Bioart - nghệ thuật mới hay chứng hoang tưởng ?

06/08/2005 14:25 GMT+7

Trào lưu nghệ thuật mới xuất hiện vào cuối thế kỷ 20 có tên Bioart là chủ đề tranh luận đương đại hấp dẫn của sinh viên mỹ thuật ở các nước u Mỹ.

Bioart là gì?

Bioart hay Mỹ thuật Sinh học manh nha từ nửa cuối thế kỷ 20 như khái niệm bổ sung vào vùng giao thoa giữa nghệ thuật và sinh học. Những nghệ sĩ Bioart (hay còn gọi là Bioartist) phần nhiều là những người am hiểu khoa học hay thậm chí là những chuyên gia của Viện Công nghệ sinh học và di truyền. Họ sử dụng sự sống từ vi khuẩn, chuỗi tế bào, côn trùng, đến động thực vật và ngay cả nội tạng của con người hay gia súc để làm chất liệu cho những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng nhưng đầy tranh cãi.


Hoa Iris - tác phẩm mỹ thuật di truyền của G.Gessert

Theo các nhà nghiên cứu, Bioart khởi nguồn từ niềm cảm hứng thất thường của nhiếp ảnh gia say mê khoa học người Luxemburg tên Edward Steichen. Steichen là chuyên gia về nghệ thuật làm vườn. Ý nghĩ tạo ra những đột biến trên cây phi yến thảo (delphiniums) đến với Steichen khi ông muốn chụp những bức ảnh độc đáo để minh họa cho một cuốn sách dạy làm vườn. Với sự giúp đỡ của những nhà khoa học, Steichen đã mất nhiều năm để tạo ra những cây phi yến thảo kỳ lạ nhờ phương pháp đột biến gen và di truyền có chọn lọc. Năm 1930, Steichen gây sự thích thú trong công chúng và giới mỹ thuật khi ông trình làng bộ sưu tập những cây phi yến thảo cao lớn và kỳ quái ở Bảo tàng Mỹ thuật New York. Tiếp nối ý tưởng của Steichen, nhiều nhà khoa học trẻ có máu nghệ sĩ bắt đầu manh nha những sáng tạo về lai ghép động, thực vật. Những buổi sắp đặt và trình diễn được miêu tả là "điên rồ" rộ lên vào những năm cuối của thập niên 90, thế kỷ 20. Nước Mỹ trở thành điểm nóng của nơi hội tụ nhiều nghệ sĩ - khoa học gia của trào lưu Bioart. 

Và những “tác phẩm” gây tranh cãi

Bioart lập tức vấp phải sự phản đối dữ dội của nhà thờ và những người có ác cảm đối với việc cấy ghép gen. Tuy nhiên, các bioartists vẫn tổ chức những buổi trình diễn liên miên từ Mỹ đến châu u. Nữ nghệ sĩ Laura Cinti khởi xướng cho Catus Project, một dự án nhằm tạo ra những cây xương rồng có khả năng mọc ra… tóc người. Trong khi đó, nghệ


Bioart và trí tưởng tượng không biên giới về hình loài quái thú

sĩ người Mỹ Eduardo Kac kêu gọi các nhà tài trợ trang bị cho mình phòng thí nghiệm và những thiết bị để tạo ra những con vật nuôi như thỏ, chó có khả năng phát ra ánh sáng huỳnh quang. Nguyên lý mà Kac đưa ra là anh ta sẽ cấy ghép những phân tử protein có chất huỳnh quang từ những con sứa biển vào cơ thể những con vật nuôi.

Ngược lại với xu hướng tìm kiếm những hình thức mới của sự sống, những nghệ sĩ như Damien Hirst chú ý mô tả sự chết ở một góc độ, mà theo nhiều người là rùng rợn chưa từng thấy. Ở Anh, Damien Hirst được biết đến như một nghệ sĩ tài năng với những triển lãm trưng bày các nội tạng của bò, cừu ngâm trong dung dịch formaldehyde. Tuy những tác phẩm của anh bị những nhà bảo vệ động vật tố cáo là man rợ nhưng lại được nhà bảo trợ nghệ thuật có ảnh hưởng lớn nhất xứ sở sương mù là Charles Saatchi mua lại với giá hàng trăm ngàn đô la.

Hiệu ứng sốc và cảm giác ghê tởm không xa lạ đối với nhiều màn trình diễn dưới khẩu hiệu vì sự phát triển của Mỹ thuật Sinh học. Adam Zaretsky, người Mỹ, từng làm tốn không ít giấy mực của báo giới vào năm 2002 khi anh "hy sinh vì nghệ thuật", giam mình trong lồng kính suốt một tuần lễ để ăn, ngủ cùng với những con chuột bạch, ếch, cá và cả với… vi khuẩn bệnh đường ruột E.Coli. "Thông điệp nghệ thuật" của Adam là sự sống đồng nghĩa với sự cạnh tranh không nhân nhượng và các loài sẽ tàn sát lẫn nhau để tồn tại. Bản thân anh ta, để sống sót sau màn trình diễn, cũng phải ăn tươi nuốt sống những con vật kể trên. Tuy nhiên, Adam cũng phải chấm dứt việc phổ biến "bức thông điệp"của mình ra thế giới vì nhà chức trách Mỹ cấm anh không được lặp lại màn trình diễn. 


Xương rồng mọc tóc - tác phẩm của Laura Cinti

Dẫu vậy, Bioart không phải bao giờ cũng gây phản cảm cho người xem bởi những cách thể hiện cực đoan và vô bổ. Những nghệ sĩ như Hunter O'Reilly vẫn trung thành với việc sử dụng những hình thức mỹ thuật truyền thống như tranh sơn dầu hay nhiếp ảnh để truyền tải những đề tài thời sự liên quan công nghệ sinh học. Là tiến sĩ di truyền, O'Reilly dùng những bức vẽ trừu tượng để nói lên cảm nhận của cô về các vấn đề như sinh sản vô tính, khủng bố sinh học hay những trật tự bất di bất dịch của tự nhiên mà con người không thể thay đổi.

Khuynh hướng lãng mạn của Bioart được tìm thấy trong ở những nghệ sĩ như George Gessert hay Louis Bec. Họa sĩ người Mỹ Gessert nổi bật những sáng tạo về mỹ thuật di truyền trong Iris Project, một dự án nhằm hiện thực hóa những ý tưởng trang trí các họa tiết nhân tạo trên cánh hoa Iris. Trong khi đó, Louis Bec lại gây thú vị khi lập ra hẳn một viện nghiên cứu giả tưởng về các giống loài chưa từng tồn tại trong thế giới tự nhiên.

Mối nguy hiểm đến từ những công trình cấy ghép gen các loài khác nhau vào cùng một thực thể sống là điều khó phủ nhận. Nhưng liệu ai có thể cấm các nhà khoa học có đầu óc bay bổng, đôi khi điên rồ, ngừng suy nghĩ? Chỉ có thời gian mới có thể trả lời liệu Bioart sẽ đưa chúng ta đi đến đâu. Thực tế cho thấy, công nghệ sinh học và di truyền trên con đường phát triển vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ để Bioart tiếp tục tồn tại và sinh sôi.

Quỳnh Như

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.