát tại Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp tốt nhưng hàm lượng công nghệ tiên tiến đạt rất thấp.

Lắng nghe ý kiến của các nhà KH, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có các kết luận cụ thể như: sẽ duy trì cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng với các nhà KH - CN mỗi năm một lần; tổ chức ngày KH - CN hằng năm; yêu cầu Bộ KH - CN và các bộ liên quan xây dựng chính sách mới để các cán bộ KH - CN có thể đạt trình độ tri thức ngang tầm thế giới và tạo ra được sản phẩm mới có giá trị cao; phải làm chủ được KH - CN nhập từ nước ngoài và tạo ra công nghệ trong nước đạt chất lượng quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh việc cải tiến các chính sách dành cho các nhà KH. Đó là việc không đối xử với người tài theo kiểu bình quân chủ nghĩa mà theo kết quả làm việc; có cơ chế tuyển chọn, giao nhiệm vụ thực hiện đề tài KH - CN một cách công khai, hiệu quả. Thủ tướng chỉ đạo  về các nhiệm vụ trọng tâm sắp tới đối với ngành KH-CN, theo đó, yêu cầu hội nhập và đổi mới KH - CN là nhiệm vụ bức bách, cần đổi mới cả công nghệ, quản lý, điều hành. Gắn kết trường đại học với viện nghiên cứu là hợp lý và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý KH - CN là phải tìm ra cơ chế chính sách tạo ra động lực đột phá như khoán 10 trong KH - CN. Thủ tướng cho rằng cần phải nhanh chóng tháo gỡ những cơ chế, chính sách kìm hãm, cản trở, ràng buộc để KH - CN phát triển trong mọi tầng lớp nhân dân. Thủ tướng đề nghị các cán bộ KH - CN đóng góp ý tưởng cho Chính phủ trong việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, việc chủ động và năng động trong vấn đề gắn kết nghiên cứu - kinh doanh - đào tạo, trong việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH - CN để cái gì có thể sản xuất được trong nước thì không nhập. Thủ tướng cũng nhắc nhở về  tình trạng thiếu hợp tác trong cán bộ KH - CN, nhất là giữa trường và viện; đã có tình trạng trường thiếu cán bộ giảng dạy, thầy cô phải dạy nhiều không có thời gian nghiên cứu KH - CN trong khi viện có nguồn cán bộ tốt và có điều kiện nghiên cứu lại không được giảng dạy...

Kiều Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.