Nghề lái chó

30/06/2005 22:03 GMT+7

Trưa hè nóng bỏng, trong ngôi làng Sơn Đông bé nhỏ ở xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, hàng vạn con chó đồng thanh sủa inh ỏi. Cái âm thanh náo loạn ấy cộng với mùi chất thải của chó khiến cho bất kỳ ai đi qua đây cũng... choáng váng.

Trong đời tôi chưa bao giờ thấy nhiều chó đến vậy, cũng chưa bao giờ tiếng sủa và "mùi chó" lại làm tôi hãi hùng như thế... Thế nhưng người dân làng Sơn Đông thì lại quá quen với những điều này. Không những thế, nghề lái chó (buôn chó) còn tạo công ăn việc làm cho gần 500 lao động trong làng. Nhiều lái chó sau vài năm "vào cầu" giờ đã trở thành tỉ phú...

Người đầu tiên mang nghề lái chó du nhập về làng (mà người dân Sơn Đông vẫn gọi là "ông tổ" của nghề lái chó) là anh Lê Văn Tiến. Ngày trước, nhà anh Tiến rất nghèo vì ruộng ít, chẳng có nghề phụ gì mà lại đông con. Anh Tiến xoay ra làm đủ mọi nghề, từ vá xe, buôn cá, buôn rau, buôn sắt, buôn bè... Vất vả là vậy nhưng cũng chỉ đủ cơm áo cho vợ con độ nhật. Cái đói luôn chầu chực ở ngoài bậu cửa.
Rồi một lần (vào năm 1994), cánh buôn bè chung nhau mua chó về "đánh đụng"... Giữa lúc ngà ngà, một dân buôn bè từng có thời gian lang bạt tận miền Nam, bình phẩm: Thịt chó ngoài Bắc không ngon bằng thịt chó trong Nam, bởi thịt chó Bắc tuy thơm nhưng lại quá béo, trong khi chó trong Nam vừa thơm vừa nhiều nạc. Mà chó trong đó thì rẻ lắm. Tiền mua một con ngoài này, trong ấy mua được ba con..., nếu khéo mồm thì dân họ còn cho không ấy chứ... Nghe vậy, anh Tiến tự hỏi: Chó trong Nam ngon, rẻ, vậy tại sao chưa có ai mang ra ngoài Bắc để bán ? Và trong đầu Tiến  nảy ra một cách làm ăn mới...

Sáng hôm sau Tiến bán rẻ bè luồng cho cánh bạn. Về nhà bàn qua với vợ, anh ôm tiền lên tàu vào Nam khảo sát... Quả đúng như tay bợm nhậu nói, lúc ấy chó ở miền Nam quá rẻ. Sau một tháng anh đã mua được gần 500 con (khoảng 3,5 tấn), rồi thuê xe tức tốc chở ra Bắc. Xe chó của anh Tiến về làng Sơn Đông lúc nửa đêm, làm nhốn nháo cả làng. Nhốt chó xong, sáng hôm sau anh lại lên đường ra Hà Nội, tìm đến các quán nhậu thịt chó ở Quảng Bá, Nghi Tàm để liên hệ bỏ mối. Gặp được người mách rằng bên Trung Quốc đang rất "khát" chó, vậy là anh lại lên Lạng Sơn tìm mối đánh hàng đi Trung Quốc.  Còn ở nhà, vợ con anh bị cả xóm phản đối bởi cả đêm họ không ngủ được vì tiếng chó sủa và mùi hôi do chúng gây ra...

Muối mặt với bà con, một tuần sau anh cũng bán được hết số chó. Trừ tất cả chi phí, anh còn lãi được 10 triệu đồng  (một số tiền mà có đi buôn bè nửa năm anh cũng không có được)... Chỉ sau mươi chuyến lầm lũi vào Nam ra Bắc, rồi ngược lên biên giới bán chó sang Trung Quốc, đời sống gia đình anh đã thay đổi hẳn. Anh lại mạnh dạn vay mượn mua một xe ô tô tải để chủ động trong việc vận chuyển chó và cũng để tạo công ăn việc làm cho con cái trong nhà... Thấy anh Tiến làm ăn phát tài, một số hộ đã học cách làm theo, nhưng đại đa số người dân Sơn Đông vẫn xem thường và cho rằng, lái chó là cái nghề hạ đẳng.

Công việc hằng ngày của người trong nghề

Để chủ động nguồn hàng, đầu năm 2000, anh Tiến đã sang Lào, rồi từ Lào sang Thái Lan chỉ vì anh suy đoán là Lào và Thái cũng nuôi chó, nhưng dân chủ yếu theo đạo Phật nên chắc không ăn thịt chó. Bắt mối với một người Việt ở khu vực biên giới Thái Lan - Lào, anh Tiến bắt đầu đi "thực tế". Sau 3 tháng lang thang ở Lào và Thái Lan, cuối cùng anh đi đến một quyết định táo bạo, là xây dựng một khu chuồng nhốt chó ở Lào sát với sông Mê Kông để tập kết hàng từ Thái Lan về. Chỉ trong một tuần anh đã gom được gần 15 tấn chó. Mà chó ở Thái Lan bán rất rẻ. Người Thái bán chó theo con, tức là khoảng 50 ngàn đồng Việt Nam 1 con, dù con chó ấy nặng 4 kg hay 15 kg cũng vậy... Chuyến hàng chó xuyên quốc gia đầu tiên này, anh Tiến đã thắng lớn. Trừ tất cả các chi phí, từ thuế, kiểm dịch, công, cước vận chuyển anh còn lãi được 70 triệu đồng...

