Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: "Gu" ăn uống trên giấy và... ngoài đời

15/08/2005 20:48 GMT+7

Bà Năm Tự nấu canh rau dền rất ngon, nhưng chiều nào cũng ăn món đó, tôi đâm ngán. Tôi, cô Thịnh và chị Nhường liền chuyển sang tấn công đĩa cá rô chiên và chén đậu phộng rang dầm nước mắm..." (trang 75, Mắt biếc của Nguyễn Nhật Ánh).

Trước đây, đọc những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tôi rất thích những trang văn anh mô tả về làng quê yên ả, trong đó có những món ăn bình dị. Rồi sau này gặp anh, tôi mới vỡ lẽ những Chuẩn (Trại hoa vàng), Ngạn (Mắt biếc), Trường (Đi qua hoa cúc), Chương (Hạ đỏ) đều có "gu" ăn uống hệt như anh ngoài đời.

Đó là "gu" giản dị với những món ăn quê bình thường như mắm cái, dưa cà, canh hoa thiên lý, cá hố khô nướng dầm nước mắm hoặc kho với cà chua... Nguyễn Nhật Ánh mê những món ăn hương vị Quảng Nam, nơi có làng quê mà tuổi thơ anh trải qua với những bước chân trần. Những món anh thích như mì Quảng, canh rau dền, rau muống nấu nghêu, canh cá tràu, canh bí đỏ nấu đậu phộng, thịt bò nấu rau răm... Một vài lúc nào đó, anh cũng sẵn sàng chỉ cho người khác biết cọng rau nào mới là ngon, miếng thịt heo xắt như thế nào mới là đúng cách. Tôi trộm nghĩ, nhà văn Vũ Bằng "thương nhớ mười hai" với những món đặc sắc miền Bắc như thế nào thì Nguyễn Nhật Ánh cũng mê những món "quê kiểng" của làng quê mình như thế. Nhưng điều đó không có nghĩa là anh ăn uống qua loa, đại khái mà ngược lại, vô cùng tinh tế. Hầu như Nguyễn Nhật Ánh đều ăn cơm ở nhà, và trên bàn ăn không bao giờ thiếu chén nước mắm Nam Ô nguyên chất dầm tỏi ớt, dù có khi món ăn hôm ấy chẳng ăn nhập gì với nước mắm. Đĩa rau sống trên bàn ăn của anh tưởng là đơn giản nhưng hóa ra không phải, ấy là những thứ rau mà hương vị phải hài hòa với nhau, nó gồm các thứ rau xà lách, tần ô, chuối chát, ngò rí.  Không tìm được những thứ rau ấy thì sẽ phải có một đĩa rau khác gồm cà đĩa, rau muống chẻ, húng lủi, hành lá cắt khúc. Chính vì chỉ thấy ngon miệng với những món ăn dân dã này nên nhà văn "vô cùng khổ sở" những khi đi dự tiệc hoặc đi nước ngoài. Anh bảo: "Vì tôi luôn tương tư những món ăn Việt Nam, mà lại toàn là món ăn quê".

Món ăn là văn hóa, chính vì thế mà làng quê Đo Đo theo anh vào tận Sài Gòn, trở thành tên quán chuyên bán món ăn Quảng Nam của vợ anh. Nhưng một lần được anh đưa về thăm quê, chị mới ngỡ ngàng "hóa ra những món ăn mình nấu cho anh xưa nay lại không hoàn toàn giống món ăn mà người dân ở Đà Nẵng, Quảng Nam ăn bây giờ". Bởi vì trong khi anh cứ nhớ về món ăn của những ngày nghèo khó, thì đời sống vật chất của người dân ngoài ấy đã khá hơn rất nhiều, những món ăn đã được chế biến công phu, cầu kỳ hơn. Ai có ngờ như thế mà lại hay, những món dân dã, bình dị của quán chợ Đo Đo lại vô cùng thích hợp với những người Quảng Nam xa xứ hôm nay.

"Có một người đi qua hoa cúc
Có hai người đi qua hoa cúc
Bỏ lại sau lưng cả tuổi thơ mình"

(Đi qua hoa cúc - Nguyễn Nhật Ánh)

Nhưng có một người đi qua hoa cúc mà không bỏ lại sau lưng tuổi thơ mình, chính là Nguyễn Nhật Ánh. Tuổi thơ với những món ăn quê nhà không chỉ theo chân anh mà còn đi cả vào những tác phẩm của anh. Đôi khi chính vì vậy anh mới... khổ. Chắc bạn đọc rất ngạc nhiên? Anh kể một trường hợp về bà Kato Sakae (dịch giả người Nhật đã dịch quyển Mắt biếc của Nguyễn Nhật Ánh sang tiếng Nhật) sau khi đọc tác phẩm của anh đã nhất quyết "bắt" Nguyễn Nhật Ánh đãi mình những món mà bà rất "mê" qua sự miêu tả của anh. Khổ một nỗi, những món ăn luôn có vẻ thơ mộng, gợi nhiều hình ảnh trên trang sách nhưng ngoài đời có khi lại cực kỳ khó kiếm.

Cẩm Tuyến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.