Việt Nam đã có khung pháp lý chống rửa tiền

09/06/2005 15:10 GMT+7

Nghị định 74/2005/NĐ-CP về phòng, chống rửa tiền vừa được Chính phủ chính thức ban hành ngày 8/6. Rửa tiền là một trong những hành vi tội phạm xuyên quốc gia mà hầu hết các nước trên thế giới đang phải đối mặt. Nghị định 74/2005 ra đời đã tạo hành lang pháp lý cũng như thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc phòng chống loại tội phạm kinh tế này.

Theo Nghị định, ngân hàng và các cơ quan đều sẽ phải có những biện pháp theo dõi, giám sát với tất cả các giao dịch tiền tệ trên lãnh thổ Việt Nam.

Các giao dịch tiền tệ trong trường hợp dưới đây sẽ được đưa vào danh sách cần theo dõi, giám sát:

- Một hoặc nhiều giao dịch trong một ngày do cá nhân hay tổ chức thực hiện bằng tiền mặt có tổng giá trị từ 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng) trở lên hoặc bằng ngoại tệ, bằng vàng có giá trị tương đương;

- Đối với giao dịch tiền gửi tiết kiệm thì mức tổng giá trị của một hay nhiều giao dịch bằng tiền mặt trong một ngày do cá nhân, tổ chức thực hiện là 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) trở lên hoặc bằng ngoại tệ, bằng vàng có giá trị tương đương.

Thủ tướng Chính phủ sẽ điều chỉnh các mức giá trị giao dịch tiền mặt phải báo cáo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ.

Điều 3, khoản 1: Rửa tiền

Rửa tiền là hành vi của cá nhân, tổ chức tìm cách hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có thông qua các hoạt động cụ thể sau đây:

a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào một giao dịch liên quan đến tiền, tài sản do phạm tội mà có;

b) Thu nhận, chiếm giữ, chuyển dịch, chuyển đổi, chuyển nhượng, vận chuyển, sử dụng, vận chuyển qua biên giới tiền, tài sản do phạm tội mà có;

c) Đầu tư vào một dự án, một công trình, góp vốn vào một doanh nghiệp hoặc tìm cách khác che đậy, ngụy trang hoặc cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất thật sự hoặc vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do phạm tội mà có.

Chính phủ sẽ thành lập Trung tâm thông tin phòng, chống rửa tiền trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trung tâm này sẽ làm đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin; có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp tài liệu, hồ sơ các thông tin về các giao dịch tiền tệ; giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chống rửa tiền.

Nghị định yêu cầu các ngân hàng, cơ quan cần xác định rõ các giao dịch bị coi là đáng ngờ và giám sát thường xuyên các giao dịch đó.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ ban hành Danh mục các giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ được bổ sung định kỳ tới các cơ quan, tổ chức trên cả nước.

Trong quá trình phòng, chống rửa tiền, có thể áp dụng một trong các biện pháp tạm thời như không thực hiện giao dịch; phong toả tài khoản; niêm phong hoặc tạm giữ tài sản; tạm giữ người vi phạm; các biện pháp ngăn chặn khác...

Cơ quan điều tra có thẩm quyền được phong toả tài khoản, niêm phong hoặc tạm giữ tài sản, tạm giữ người vi phạm và các biện pháp ngăn chặn khác theo quy định của pháp luật.

Người phạm tội có liên quan đến rửa tiền thì bị xử lý theo Bộ luật Hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cá nhân hoặc tổ chức có trách nhiệm trong phòng, chống rửa tiền, nếu vi phạm quy định tại Nghị định này mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt cảnh cáo; phạt tiền từ 5 triệu đến 15 triệu đồng đối với hành vi không thông báo hoặc không báo cáo cho Trung tâm thông tin phòng, chống rửa tiền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không lưu giữ sổ sách, hồ sơ, tài liệu có liên quan tới các giao dịch trong thời gian phải được lưu giữ, không thông báo cho Trung tâm thông tin phòng, chống rửa tiền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện có sai lệch trong các hồ sơ, tài liệu, báo cáo, sổ sách.

Nghị định cũng yêu cầu phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi thông báo cho các bên liên quan tới giao dịch về nội dung các báo cáo hoặc thông tin đã cung cấp; trì hoãn hoặc không thực hiện các yêu cầu của Trung tâm thông tin phòng, chống rửa tiền hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này mà không có lý do chính đáng.

Ngoài việc bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không có thời hạn đối với giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề được sử dụng để vi phạm.

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định trong khi thi hành nhiệm vụ về phòng, chống hoạt động rửa tiền thì tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, việc ban hành nghị định riêng về phòng, chống rửa tiền là quyết tâm lớn của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng còn yếu, trong khi tình trạng tham nhũng diễn ra tinh vi, mức độ sử dụng tiền mặt cao và các luồng chuyển tiền không chính thức khá lớn. Rửa tiền là một trong những hành vi tội phạm xuyên quốc gia mà hầu hết các nước trên thế giới đang phải đối mặt.

Hàng năm, hơn 1.000 tỷ USD đã được hợp pháp hóa trên toàn cầu, không ít tập đoàn tài chính đã bị sụp đổ vì vấn nạn này. Tại Việt Nam, nghiệp vụ chống rửa tiền vẫn rất mới mẻ. Trước đây, đã có quy định về hành vi che giấu, hợp pháp hóa các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp, nhưng còn tản mạn trong các văn bản pháp luật.

Nghị định phòng chống rửa tiền bắt đầu được khởi thảo từ năm 2002. Đến tháng 11/2004, Ngân hàng Nhà nước chính thức trình dự thảo lên Chính phủ. Nghị định 74/CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2005.

(Theo VNN/VnExpress)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.