Xem Thần y Hur Jun, nghĩ về y đức người thầy thuốc

24/08/2005 21:47 GMT+7

Thầy thuốc là người chữa bệnh" - điều này nghe qua có vẻ "huề vốn" nhưng chính điều tưởng quá đơn giản và hiển nhiên đó lại là cội nguồn của mọi giá trị về y đức. Chân lý này đã được khắc họa một cách sâu sắc và cảm động trong bộ phim Hàn Quốc dài 64 tập Thần y Hur Jun đang được chiếu trên VTV3.

Khi người thầy thuốc lấy việc chữa bệnh cho người là mục tiêu thì mọi vinh hoa và danh vọng trở thành vô nghĩa, còn nếu người thầy thuốc dùng nghề nghiệp để làm phương tiện tiến thân thì việc chữa trị của anh ta sẽ trở nên tính toán và ích kỷ. Từ đầu đến cuối, Hur Jun và đối thủ Yoo Do Ji - người con trai mà thầy Yoo The của Hur Jun đã từ bỏ - đại diện cho hai con đường đối lập đó.

Trong khi Yoo Do Ji tìm mọi cách lấy lòng các bậc bề trên, từ các quan ngự y cho đến vương phi và hoàng hậu để tìm kiếm con đường thăng quan tiến chức thì Hur Jun trước sau vẫn chung thủy với bệnh nhân. Trong khi Yoo Do Ji  kiên quyết bám cho bằng được vị trí của mình ở Ngự y viện thì Hur Jun lại khẳng khái từ chối lời đề nghị "quý hơn vàng" của vương phi làm người trông nom sức khỏe cho các hoàng tử để trở lại Huệ Dân Từ - nơi ngày đêm chỉ nhìn thấy sự đau đớn và nghe thấy tiếng than khóc - để chữa trị cho dân. Hur Jun biết nơi nào cần anh hơn và nơi nào anh có thể sử dụng tài năng của mình một cách có ý nghĩa nhất.

Chính vì một lòng một dạ với bệnh nhân mà Hur Jun vượt qua được tất cả mọi cám dỗ, mọi khó khăn gian khổ, hiểm nguy và cả bản thân mình để đến với bệnh nhân. Hur Jun xem bệnh chứ không xem thân phận người bệnh: không vì người bệnh nghèo khó mà anh lơ đễnh hơn so với hoàng gia. Hur Jun làm những việc ít thầy thuốc nào dám làm: tự mình hút mủ, nếm phân của bệnh nhân; chữa những căn bệnh truyền nhiễm ít ai dám chữa để rồi chính mình cũng bị nhiễm bệnh. Hur Jun không vì an nguy của bản thân mà giấu giếm bệnh ung thư dạ dày của em trai vương phi; không vì thù hận mà bỏ mặc cho kẻ đã từng hại mình bị bệnh tình hành hạ; không vì lòng tự trọng bị tổn thương mà từ chối chữa trị cho bà lớn đang trong cơn thập tử nhất sinh; không vì tình thân mà chữa trị cho con mình trước vì biết rằng các bậc cha mẹ khác cũng xót con. "Người thầy thuốc phải biết đau nỗi đau của bệnh nhân" là lời dạy của thầy Yoo The mà Hur Jun không một phút nào quên.

Vinh quang của người thầy thuốc là ở chỗ chữa được bệnh cho bệnh nhân. Có thể về tiềm năng y thuật thì Yoo Do Ji không hề thua kém Hur Jun, nhưng chính lòng tham và sự ích kỷ của Yoo Do Ji đã đưa tài năng của anh ta vào ngõ cụt, trong khi đó Hur Jun một lòng sống chết với bệnh nhân nên đã đi đến tận cùng của y thuật và đạt đến những đỉnh cao.

Không ít bạn trẻ tiết lộ rằng chính vì ước muốn được chữa bệnh cho những người khốn khó mà các bạn thi vào trường Y. Những ước mơ đó thật đẹp và thuần khiết! Nhưng tiếc rằng không ít bác sĩ khi ra trường đã quên điều đó. Họ tìm mọi cách để trụ lại thành phố, thậm chí chịu thất nghiệp để chờ xin vào những bệnh viện lớn trong khi ở những vùng sâu, vùng xa người dân cũng rất cần bác sĩ! Do đó, bất kỳ vị bác sĩ tương lai nào cũng nên tự vấn: làm thầy thuốc để chữa cho bệnh nhân hay làm thầy thuốc để đạt được vinh hoa và danh vọng?

Lê Nguyên (TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.