Gặp ông chủ "vương quốc chó, mèo..."

21/05/2005 20:12 GMT+7

Trong cuộc đời của mình, ông đã trải qua nhiều nghề nghiệp khác nhau: một võ sĩ, nhạc sĩ, giảng viên đại học, nhà thơ… Và đặc biệt hơn cả là ông Nguyễn Bảo Sinh đã trở thành chủ của "vương quốc chó, mèo, gà chọi". Cơ ngơi ấy đã được hình thành và tôn tạo trong 35 năm qua. Đến nay, có thể nói "vương quốc" của ông Sinh là một trong số ít nơi nuôi chó, mèo thành công tại VN.

Lạc vào "vương quốc"

Vào ngõ 167 Trương Định, Hà Nội, khách thập phương khi dừng chân tại "vương quốc chó, mèo, gà chọi" đều tưởng như mình đang lạc vào một cõi mơ, hay chốn "bồng lai tiên cảnh" nơi trần thế. Mọi kiến trúc ở đây đều được xây dựng với tính nghệ thuật sâu sắc. Ngay chính giữa vườn là một ao nước hình chữ U được ông Nguyễn Bảo Sinh đặt tên là "Ao phóng sinh", thả cá chép vàng và trồng hoa súng. Trên tường bao quanh hồ có khắc hàng trăm bài thơ "thiền" của chính ông sáng tác. Trên hồ có pho tượng Quan Thế m Bồ Tát cao 8m, cùng nhóm tượng thầy trò Đường Tăng trên đường thỉnh kinh. Trước mặt hồ là một tòa tháp thờ Phật cao gần 15m, cạnh tháp là tượng và bàn thờ 18 vị La Hán. Nép sau tháp là hai đài hóa thân hoàn vũ và khu mai táng dành cho chó mèo. Tất cả quần thể ấy được ông đặt trong một khuôn viên lấy tên là "Vô vi quán". Cả khu vườn Bảo Sinh này đều được ông trực tiếp thiết kế theo ý tưởng của mình.

Khắp khu vườn đều phủ bóng cây xanh, tiếng chim hót ríu ran tạo cảm giác thanh bình. Ngôi nhà tranh cho khách dừng chân nghỉ ngơi hóng mát, tòa tháp và những bức tượng trong "Vương quốc" góp phần tạo nên một khung cảnh vừa trang trọng lại vừa nên thơ. Điều lạ là đối diện với những bức tượng Phật linh thiêng lại là một nghĩa trang, một trang trại chó, mèo. Đó chính là chủ tâm của ông Sinh, bởi ông quan niệm: "Sinh linh và cuộc đời phải là một sự hòa hợp". Chẳng thế mà mỗi con chó, con mèo được ông nuôi dưỡng, chăm sóc đều biết biểu lộ cảm xúc trong từng hoàn cảnh khác nhau.

35 năm, ngày ấy... bây giờ

Ông Nguyễn Bảo Sinh

Sinh năm 1940, là người gốc Hà Nội, ông gia nhập bộ đội khi còn đang học Đại học Sư phạm Hà Nội. Rồi ông trở thành giảng viên Trường Sĩ quan lục quân (Trường 200). Vốn đam mê động vật từ nhỏ, ngay từ tuổi 13 ông đã biết tự lập bằng việc nuôi chó, mèo kiếm sống. Phục viên năm 1970, ông đã thực hiện ước mơ bằng việc xây dựng một trang trại nuôi chó, mèo (lúc đó trang trại có tên là Bảo Sinh Viên). Lúc đầu ông gặp muôn vàn khó khăn bởi những hoàn cảnh khách quan. Mặt khác, nuôi một, hai con để chơi thì dễ, nhưng để nuôi một cách "chuyên nghiệp" thì cực khó. Yêu chó, mèo không thôi thì chưa đủ mà còn phải biết tận tình chăm sóc, chữa trị, hiểu tính tình của từng con để chiều theo ý chúng, nếu không từng con một sẽ... "ra đi". Vào thời ấy đã có nhiều người bị phá sản bởi việc đầu tư vào vật nuôi như ông.

Đến đầu những năm 90, khi cơn sốt nuôi chó Nhật ở Hà Nội lên cao cũng là lúc ông chuyển sang nuôi những con vật cảnh này. Chính từ đó, ông giàu có nhanh chóng nhờ vốn kinh nghiệm trong việc nuôi chó, mèo từ mấy chục năm qua. Ngoài ra, ông Sinh còn có năng khiếu kinh doanh nên đã dự đoán trước được thời điểm "mốt" nuôi chó Nhật thoái trào và kịp thời "rút lui", trong khi những người khác lâm vào cảnh lao đao...

Nhắc tới Nguyễn Bảo Sinh, nhiều người coi ông như một ông "vua mèo" ở đất Hà thành. Thời điểm năm 1996 - 1997, mèo bị đưa vào các quán ăn đặc sản, bị đưa bán sang Trung Quốc. Mèo chết vì ăn phải bả chuột nhiều đến nỗi có lúc người ta phải lo sợ rằng cứ đà này thì nguy cơ giống mèo bị... tuyệt chủng! Trong thời điểm đó, ông Sinh đã nghiên cứu lai tạo giống mèo "Tây- ta" kết hợp để cho ra những con mèo khỏe mạnh, có sức đề kháng cao, giỏi bắt chuột. Sở dĩ ông chọn lai giống như vậy vì theo ông: "Mèo Việt Nam có đặc tính hay bỏ nhà đi chơi xa nên dễ bị bắt trộm, dễ ăn phải bả chuột và ăn chuột bị bả. Còn mèo Tây không có thói quen đi chơi xa, chúng chỉ bắt chuột, giết chết chứ không ăn, mà chỉ ăn thức ăn của người cho nên dễ nuôi hơn". Việc cho sinh sản thành công giống mèo lai của ông Sinh lúc đó được nhiều người tìm mua nên ông có thêm biệt danh là Sinh "mèo". Cứ như vậy ông dần dần vượt qua cơn bĩ cực nhờ vào chính tài năng đích thực của mình.

