Hệ thống giáo dục đừng làm uổng công học tập của chúng cháu

18/05/2005 15:12 GMT+7

Vừa qua em có đọc báo của cô chú... (về vấn đề dạy và học văn - tòa soạn chú thích). Tại sao thầy cô lại có thể cam chịu cách dạy như thế bấy lâu? Học 2 tiết 3 bài thơ Đường, 2 tiết là xong truyện Chí Phèo, 1 tiết là xong 3 trích đoạn Truyện Kiều! Trời đất!

Học mà không cảm được văn, học mà không hiểu về văn, học mà không có thời gian sống với tác phẩm thì làm sao có hiệu quả đây? Học sinh có thể thuộc làu bài thơ, đoạn văn, thậm chí cả... dàn bài phân tích, nhưng đó là trong thời gian học. Khi thi xong, những thứ ấy không hề còn, chỉ để lại cho học sinh một khoảng trắng kiến thức.

Trong một lần trò chuyện với học sinh, có một quan chức giáo dục của Sở GD-ĐT TPHCM đã phát biểu rằng: “Học văn cốt là để biết tiếng mẹ đẻ mà thôi!”. Tại sao thầy lại có thể nói một điều đơn giản đến như vậy? Em nghĩ học văn còn là học làm người, là học cách sống, cách đối nhân xử thế. Học văn để trau dồi nhân cách, để nâng cao nhận thức và tính thẩm mỹ cá nhân. Học văn để hiểu về đời, về người, từ đó mà kiến tạo nên một xã hội tươi đẹp. Thật đáng buồn...

... Học một tác phẩm phải đặt mình vào tác phẩm, điều này cực kỳ khó, nhưng không phải không thể làm; quan trọng ta có chú tâm, và ta có dồn hết tâm hồn cho tác phẩm hay chưa. Ở đây lại nảy sinh một vấn đề, đó là cách dạy. Nếu chúng em được học môn văn một cách khoa học, hợp lý; có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành thì khi đứng trước một tác phẩm văn chương nào đó, bọn em cũng sẽ có đủ tình cảm và chủ động để cảm nhận nó, dù nó có khác lạ với cuộc sống thực của chúng em.

... Với tất cả lòng chân thành, em mong rằng các thầy cô, các cơ quan, các cấp thẩm quyền, các ngành chức năng, mà trực tiếp ở đây là Bộ GD-ĐT, hãy đề ra những đường lối đúng đắn, hợp lý; có những chính sách kịp thời, hiệu quả nhằm tạo chuyển biến trong việc dạy và học môn văn theo đúng con đường mà lẽ ra nó phải đi bấy lâu nay.

Em được biết Quốc hội đang họp bàn về Luật Giáo dục (sửa đổi). Em thiết tha mong Quốc hội hãy đưa ra những điều khoản linh hoạt hơn, có lợi hơn cho nền giáo dục Việt Nam nói chung và môn văn nói riêng; thiết lập một hệ thống giảng dạy và học tập có tầm cỡ quốc tế. Không làm được điều này, chúng ta sẽ làm cho tri thức Việt Nam mất giá trên trường quốc tế.

Em biết, cải cách giáo dục là một việc khó có thể làm trong một sớm một chiều, thế nhưng với tình hình nóng bỏng hiện nay, chúng ta chỉ có ngần ấy thời gian để thực hiện triệt để, đúng đắn và có hiệu quả... công việc đầy gian lao ấy!

Xin cám ơn các cô, chú đã lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của em.

Kính thư,

Bùi Nghiêm Đắc Vinh
(Lớp 11A1 Trường THPT Củ Chi, TPHCM)

Về hướng dẫn chấm 2 đề thi môn văn ở TP Hồ Chí Minh

“Bút chẳng tà” là... “chẳng xấu”?!

Đề thi môn văn - tiếng Việt kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp TP do Sở GD-ĐT TPHCM ra có nội dung là: “Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu có câu thơ: “Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm. Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà”. Em hiểu ý nghĩa câu thơ trên như thế nào? Bằng những hiểu biết của mình về các trích đoạn đã được học trong tác phẩm “Truyện Lục Vân Tiên” của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (Sách Văn học 9, tập I, trang 135-140 và Ngữ văn 9, sách giáo khoa thí điểm, tập I, trang 102-104 và 115, 116); Em (viết hoa chữ E- PV) hãy làm rõ vấn đề trên”.

Dưới đây là trích hướng dẫn chấm của sở: “Đạo”: Đạo lý, đạo đức, “tà”: xấu, “khẳm”: chìm.

Thực ra “khẳm” nghĩa là đầy, “tà” nghĩa là cùn/mòn. Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ ghi: “khẳm” là thuyền ở tình trạng được chở đầy, nặng hết sức, không thể chở hơn được nữa; “tà” là không còn nhọn nữa, đã bị mòn ở đầu mũi.

Và 2 câu thơ trên cơ bản được hiểu là Chở bao nhiêu đạo đi nữa thuyền vẫn không đầy. Đâm mấy thằng gian bút vẫn không cùn/mòn.

Vậy mà không biết căn cứ vào đâu người hướng dẫn chấm thi lại giải thích ý nghĩa của “tà” là xấu, “khẳm” là chìm, làm cho người chấm không biết tin vào đâu. Hướng dẫn chấm này dễ đưa đến kết quả học sinh làm đúng sẽ bị mất điểm oan, còn những học sinh không hiểu đúng lại được điểm. Sai sót này cho thấy người viết hướng dẫn chấm thi không hiểu tác phẩm hoặc cẩu thả, vô trách nhiệm làm hại học sinh.

Nhìn chung, hướng dẫn chấm này không giúp được bao nhiêu cho người chấm thi. Ý đưa ra quá chung chung không sát nghĩa với nội dung. Thí dụ, sau khi giải thích ý nghĩa câu thơ, hướng dẫn chấm đưa ra ý chung: “Văn chương chân chính phải phục vụ, chuyên chở đạo đức, đạo lý, phải chống lại thế lực tàn bạo, chống lại cái ác, cái phi đạo đức, phải cổ vũ động viên cho đạo lý, đạo nghĩa, cho những điều tốt đẹp” mà không nêu được nghĩa cụ thể, sát sườn để người chấm có căn cứ rõ ràng.

Ở đề thi kiểm tra học kỳ II môn làm văn lớp 12 năm học 2004-2005 do Sở GD-ĐT TPHCM ra, phần hướng dẫn chấm cũng rất chung chung như đề thi trên. Đề này có nội dung: “Trình bày ngắn gọn nội dung tác phẩm “Một con người ra đời” (Măcxim Gorki). Phần hướng dẫn chấm chỉ ghi 1 câu: “Căn cứ vào tác phẩm (SGK Văn học 12, tập II, trang 7-20)”. Sách giáo khoa thì in nguyên văn truyện ngắn này. Như vậy, giám khảo rất khó thống nhất để đánh giá các bài thi vì hướng dẫn chấm không đưa ra chuẩn cần thiết.

Một giáo viên giỏi môn văn

(Theo Người Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.