Bọ đậu đen tấn công nhà dân

12/07/2005 23:14 GMT+7

Không ít người ở Đồng Nai thậm chí đã phải bỏ xứ ra đi vì không thể sống trong tình cảnh bị hàng triệu triệu con bọ đậu đen bu kín khắp nơi trên tường, trên trần, sàn, vật dụng sinh hoạt trong suốt một thời gian dài.

Nhường chùa cho... bọ

"Chúng ào vào nhà mỗi lần hàng triệu con, tạo thành một luồng đen kịt bay nghe tiếng như... tiếng trực thăng. Có buổi sáng ra, sàn nhà bọ bám dày đến mấy phân; trên vách, trên cột nhà bọ bu đen thành từng lớp. Đầu mùa mưa cách nay khoảng một tháng, bọ đậu đen lại kéo đến. Suốt tháng ngày nào chúng tôi cũng phải quét dọn, hốt bọ đổ đi hàng chục xô đầy" - nhà sư Bửu Đà, chùa Bửu Lâm (xã Long Đức, huyện Long Thành) vừa kể, vừa dẫn cho chúng tôi xem số bọ đậu đen sau một tháng "xâm chiếm" nhà chùa vẫn còn lúc nhúc đeo bám ở các chân tường, các hốc cây bồ đề xung quanh chùa. Thầy Bửu Đà cho biết, chùa Bửu Lâm bị dịch bọ đậu đen hoành hành đã nhiều năm nay. Mỗi khi bọ đến là cả tháng nhà chùa gần như không thể cúng lễ, tụng kinh vì bọ bám đầy khắp nơi, thậm chí đêm đến phải mắc võng ngủ ngoài sân... nhường chùa cho bọ.

Cũng trong tình cảnh tương tự, ngôi đình thờ tại ấp Tân Phong, xã Xuân Tân (thị xã Long Khánh) cũng suốt 7 năm nay bị con bọ đậu đen tấn công gần như mỗi ngày vào mùa mưa. Ông Mai Văn Ngộ, người trông nom ngôi đình than thở: "Hằng ngày tại đình thờ này lúc nào cũng có bọ đậu đen đeo bám. Chỉ cần sau một cơn mưa là tôi gom đem đổ từ 4 đến 5 thùng thiếc con bọ đậu đen, tính ra khoảng 50kg; dùng bất cứ loại thuốc nào cũng không trị được chúng".

Bọ đến, người... đi

Tiến sĩ Trần Tấn Việt, Phó trưởng khoa Nông học Đại học Nông Lâm TP.HCM: Có thể dùng phương pháp bẫy đèn để diệt bọ

Theo tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO), sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) gây ra nhiều tác hại như phá vỡ, xáo trộn sinh thái, dẫn đến bộc phát dịch hại; tác động có hại tới các vật nuôi trong nhà, nhiễm thuốc bảo vệ thực vật trong thức ăn và trong chuỗi thức ăn; gây ô nhiễm môi trường... Đặc biệt, thuốc BVTV có những ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nhiều thử nghiệm cho thấy một loạt thuốc BVTV gốc clor, lân hữu cơ, carbamate và kim loại có độc và có thể thay đổi cấu trúc thông thường của hệ thống miễn dịch... Do đó, việc phun xịt thuốc để trị bọ đậu đen sẽ không đem lại hiệu quả cao và gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tôi có gợi ý một số đơn vị thử dùng phương pháp bẫy đèn thu hút và diệt bọ đậu đen và cũng được phản hồi là kết quả rất khả quan.

