Cạnh tranh kém - Xuất khẩu dệt may giảm sút

26/07/2005 10:44 GMT+7

Năm 2005, xuất khẩu hàng dệt may đặt mục tiêu 5,2 tỷ USD. Tuy nhiên, trong 7 tháng qua, với tốc độ tăng trưởng rất thấp (chỉ tăng 0,2%), xuất khẩu dệt may liên tục gặp khó khăn vào các thị trường lớn: Hoa Kỳ, EU... Phân bổ hạn ngạch nhằm thúc đẩy lại tốc độ tăng trưởng một lần nữa lại trở thành đề tài “nóng” tại hội nghị sơ kết xuất khẩu dệt may năm 2005 do liên bộ Thương mại, Công nghiệp và Hiệp hội Dệt may tổ chức tại Hà Nội ngày 25/7.

Dệt may xuống “phong độ”

Nhiều năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may luôn dẫn đầu trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (trừ dầu thô) với tốc độ tăng trưởng luôn đạt ít nhất là 10%. Tuy nhiên, với những diễn biến của hơn 6 tháng qua, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lê Danh Vĩnh buộc phải đưa ra nhận định: xuất khẩu dệt may đang lâm vào tình trạng bất lợi nhất từ trước tới nay, vừa bị hạn chế bởi hạn ngạch, vừa bất lợi về năng lực cạnh tranh rất có hạn.

Trong bối cảnh từ 1/1/2005 các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bỏ hạn ngạch xuất khẩu dệt may cho nhau, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ liên tục giảm sút: 6 tháng đầu năm 2005, giá trị xuất khẩu các mặt hàng quản lý bằng hạn ngạch đạt trên 783 triệu USD, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2004.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm trên, theo Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh là do xuất khẩu của các nước khác đã tăng mạnh ở một số chủng loại hàng chủ lực của ta như áo thun và quần (cat.338/339 và cat.347/348 - tỷ lệ thực hiện chỉ đạt xấp xỉ 78% so với cùng kỳ 2004, trong khi chiếm tới 50% số lượng và 70% kim ngạch của 25 nhóm mặt hàng phía Hoa Kỳ quản lý bằng hạn ngạch).

Nhưng điều gây bức xúc nhất cho Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển lại chính là sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU. “Nhà nước đã “hy sinh” nhiều cho dệt may, phải mở cửa thị trường với EU sớm hơn thời hạn, vậy mà doanh nghiệp lại không tận dụng được cơ hội” - Bộ trưởng Trương Đình Tuyển tâm tư.

Mặc dù được EU bỏ hạn ngạch như những thành viên của WTO khác nhưng hàng Việt Nam đã mất thị phần do sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng dệt may của Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan... Suốt 4 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh và mới lấy lại đà tăng trưởng từ tháng 5.

Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng của tháng 5, dự kiến xuất khẩu sang EU trong 6 tháng qua cũng chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 348 triệu USD. Điều đó cho thấy, sức cạnh tranh của dệt may Việt Nam thực sự có nhiều vấn đề.

Lúng túng chuyện phân bổ hạn ngạch

Câu chuyện thời sự nhất của dệt may trong thời gian qua vẫn là sự lúng túng của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phân bổ hạn ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ - thị trường chiếm trên 50% tổng giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng kim ngạch nói chung và thị trường Hoa Kỳ nói riêng trong 7 tháng qua.

Để giảm áp lực cho doanh nghiệp, liên bộ Thương mại - Công nghiệp đã áp dụng cấp visa tự động cho 17/25 cat. và mới đây, thêm 2 cat. khá “nóng” là 347/348 và 647/648, bắt đầu áp dụng từ 1/7 đến 31/8. Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc n, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nếu liên bộ cho phép cấp tự động đến 31/8 chỉ giúp doanh nghiệp giải quyết những đơn hàng tồn đọng chứ không giúp được doanh nghiệp ký hợp đồng mới vì không nhà nhập khẩu nào dám mạo hiểm ký hợp đồng khi đối tác không chắc là có đủ hạn ngạch hay không.

Trong vòng 3 tháng qua, kể từ khi quy định chuyển nhượng hạn ngạch có hiệu lực, mới chỉ có khoảng 703 hợp đồng chuyển nhượng, trong đó, chỉ có cat. duy nhất được chuyển nhượng nhiều nhất là cat.338/339 với 201 hợp đồng.

Để thúc đẩy thực hiện số hạn ngạch còn lại khá nhiều trong những tháng cuối năm, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho biết, ông sẽ chỉ đạo cho phép áp dụng visa tự động đối với tất cả các cat. có tỷ lệ thực hiện dưới 40%. Tuy nhiên, ông Lê Quốc n cho rằng, việc cấp visa tự động phải kèm với động tác đăng ký số lượng hợp đồng với Ban Dệt may.

Khi số đăng ký của doanh nghiệp vượt quá nguồn, Ban Dệt may có trách nhiệm “báo động” cho doanh nghiệp. Một mặt thừa nhận những nỗ lực cải tiến trong cung cách phân bổ hạn ngạch trong thời gian qua, nhưng ông n cũng nhấn mạnh, “khoảng cách” giữa Ban Dệt may với doanh nghiệp còn rất lớn.

Một trong những vấn đề đang gây lo lắng cho doanh nghiệp chính là chưa có thông tin chính thức về hạn ngạch “hậu 2005”. Theo Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu, hầu hết các doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu cho tháng 7, 8, 9 nhưng để thời gian tiếp theo doanh nghiệp có cơ sở đàm phán hợp đồng, vẫn cần phải xin ứng trước hạn ngạch của năm 2006 cho “chắc ăn”.

Đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng cho rằng, có nhiều khả năng Việt Nam vẫn bị áp hạn ngạch vào năm 2006. Vì vậy, liên bộ cần phân bổ hạn ngạch 2006 đợt đầu tiên vào tháng 9 tới, dựa trên thành tích xuất khẩu năm trước của doanh nghiệp và cả năm chỉ nên có 2-3 đợt phân bổ.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.