Công việc làm ăn như diều gặp gió. Anh Tiến trở thành một tỉ phú lúc nào không hay. Mà cũng chẳng riêng gì anh Tiến, những lái chó mới tập tễnh vào nghề như ông Lê Tiến Hổ, anh Đỗ Văn Lạc sau vài năm theo anh Tiến đi "đánh chó"  ở Lào, Thái Lan cũng đã trở thành tỉ phú. Kể về giai đoạn huy hoàng nhất của nghề lái chó ở Sơn Đông (năm 2000 - 2002), anh Đỗ Văn Lạc nhẩm tính: Bình quân mỗi tháng anh đánh được 15 xe chó từ Thái về, mỗi xe lãi ròng 50 - 60 triệu đồng, tức là 1 tháng mỗi “đại gia lái chó" kiếm được khoảng 800 triệu đồng - một con số quá lớn!  Cả làng Sơn Đông phát sốt lên vì chó. Họ đã vượt qua mặc cảm của hai từ lái chó, gia đình nào có vốn thì xây chuồng nhốt mở nghề đi buôn chó, còn những hộ không có vốn thì cho con cái đi bắt chó, nấu cơm chó thuê. Đến nay, cả làng có tới gần 40 chủ buôn chó, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho gần 500 lao động. Sơn Đông trở thành điểm tập kết chó lớn nhất cả nước, bình quân một tháng lượng chó được trung chuyển  làng Sơn Đông lên đến 150 - 170 tấn...

Rồi đột nhiên vào đầu năm 2003, Trung Quốc không cho nhập chó từ Việt Nam vào nữa. Cả làng Sơn Đông nhốn nháo. Hơn ngàn tấn chó ứ đọng trong làng. Lại gặp phải dịp nắng hạn nên chó chết nhiều vô kể. Cứ mỗi sáng người dân lại thấy hàng trăm xác chó nổi lềnh bềnh trên đoạn kênh dài chưa đầy 200m qua làng, tỏa mùi hôi thối khắp cả làng, đi xa gần 1 km vẫn còn ngửi thấy mùi chó chết. Tất cả các giếng khơi trong làng đều bị nhiễm "mùi" chó, đồng ruộng quanh làng không ai dám lội xuống vì phân chó ngập đến gần đầu gối. Trong làng, không một ngày nào không có người bị chó cắn. Mà dân ở đây liều lắm, họ chỉ rửa qua loa rồi buộc vết thương lại. Cũng may mà chưa có ai bị chết vì chó dại... Các lái chó như ngồi trên đống lửa. Còn người dân, đặc biệt là dân ở các làng lân cận hầu như ngày nào cũng kiến nghị, "đấu tố" UBND xã. Thế rồi Đảng ủy, HĐND, UBND xã họp chỉ xung quanh việc ô nhiễm môi trường do lũ chó gây ra...

Để giải quyết số tồn đọng trong làng, các lái chó đã bàn bạc rồi tỏa đi tất cả các tỉnh, thành phía Bắc để tìm mối "đổ”. Hóa ra nhu cầu thịt chó ở nội địa là rất lớn, mà do "say" đánh hàng sang Trung Quốc nên nhiều năm cánh lái chó Sơn Đông bỏ quên không khai thác. Dần dần số chó ứ đọng trong làng cũng được giải quyết, nghề lái chó ở Sơn Đông qua được cơn lao đao. Tuy vậy chó tiêu thụ giảm đi đáng kể, mỗi tháng cánh lái chó trong làng chỉ xuất được gần 100 tấn chó...

Với một tâm trạng vui mừng xen lẫn  lo lắng, ông Phạm Lê Thi - Chủ tịch UBND xã Thành Lộc cho biết: "Không có nghề buôn chó thì không biết đến bao giờ người dân quê tôi giàu có được. Ngày xưa làng Sơn Đông nghèo lắm, giờ thì anh thấy rồi đấy, nhà tầng đua nhau mọc lên san sát, trong làng có 14 ô tô tải nặng. Nghề lái chó tạo việc làm cho gần 500 lao động và chiếm 30% tổng thu nhập của toàn xã, trong làng xuất hiện gần 10 tỉ phú... Nhưng nghề này cũng phức tạp lắm, đặc biệt là môi trường và sức khỏe của người dân. Anh không thể hình dung được vào lúc nửa đêm, hàng vạn con chó thi nhau sủa lên ăng ẳng. Hãi hùng lắm! Tệ hại hơn, ở Sơn Đông đã xuất hiện hẳn một đội quân chuyên đi bắt trộm chó. Đêm đêm, đội quân này dùng xe máy tỏa đi khắp các vùng quê lân cận để trộm chó. Kiếm tiền dễ dàng từ nghề trộm chó, các đối tượng này đã tìm đến ma túy, hiện cả làng có gần 15 con nghiện".

Để tổ chức nghề lái chó lại một cách quy củ, đầu năm 2005, xã Thành Lộc đã quy hoạch 1,1 ha khu chuồng nhốt chó tập trung, xây dựng hệ thống xử lý chất thải tách biệt với khu dân cư để chính quyền tiện trong việc quản lý, ban hành các quy định về an ninh, trật tự, giữ gìn vệ sinh trong hoạt động buôn bán chó, triệt phá, bắt 8 đối tượng chuyên nghề trộm chó và nghiện hút đi cải tạo tập trung. Đồng thời xã đã mời Sở Khoa học - Công nghệ - Môi trường về tập huấn cho các hộ buôn chó về cách xử lý chất thải. Tuy vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Sơn Đông vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để...

Phóng sự của Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.