TNO

Quản lý cư dân đâu nhất thiết bằng hộ khẩu

04/06/2005 23:45 GMT+7

Ở Nhật Bản, sau thế chiến thứ II, trong tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, chính phủ nước này cũng quản lý cư dân bằng sổ hộ tịch (tương đương với sổ hộ khẩu của ta). Phải có sổ hộ tịch thì mới được cấp sổ mua gạo (beikoku tsuchou), y như chế độ tem phiếu trong thời bao cấp ở nước ta. Tuy nhiên, chỉ từ thập niên 1950, khi kinh tế tạm ổn định và tình hình cung cấp lương thực được cải thiện, Chính phủ Nhật đã bãi bỏ việc cấp sổ mua gạo, và từ đó họ chuyển trọng tâm quản lý cư dân sang việc quản lý địa chỉ cư trú.

Chỉ trừ một vài trường hợp đặc biệt như xin cấp hộ chiếu chẳng hạn, người dân Nhật rất ít khi dùng tới sổ hộ tịch. Khi mới ra đời, em bé được đăng ký khai sinh và nhập vào sổ hộ tịch. Khi thành niên và nếu muốn, người Nhật có thể tách và chuyển hộ tịch tới bất kỳ nơi nào trên đất nước của họ. Thủ tục rất đơn giản: chỉ cần điền vào một phiếu xin tách/chuyển hộ tịch, nộp cho phòng cư dân của cơ quan hành chính nơi có hộ tịch cũ (nơi chuyển đi). Cơ quan này sẽ chuyển hồ sơ hộ tịch của đương sự tới nơi đến; công dân Nhật được tự do chuyển hộ tịch theo nhu cầu cuộc sống.

Ở Nhật Bản, người dân dùng phiếu cư dân (phiếu chứng nhận nơi cư trú) nhiều hơn. Công dân phải đăng ký cư trú tại đơn vị hành chính nơi đang cư trú. Phiếu cư dân cần dùng cho việc đăng ký nhà đất, xin nhập học, vay ngân hàng hoặc thi lấy giấy phép lái xe… Khi chuyển địa chỉ, dân Nhật chỉ cần đến cơ quan hành chính quận/huyện, điền vào phiếu chuyển địa chỉ rồi nộp cho phòng cư dân. Thủ tục này chỉ mất 15 phút. Khi cần phiếu cư dân, họ điền vào đơn xin cấp phiếu cư dân, nộp lệ phí là xong. Thủ tục này cũng chỉ mất khoảng 15 phút.

Nên chăng chúng ta nghiên cứu cách quản lý cư dân của Nhật, nghĩa là đặt trọng tâm vào việc quản lý địa chỉ cư trú thay vì quản lý hộ khẩu? Họ chỉ quản lý chặt chẽ địa chỉ cư trú vì cấp quận/huyện được thu thuế cư dân: lấy ngày đầu năm làm mốc, tại ngày đó người dân ở đâu thì phải đóng thuế cư dân trong năm đó cho quận/huyện nơi cư trú. Mức thuế cư dân lũy tiến theo thu nhập của người dân.

Hai đô thị lớn nhất nước ta là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn có nhu cầu điều tiết dân số để tránh hiện tượng quá tải do mật độ dân số đô thị quá cao. Tuy nhiên, nhà chức trách nên tìm các biện pháp khác hơn là hạn chế quyền tự do cư trú của người dân. Điều này gây nhiều phiền toái cho người dân mà hệ quả là nhà chức trách lại phải giải quyết: không đăng ký được nhà đất thì người dân không xin được giấy phép xây dựng nhà xưởng để làm ăn sinh sống. Vì nhu cầu cuộc sống, nếu người dân xây dựng không có giấy phép xây dựng là họ vi phạm luật pháp và nhà chức trách lại mất công xử lý! Một hệ quả nữa là nếu chỉ vì không đăng ký được nhà đất mà người dân không xây dựng văn phòng, xưởng chế tạo, nhà kho để hoạt động kinh doanh thì kinh tế sẽ bị trì trệ, Nhà nước không thu được thuế từ các hoạt động kinh doanh này.

Trong quá trình hội nhập, thiển nghĩ cần gấp rút cải cách chế độ quản lý cư dân nhằm xóa bỏ những rào cản không cần thiết giúp cho việc an cư lạc nghiệp, tạo điều kiện cho người dân năng động tham gia các hoạt động kinh tế để khỏi bị thua ngay trên sân nhà.

Vũ Tất Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.