Thương hiệu du lịch Việt Nam

28/07/2005 23:58 GMT+7

Một trong những điều mà nhiều người Việt xa xứ mong muốn là về VN để đi du lịch trong nước. Về nước là muốn được sống trong không gian Việt, ăn thức ăn Việt và tắm đẫm văn hóa Việt. Để có những điều đó, đi du lịch là con đường ngắn nhất, lý thú nhất.

Chúng ta có gần 2 triệu khách hàng tiềm năng cộng thêm gấp nhiều lần 2 triệu đó nữa, bởi vì hầu hết Việt kiều về quê hương đều có gia đình và mong muốn đưa các thành viên trong gia đình họ đi du lịch đây đó trong nước - như một quà tặng giản dị mà sâu sắc.
Đó là một thị trường còn bỏ trống của các nhà làm tour du lịch VN hiện nay. Có tour cho Tây ba-lô, có tour cho khách Việt, khách nước ngoài nhưng tour cho Việt kiều thì hiếm thấy.

Tại Mỹ, việc xúc tiến du lịch VN từ phía Tổng cục Du lịch hầu như rất hiếm trong lúc hầu hết các nước trên thế giới đều tổ chức quảng bá mạnh mẽ. Ngay như Thái Lan, một nước láng giềng của chúng ta cũng quảng cáo mạnh mẽ và liên tục chào tour, giảm giá đến kinh ngạc.

Tiềm năng là như thế nhưng đến nay, theo đánh giá của chúng tôi, ngành du lịch VN vẫn chưa tạo được một sản phẩm du lịch VN mang tầm vóc thương hiệu du lịch quốc gia.
Chúng tôi có may mắn đã từng đi du lịch khá nhiều nơi trên thế giới. Từ đó, nhận thấy điều cơ bản nhất mà du lịch VN đang thiếu là tính chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp đó thể hiện ở nhiều khâu. Trong đó quan trọng nhất là sự kết hợp hiệu quả của các hiệp hội liên quan: từ khách sạn, nhà hàng, phương tiện giao thông đến siêu thị và các điểm du lịch. Tất nhiên, quản lý và điều tiết, thậm chí "phân xử" những quan hệ đó là chính phủ. Sự lãnh đạo khái quát nhưng bao quát và hiệu quả đã giúp các hiệp hội tự bơi nhưng không đuối sức và đảm bảo được mục tiêu quốc gia.

Để VN có được một thương hiệu sản phẩm du lịch mang tầm cỡ, không phải là chuyện một ngày một bữa. Không thể mở mắt sau một đêm đã có thể có một lâu đài. Nhưng, nếu không bắt đầu từ một viên gạch, ta sẽ khó lòng xây được một tòa lâu đài. Viên gạch đầu tiên đó chính là một cuộc gặp gỡ đích thực, hiệu quả của các nhà liên quan đến du lịch: nhà khách, nhà hàng, nhà chợ, nhà giao thông dưới sự chủ trì của chính  phủ. Chính  phủ phải can thiệp hiệu quả hơn nữa để tạo nên sự kết nối giữa các nhà, để họ hiểu thuyền lên thì nước lên. Từ đó, vạch ra chiến lược phát triển du lịch VN từng bước một. Mà, điều quan trọng nhất phải là chấn chỉnh ngay tình trạng chặt chém khách du lịch hiện đang trở thành vấn nạn phổ biến. VN hiện là một điểm đến bình yên vì không chiến tranh, không khói súng. Nhưng như vậy chưa đủ. Sự bình yên thật sự cho du khách phải là cảm giác được thanh thản ngắm thiên nhiên đẹp mà lòng không lo âu về những chuyện này nọ do đội ngũ làm du lịch nghiệp dư gây ra. Phải làm thế nào để mọi thành phần tại các địa phương có sản phẩm du lịch hiểu rằng nếu anh làm cho du khách một đi không trở lại thì cũng chính là anh đang đập bể nồi cơm của mình.

Những điều mà phóng viên báo Thanh Niên phát hiện trong các số  báo vừa qua không phải là cá biệt. Thậm chí, bản thân tôi còn gặp những chuyện "kinh dị" hơn như thế.

Để có một thương hiệu du lịch VN, đó quả là chuyện dài nhiều tập. Một cuộc hiến kế do báo Thanh Niên khởi động với sự tài trợ của các nhà làm du lịch VN, tại sao không?

James Nguyễn (Việt kiều Mỹ)
(1710 Whittier street, Lincol City, Nebraska, USA)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.