Chống buôn lậu hay làm khó doanh nghiệp ?

26/08/2005 23:01 GMT+7

Công ty TNHH Vạn An (đóng tại 8 Ngô Gia Tự, TP Đà Nẵng) mua 506,895m3 gỗ trắc lóng tròn của doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hoàng Đạt (đóng tại 70 Ỷ Lan, TP Quy Nhơn, Bình Định) để xuất khẩu qua Trung Quốc. Khi tàu chuẩn bị rời cảng Quy Nhơn thì bị cán bộ của Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) ách lại...

Tổng số lượng gỗ nói trên được Công ty TNHH Vạn An hợp đồng với Công ty TNHH Vận tải thủy Bình Minh (Công ty Bình Minh) vận chuyển sang Trung Quốc trên hai tàu Thuận Phát (chở 314,45m3) và tàu Hợp Thành 02 (chở 192,44m3). Theo giải trình của DNTN TNHH Hoàng Đạt, đây là số gỗ  nhập khẩu từ Lào qua cửa khẩu Bờ Y (Ngọc Hồi - Kon Tum), được vận chuyển từ Bờ Y qua Trạm Kiểm lâm Sao Mai (Kon Tum), Trạm Kiểm lâm Song An (Gia Lai) trước khi nhập về kho tại cảng Quy Nhơn, có đầy đủ giấy tờ hợp pháp như tờ khai nhập khẩu, biên bản kiểm tra xác nhận vận chuyển do Hạt Kiểm lâm Ngọc Hồi cấp. Đến 8 giờ 30 ngày 26/7, toàn bộ số gỗ đã được chuyển xuống tàu. Tàu Thuận Phát hoàn tất các thủ tục theo quy định trong đó có thủ tục xuất cảnh người và hàng hóa và được Cảng vụ Quy Nhơn cấp phép cho tàu rời cảng. Thế nhưng, khi tàu Thuận Phát chuẩn bị rời cảng thì vào lúc 21 giờ ngày 26/7, có 3 người mặc thường phục, trong đó có một người tên là Trần Hòa Hiệp tự xưng là nhân viên của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) lên tàu Thuận Phát kiểm tra giấy tờ và không cho tàu rời cảng mà không đưa ra bất kỳ một quyết định nào.

Việc không cho tàu xuất bến đã gây tổn thất kinh tế rất lớn cho doanh nghiệp. Phía DNTN Vạn An phản ứng gay gắt và khiếu nại liên tục. Liên tiếp trong các ngày từ 8/8 đến 16/8, Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã cho bốc dỡ toàn bộ số gỗ trên hai con tàu nói trên xuống cảng Quy Nhơn để kiểm tra dưới sự chứng kiến của đại diện Bộ Công an, Cục Kiểm lâm và Hải quan Bình Định. Theo các biên bản kiểm tra thì trên hai tàu nói trên chở tổng cộng 2.524 lóng gỗ (đúng với số lượng lóng mà doanh nghiệp khai báo với Hải quan Bình Định) có tổng trọng lượng 772,06 tấn. Trong số này, đoàn kiểm tra cũng phát hiện có 4 lóng (khối lượng 0,392m3) không có dấu búa kiểm lâm, 12 lóng gỗ (2,746m3) có dấu búa mờ và 6 lóng gỗ (0,695m3) không rõ ký hiệu đầu lóng. Trong biên bản ngày 16/8/2005, Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu cũng xác định: "Lô hàng gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH Vạn An được mua của DNTN Hoàng Đạt nhập khẩu hợp pháp từ Lào qua cửa khẩu Bờ Y tỉnh Kon Tum...". Kiểm tra là vậy, song Đội 3 Cục Điều tra chống buôn lậu lại có cách tính riêng của mình khi quy đổi từ trọng lượng cân qua khối lượng m3 gỗ và cho rằng doanh nghiệp khai báo chênh lệch tới... 37m3. Trong đơn gửi Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Hải quan và Hải quan Bình Định, Công ty TNHH Vạn An cho rằng: "Theo quy định mặt hàng gỗ khi nhập khẩu, xuất khẩu đều tính khối lượng mét khối, chưa có quy định nào quy đổi trọng lượng ra mét khối. Tất cả các cửa khẩu khi làm thủ tục hải quan nhập hay xuất gỗ đều chỉ tính khối lượng là mét khối". Cũng theo Công ty TNHH Vạn An, việc kiểm tra 2.524 lóng gỗ có 4 lóng không có dấu búa và 18 lóng gỗ khác có dấu búa bị mờ và không rõ ký hiệu đầu lóng là nằm trong phạm vi cho phép.

Vụ việc đang rất cần được Tổng cục Hải quan sớm làm rõ.

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.