Phòng ngừa tai nạn do khí độc tại giếng nước và hầm lò

02/07/2005 14:46 GMT+7

Gần đây, tai nạn chết người khi đào và súc rửa giếng nước (nhất là đối với những giếng khơi sâu, hoặc những giếng đã cạn từ lâu ngày) hoặc bị nhiễm khí độc từ những bếp than tổ ong, các vụ nổ hầm lò... vẫn thường xuyên xảy ra ở nhiều địa phương.

Sự thật những cái chết ấy không có gì bí hiểm. Thủ phạm giết người chính là các khí cacbon không màu, không mùi, không duy trì hô hấp, có nhiều ở những nơi có sự phân hủy các chất hữu cơ. Các nạn nhân chết vì thiếu oxy và hít phải các khí độc (CO, CO2, CH4, H2S...) tích tụ lại trong lớp nước dưới đáy hồ do những hoạt động chuyển hóa âm thầm, thoái hóa các sản phẩm hữu cơ (thân và lá cây, rác thải, phân và thức ăn thừa trong chăn nuôi... hay nước ở các suối khoáng nóng) làm bốc lên những luồng hơi chứa khí cacbonic và các hợp chất lưu huỳnh. Những khí này đều nặng hơn không khí nên tích tụ lại ở chỗ thấp và hòa tan trong lớp nước bề mặt. Những giếng khơi sâu cũng dễ là nơi tích tụ nhiều khí CO2.

Đối với những giếng nước và hầm lò sâu chúng ta cần phải luôn cảnh giác. Trước khi để người xuống giếng phải thăm dò xem không khí dưới đáy giếng có thở được không. Muốn vậy, có thể dùng cách thử đơn giản: Thắp một ngọn nến, hay đèn, dòng dây thả dần xuống sát mặt nước trước, nếu ngọn nến vẫn cháy sáng bình thường là không khí đáy giếng vẫn đủ oxy, người có thể xuống được. Nếu ngọn nến chỉ cháy leo lét rồi tắt thì không nên xuống vì phía dưới thiếu oxy và nhiều khí CO2, sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Cũng có thể nhốt một con gà hay chim vào trong lồng, buộc dây thả dần xuống gần sát mặt nước giếng, nếu con vật bị chết ngạt là dưới giếng có nhiều khí CO2, người không xuống được. Chúng ta cũng phải áp dụng như trên đối với những giếng cạn bỏ hoang lâu ngày, nay muốn vét lại để dùng. Kinh nghiệm dân gian của bà con ta từ lâu đời là trước khi có việc phải xuống giếng thì cắt một cành cây to nhiều lá buộc dây dài thả xuống đáy, rồi rút lên thả xuống như vậy nhiều lần trước khi cho người xuống.

Không nên đào giếng ở vùng có nhiều mùn cây, rác thải, chuồng chăn nuôi súc vật... vì nước vốn bị ô nhiễm và nhiều khí độc có nguy cơ gây chết người bất cứ lúc nào. Người xuống cấp cứu nạn nhân phải đeo mặt nạ phòng độc và có bình dưỡng khí đi kèm.

Đối với các hầm lò, mỏ than, khai thác các loại quặng cũng vậy. Phòng chống lún sụt hầm lò là việc cần làm thường xuyên nhưng cũng phải thường xuyên thông khí tốt và tuyệt đối tránh các vật gây cháy, phát ra tia lửa điện... vì chúng sẽ kích hoạt các vụ nổ khí metan thường tích tụ trong các hầm lò.

Chúng ta có thể tham khảo những quy định về bảo vệ môi trường sinh thái trong các hầm lò than và diệp thạch do Bộ Công nghiệp ban hành năm 2000 về bảo vệ môi trường sinh thái.

Hiện nay ở Việt Nam, Viện Điện tử, tin học và công nghệ hóa đã chế tạo được các thiết bị đo cảnh báo cầm tay KC.03.DA04 phục vụ cho khai thác hầm lò, đảm bảo an toàn cho người lao động. Máy có thể đo được nhiều thông số như CH4, CO hoặc CO2 (gọi chung là COx), nhiệt độ,... Theo quy định, khi có nồng độ methane 1% đã phải dừng sản xuất. Tuy nhiên nhiều cơ sở không đo hoặc đã cố tình phớt lờ điều này. Ở nước ta hiện nay việc khoan, đào và sử dụng nước giếng trong dân cư vẫn còn nhiều do chưa có hệ thống nước máy hoặc do các lý do kinh tế khác. Vì vậy cần coi chừng nước giếng bị nhiễm bẩn từ vùng đất ô nhiễm tự nhiên hay chất thải công nghiệp, từ dầu mỏ, từ các mầm bệnh (SARS, dịch cúm gia cầm) và đặc biệt là sau các vụ lũ lụt (xác súc vật chết, chất thải...), việc bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng vẫn là một điều vô cùng cần thiết.

TS Bùi Mạnh Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.