Liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ lần 3 năm 2005 - khu vực miền Tây: Niềm tin vào lớp tài tử trẻ

05/08/2005 21:27 GMT+7

Đến hẹn lại lên, từ ngày 20.7 đến 2.8, những "tri âm tri kỷ" của vùng đất cải lương lại có dịp cùng nhau so lại phím đờn, hòa với lời ca ngọt ngào tại Liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ lần 3 - năm 2005 khu vực miền Tây.

 

Tham dự liên hoan có 9 ban đờn ca tài tử (ĐCTT) của các tỉnh: Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bến Tre và TP Cần Thơ. So với liên hoan trước, số ban ĐCTT lần này ít hơn. Song điều phấn khởi là lớp tài tử trẻ chiếm đa số, họ nắm được cái gốc của ĐCTT, phân biệt tài tử truyền thống với tài tử phát triển. Mỗi ban đều chuẩn bị chương trình rất chu đáo. Nội dung gọn, nhẹ phản ánh phong phú đời sống xưa và nay. Bài bản thể hiện đủ điệu trong ba Nam, sáu Bắc, bảy bài Lễ, bốn bài Oán và bài vọng cổ. Đặc biệt, Ban tổ chức có sự đột phá hấp dẫn, 3 lần thay đổi không gian thi diễn: Trường Đại học Cần Thơ, Hồ Sen thị xã Vị Thanh (Hậu Giang), du thuyền sông Hậu (bến Ninh Kiều - TP Cần Thơ).

 


Một tiết mục của Ban ĐCTT Đài PT-TH Cần Thơ

Ban ĐCTT Vĩnh Long tạo nên sức hút cho liên hoan ngay trong đêm khai mạc qua cách dàn dựng chương trình mới lạ: Một gia đình lão nông có truyền thống ĐCTT, trai gái trong xóm dù lam lũ ruộng vườn vẫn ngày ngày đến đây tập đờn tập hát. Cô con gái của lão đẹp nết đẹp người, được một thanh niên thành thị đem lòng yêu thương. Chuyện sui gia bất thành bởi lão nông không thể chấp nhận sự tính toán lời lỗ trong hôn nhân, lối sống phô trương giả tạo của mẹ chàng trai... Không một lời giới thiệu mà người xem vẫn nhận ra cốt truyện nhờ thứ tự bài ca: Thục phán An Dương Vương (điệu Phú lục), Điểm hẹn bừng lên (Nam ai), Sui gia hụt (cổ bản ca ra bộ), Dạy gái làm dâu (Tứ đại oán lớp hồi thủ)... Nghệ nhân Tuấn Sang là người ca xuất sắc điệu Phú lục - một điệu trong sáu Bắc vốn rất khó chơi. Tại nhà thủy tạ khu văn hóa Hồ Sen thị xã Vị Thanh, đêm đêm khán giả đến xem chật kín, bất kể nắng mưa. Đội Trung tâm VH-TT TP Cần Thơ có nghệ nhân Phan Văn Út ca 2 câu vọng cổ nhịp 32 mang đậm phong cách tài tử, Đào Xinh với 22 câu Bình bán chấn (Nối tiếp những chiến công) gây ấn tượng sâu sắc. Riêng đội Sóc Trăng toàn nghệ nhân ca rất trẻ, chất giọng ngọt xớt, mùi mẫn, không bị sai nhịp hoặc chênh hơi: Trần Hà Giang (điệu Lưu thủy trường trong 6 Bắc), Thanh Nhã (ngũ đối hạ trong bảy bài Lễ), Phương Oanh (Giang Nam lớp 1 trong 4 bài Oán)... Đây là những bài bản lớn trong 20 bản tổ của ĐCTT mà trước đây chỉ những nghệ nhân già mới chơi thành công.

 

Danh sách 6 ban ĐCTT tham gia chung kết Liên hoan ĐCTT Nam Bộ lần thứ 3 tại TP.HCM vào ngày 21 đến 23.8:

- Trung tâm VH-TT TP Cần Thơ

- Trung tâm VH-TT tỉnh Vĩnh Long

- Sóc Trăng

- An Giang

- Đài PT-TH TP Cần Thơ

- Ngã Bảy Phụng Hiệp (Hậu Giang).

Điểm nhấn của liên hoan là Đêm tài tử Cửu Long, tái hiện cuộc chơi ĐCTT ở sân vườn. Tại đây, lớp "hậu duệ" trẻ được dịp giao lưu, gặp gỡ với một số "tiền bối" của môn nghệ thuật vừa bác học vừa dân gian này: NSND Huỳnh Nga, NSƯT Công Thành, NSƯT Ba Tu, nghệ nhân Bạch Huệ. Chính từ đây, mọi người có thêm những kiến thức bổ ích về ĐCTT.

 

Đêm 2.8 chung kết xếp hạng trên du thuyền sông Hậu với tên gọi Đêm tài tử thương hồ gồm 6 đội thi diễn. Giữa sông nước mênh mông, chiếc du thuyền nhẹ lướt trong gió lồng lộng, tạo thêm ngẫu hứng cho những tri âm tri kỷ. Bên tung bên hứng, bên xướng bên họa, khiến người thưởng thức cũng say theo. Hình ảnh chơi tài tử trên ghe thương hồ được tái hiện một cách sinh động. Qua phần trả lời câu hỏi kiến thức ĐCTT Nam Bộ cho thấy lớp trẻ ngày nay am hiểu rất nhiều và tỏ ra yêu thích hơn bộ môn nghệ thuật này. Kết thúc liên hoan, 18 nghệ nhân ca và nghệ nhân đờn được trao giải thưởng cá nhân xuất sắc toàn người trẻ tuổi. Hầu hết các ban nhạc đều có nhiều bài viết lời mới. Điều đó cho ta niềm tin, rằng ĐCTT vẫn có sức sống mãnh liệt và đang được kế thừa, phát triển.

 

Thanh Trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.