Cần Thơ: Thiếu phòng học, thiếu giáo viên cho năm học mới

05/09/2005 21:48 GMT+7

Năm học mới 2005-2006 đến với Cần Thơ kèm bao lo toan, cho dù thành phố động lực của vùng vựa lúa lớn nhất nước này là thành phố trực thuộc T.Ư từ đầu năm 2004.

Trường lớp chia 5 xẻ 7

Ngày khai giảng đến nhưng hàng loạt trường tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS) ở quận trung tâm Ninh Kiều vẫn đang thi công. Thế là từ ban giám hiệu đến học sinh phải chịu cảnh "chia 5 xẻ 7" bước vào năm học mới. Trường TH Lê Quý Đôn (LQĐ) được ngân sách đầu tư hơn 17 tỉ đồng để xây dựng mới 40 phòng học. Công trình khởi công từ 25/4/2005, dự kiến đến 17/9 tới là hoàn công, song trên thực tế phải muộn hơn nhiều. Từ năm học 2004 - 2005, lãnh đạo Trường LQĐ đã phải gửi 14 lớp sang học ở Trường TH Ngô Quyền. Nay, ngoài việc tiếp tục "gửi gắm" 14 lớp này,  trường lại phải thuê phòng ở Nhà Thiếu nhi quận Ninh Kiều để có phòng học cho 10 lớp 1 và lớp 3; 15 lớp còn lại thuộc khối 3, 4, 5 thì học tạm ở Trường Mầm non Sơn Ca (cũ). Tương tự như LQĐ, Trường TH Hưng Lợi 1  cũng được Sở GD-ĐT đầu tư trên 3,2 tỉ đồng xây mới 15 phòng. Công trình khởi công từ tháng 12/2004 nhưng xem ra đến ngày 20/9 tới khó mà hoàn công như cam kết của nhà thầu. Từ năm học trước, lãnh đạo Trường Hưng Lợi 1 buộc lòng phải che tạm một số phòng tôn ngay trong sân trường cho các em học tập. Như thế thì việc thiếu ánh sáng, thiếu sân chơi là tất yếu. Cô Nguyễn Ngọc Điểm, Hiệu trưởng Trường Hưng Lợi 1 cho hay, năm học này toàn trường có 25 lớp, mỗi lớp trên 35 học sinh (HS) học ở 2 khu A và B, hiện khu B đang quá tải vì khu A vẫn chưa xây dựng xong.

Khu A Trường TH An Hội tuy chưa khởi công nhưng phần lớn công trình trên mặt đất đã được giải tỏa. Khu B của trường tọa lạc ở địa chỉ 18/42/6 Xô Viết Nghệ Tĩnh hiện đang xuống cấp nhưng cũng phải cố gồng nhận HS lớp 1 và 3. Bước vào năm học mới với trên 1.300 HS học ở 32 lớp, Ban Giám hiệu Trường TH An Hội lại "vắt chân lên cổ" chạy tìm nơi gửi HS. Theo đó, 8 lớp tăng cường tiếng Pháp sang học ở Trường THPT Châu Văn Liêm, 10 lớp khác thì học ở  Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề.

Trước việc HS cấp 1 phải học "tản cư", phụ huynh kêu ca lo lắng, cuối tháng 8 vừa qua, sau khi thị sát tình hình xây dựng trường lớp ở Ninh Kiều, ông Tô Minh Giới - Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã yêu cầu UBND quận phải đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công nhằm đảm bảo việc hoàn công, sớm chấm dứt việc HS phải học ở những nơi không đảm bảo như hiện nay.

Thiếu và thiếu...

Từ 14/6/2005, bà Huỳnh Thị Ngô Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT đã có tờ trình gửi Thường trực HĐND và UBND thành phố về việc "Chủ trương đầu tư phát triển GD-ĐT thành phố Cần Thơ đến năm 2010". Theo đó, hiện nay toàn thành phố có 170 trường tiểu học, 90 trường mầm non, 54 trường THCS, 23 trường THPT nhưng trong đó mới chỉ có 13 trường tiểu học và 4 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Nếu muốn đạt mục tiêu đến năm 2010 toàn thành phố có thêm 29 trường mầm non, 82 trường tiểu học, 32 trường THCS, 20 trường THPT, 7 trung tâm giáo dục thường xuyên, 8 trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp đạt chuẩn về cơ sở vật chất thì kinh phí đầu tư sẽ lên tới 2.036 tỉ đồng. Nguồn kinh phí quá lớn này thật sự vượt tầm của Cần Thơ. Thiếu kinh phí thì chắc hẳn thiếu trường lớp với trang thiết bị đúng chuẩn. Và điệp khúc thiếu tiền đầu tư trường lớp dường như không chỉ riêng Cần Thơ mà còn là vấn đề nan giải của nhiều nơi. Sẽ rất buồn khi nền giáo dục của vùng vựa lúa lớn nhất nước vẫn cứ tiếp tục nằm ở vị trí “chót bảng”, và cứ loanh quanh điệp khúc "ca 3 và phòng tre lá".

Bước vào năm mới, Cần Thơ lại tiếp tục đau đầu với nỗi lo thiếu giáo viên. Phó giám đốc thường trực Sở GD-ĐT Trần Trọng Khiếm thông báo: so với nhu cầu thực tế thì tỉnh này còn thiếu trên 500 giáo viên, chủ yếu ở các bộ môn âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục quốc phòng... Nguồn nhân lực thì thiếu nhưng hồ sơ xin dự tuyển giáo viên vào các cấp thì phần lớn không đạt yêu cầu nên khó vô cùng. Cũng theo ông Khiếm, một trong những hạn chế, khó khăn chung của ngành hiện nay là đội ngũ giáo viên vừa thiếu lại vừa thừa và không đồng bộ giữa các bộ môn. Thật nan giải!

Cần Thơ đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS ở thời điểm tháng 11/2004 và toàn thành phố đang phấn đấu đạt chuẩn phổ cập THPT trước thời điểm 2010. Ước mơ là thế nhưng khó khăn, thách thức lại quá nhiều.

Quang Minh Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.