Bọ đậu đen là loại bọ cánh cứng, thường bay ra từ những rừng cao su. Chúng sinh sản ở các lớp lá cây mục ẩm ướt và thường bay vào nhà dân vào ban đêm (đặc biệt ở các nhà lợp mái ngói, vách ván cây). Loài bọ này sinh sản và hoạt động mạnh khi trời chuẩn bị mưa, khí hậu nóng ẩm. Theo báo cáo mới nhất của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Long Thành vào ngày 6/7, nhiều xã trong địa bàn huyện hiện đang bị con bọ đậu đen hoành hành gây ảnh hưởng đến đời sống như xã Bình An (gồm các ấp An Viễng, Sa Cả, Bàu Lùng, Bàu Tre), có khoảng 318 hộ, có hộ bị ảnh hưởng nhiều nhất với số lượng khoảng 150kg con bọ đậu đen xâm nhập vào nhà mỗi ngày; xã Tân Hiệp: nhiều nhất là ở các khu vực nhà thờ (ấp 3) với số lượng "thu gom" khoảng 10 bao tải (50kg) con bọ đậu đen mỗi ngày; xã Long Đức: nhiều nhất là ở khu vực 13 (khu vực Nông trường cao su Long Thành) và khu 15, mỗi ngày gom khoảng 10 bao tải (50kg) con bọ đậu đen.

Không ít hộ gia đình ở các vùng bị bọ đậu đen hoành hành mạnh buộc phải lánh nạn bằng cách bỏ nhà đi để tránh qua mùa bọ. Điển hình như trường hợp ông Huỳnh Văn Quang (ngụ tại ấp Gia Tị, xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc) đã "đầu hàng" con bọ đậu đen bằng việc quyết định di trú nơi khác, giao căn nhà gỗ cho bọn bọ đã 3 tháng nay. Anh con rể của ông là anh Hồ Đức Hiếu (chạy xe ôm tại địa bàn huyện Trảng Bom) cũng đang sống trong tình cảnh tương tự vì bị con bọ đậu đen tấn công nhà.

Làm sao để đối phó bọ đậu đen?

Bọ đậu đen tuy chưa bị phát hiện là loài có thể gây, truyền bệnh trực tiếp hay gián tiếp, nhưng với mật độ, số lượng lớn đeo bám trong nhà phát sinh mùi hôi khó chịu, có thể gây dị ứng ở những vùng nhạy cảm và đặc biệt gây ra phiền toái, khó khăn trong sinh hoạt. Bác sĩ Nguyễn Thi Vân Vân, đội trưởng Đội Y tế dự phòng thuộc Trung tâm Y tế huyện Long Thành cho biết: "Trung tâm hiện cũng có hướng dẫn cho bà con cách phòng ngừa chủ yếu là phải giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khi phát hiện bọ đậu đen tấn công thì phải đóng cửa kín và um khói từ bên ngoài để diệt bọ. Sau đó gom chúng lại rồi đào hố sâu từ 5-8 tấc lấp lại". Nhưng biện pháp này cũng không thể giải quyết được triệt để vì diệt xong lớp bọ này thì lớp bọ khác lại bay vào.

Thiết nghĩ Đồng Nai sẽ tìm ra giải pháp giải quyết nhanh và tốt nhất hiện tượng này nếu có sự hỗ trợ, góp ý, giúp đỡ của các nhà khoa học, nhà chuyên môn nghiên cứu về sinh học, nông học... trong cả nước.

Theo tài liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, bọ đậu đen (mọt đậu đen) là một loại côn trùng thuộc bộ cánh cứng, có tên khoa học Mesomorphus villiger. Loài mọt này thường xuất hiện ở một số tỉnh, thành như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương vào đầu mùa mưa. Mọt đậu đen sống trong đất ở những nơi có vườn cao su, rừng, vườn cây ăn trái nhưng không gây hại thực vật. Chúng có tính hướng quang nên thường bay vào nhà với mật độ cao, lại có mùi hôi nên gây khó chịu cho con người. Để phòng trừ mọt đậu đen có thể áp dụng các biện pháp: ban đêm bật đèn điện sáng ở ngoài sân, vườn để thu hút mọt đến, quét thu gom đổ vào hố rồi đốt hoặc phun thuốc diệt sâu mọt. Có thể diệt mọt cư trú trong nhà bằng các loại thuốc sau: K-Obiol 25WP (25 - 50g/5l nước). K-Obiol 10SC: 30 ml/1l nước. Chỉ nên phun lên tường, vách, mái nhà nơi mọt cư trú; nên phun cao hơn tầm với tay của trẻ em và có bảng cảnh giới “đã phun thuốc”. Thời gian cách ly: 3 giờ sau khi xử lý.

Tố Tâm - Thiên Di - Trung Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.