Làm thơ, nuôi chó, chọi gà...

Tượng 18 vị La Hán

Trong suốt 35 năm, "vương quốc chó, mèo, gà chọi” rộng hơn 10.000m2 ngày càng được đầu tư, mở rộng. Ngôi nhà nhỏ trên tường treo nhiều tranh ảnh (do chính tay ông vẽ) là nơi ông thường xuyên tiếp khách. Khách của ông chủ yếu là các cựu chiến binh đã một thời vào sinh ra tử, gặp nhau tay bắt mặt mừng, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa hoặc thông tin cho nhau nghe dăm ba câu chuyện thường ngày. Đặc biệt, còn có nhiều văn nghệ sĩ tới đây để nói chuyện đời, chuyện thơ với ông. Ông mê thơ như mê những con vật nuôi của mình vậy! Thỉnh thoảng ông ngồi thuyền, câu cá và làm thơ về thiên nhiên: "Sông chảy thuyền trôi, nước chẳng đi/ Trăng đầy, trăng khuyết bớt thêm chi?/ Tỉnh say Lý Bạch sầu nguyên khối/ Chém nước, mò trăng được mất gì?" (Tự đề)... Nguyễn Bảo Sinh vốn là người thực tế, nên không chấp nhận cái nghèo. Với ông: "Thơ là đời, đời là thơ", nghĩa là đời và thơ có sự giao thoa, hòa hợp. Ông luôn thầm nhủ: "Khi mê bùn chỉ là bùn/ Ngộ rồi mới biết trong bùn có sen/ Khi mê tiền chỉ là tiền/ Ngộ rồi mới biết trong tiền có tâm" (Tiền). Hơn 20 tập thơ với bút danh Huyền Thi của ông được ra đời trong "Vương quốc".

Chuồng nuôi chó mèo

Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người biết đến ông với tư cách là một ông chủ thành đạt, tài giỏi. "Vương quốc chó, mèo, gà chọi" làm mọi việc từ A đến Z cho thú nuôi như: tiêm chủng, cho ăn uống, tắm rửa, luyện chó bảo vệ..., và cả việc làm... hộ chiếu cho chó, mèo! Ngay cả khi một con chó, con mèo xấu số qua đời ông cũng làm thủ tục an táng, và có nghĩa trang riêng dành cho chúng. Hoàn toàn tin tưởng ở tài năng của ông Sinh, mỗi khi đi du lịch, hay đi công tác là khách hàng khắp nơi lại mang chó, mèo gửi vào "vương quốc" của ông. Đến nay "vương quốc chó, mèo" có hàng trăm con chó với nhiều chủng loại khác nhau trên thế giới như: chó Phốc, chó Nhật, chó Bec-giê, chó săn, chó bảo vệ... Tất cả đều là những loại chó đắt tiền (hàng chục triệu đồng/con) và được ông gọi là chó "VIP". Ông đảm nhận cả dịch vụ chăm sóc, trị bệnh cho vật nuôi của khách. Trước khi nhận ông đều hỏi kỹ chủ của nó về thực đơn, tính tình của từng con để tiện việc thuần dưỡng. Theo kinh nghiệm của ông, huấn luyện là công việc khó khăn, vất vả nhất, đặc biệt là huấn luyện chó săn và chó bảo vệ. Trên khuôn mặt ông vẫn còn để lại vài vết sẹo do bị chó cắn khi huấn luyện. Ông không muốn tẩy những vết sẹo ấy đi, bởi vì: "Để như thế khuôn mặt có hơi xấu, nhưng mỗi lần soi gương tôi lại thấy tự hào vì mình đã thuần dưỡng, huấn luyện thành công được chúng". Hiện nay, mạng lưới cộng tác viên của ông có mặt khắp mọi nơi để tiện cho việc liên hệ, vận chuyển chó, mèo về. Trong "vương quốc" có hơn 10 bác sĩ, kỹ sư trẻ lành nghề, được ông trả lương 3 - 4 triệu đồng một tháng, tùy theo năng lực làm việc của họ.

Ngoài hai thú vui ấy, ông Sinh còn là người mê gà chọi. Những con gà dưới tay ông chăm sóc, huấn luyện có tiếng là "chiến", trong số đó có con "Thần kê ô mướp" đã từng một thời "bất khả chiến bại", tiếng tăm lừng lẫy khắp các sới chọi Hà thành được ông rất yêu quý.

Những khi thảnh thơi, hứng chí, ông tổ chức thi "hoa hậu chó, mèo" trong "vương quốc"... Đã ở độ tuổi U.65, người nghệ sĩ ấy vẫn muốn làm nhiều việc cho sự say mê của chính mình và bao người đồng điệu.

Luân Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.