“Lòng dũng cảm” hay sự vô cảm trước lịch sử ?

18/05/2005 00:11 GMT+7

Sau khi 2 bài báo của Thanh Thảo: “Bài văn lạ” gây chấn động từ phía nào? và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - Ngôi đền thiêng trong văn học, đã có hàng ngàn bạn đọc gửi thư về tòa soạn bày tỏ ý kiến. Thanh Niên xin tiếp tục trích giới thiệu...

Nhiều bạn đọc không lên án em Thanh đã viết “bài văn lạ”, vì em đã viết ra suy nghĩ thật của mình, mặc dù em đã trình bày những suy nghĩ này không đúng chỗ. Thái độ chung nhất của bạn đọc là bất bình, là lo lắng trước sự “a dua” của không ít “người lớn”, hùa nhau đồng nhất sự thẳng thắn vô cảm của em Thanh thành sự “dũng cảm”.

Tôi nhớ rằng bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc chúng tôi được học trong chương trình văn lớp 7/10 từ cách đây tròn 30 năm, năm 1975. Vậy mà cho đến nay tôi vẫn chưa quên hình ảnh thầy giáo (thầy Nguyễn Văn Sinh, giáo viên dạy văn Trường cấp 2 Tây Sơn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội năm học 1975-1976) đứng trên bục giải thích từng từ địa phương và phân tích, diễn giải bài Văn tế để truyền cho chúng tôi cái hồn của bài văn, tấm lòng của tác giả mù và lòng trân trọng những nghĩa sĩ áo vải "chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung; chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ" mà "nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình; chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ". Dạy văn là dạy người, thầy tôi đã dạy chúng tôi biết yêu mới từ ngày ấy thông qua những tác phẩm văn học như Hịch tướng sĩ, Bình Ngô Đại cáo, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc... Tôi rất cảm ơn bài viết của nhà thơ Thanh Thảo: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - Ngôi đền thiêng trong văn học, vì nhà thơ đã giúp diễn đạt những tình cảm và lòng trân trọng đối với tác phẩm bất hủ của thầy đồ mù Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi những nghĩa sĩ áo vải đã góp phần làm nên và gìn giữ đất nước này. (Vũ Hạnh Dung, 12 Vũ Hữu Lợi, Hà Nội)

Tôi theo dõi trường hợp được xem là một hiện tượng này qua nhiều bài báo của nhiều tờ báo. Đa phần các ý kiến đều cho rằng đây là một hành động dũng cảm. Tôi không nghĩ như vậy bởi vì hành động dũng cảm phải gắn liền với một ý nghĩa cao đẹp và cần phải được đặt đúng chỗ. Tôi nghĩ đây đơn giản chỉ là sự bồng bột của tuổi trẻ mà thôi. Em lý giải em có ý xây dựng, và rằng vấn đề "dạy và học" là nghiêm túc và em đã nghĩ về nó từ rất lâu. Nếu đã nghĩ chín chắn đến vậy thì em nên chọn một diễn đàn dành cho những vấn đề như vậy để phát ngôn; vừa tránh làm ảnh hưởng đến tính nghiêm túc của cuộc thi vừa tránh gây tổn hại cho chính bản thân. Khi nêu lên và cổ vũ cho hiện tượng này, chúng ta có nghĩ đến mặt tiêu cực của nó là trong nhiều cuộc thi sau này, hễ thí sinh bó tay trước câu hỏi, hay "không thích" đề thi thì cứ mặc nhiênbàn luận về cách dạy và học (!).

Tôi không có ý chê bai hay khích bác em, nhưng tôi cũng không thể cổ súy cho hành động của em được. Nếu đọc kỹ bài văn em viết, dễ nhìn thấy em khéo léo đổ cái lỗi "không thích bài văn" cho người ra đề. Theo tôi, một đề văn hay bất kỳ đề thi nào khác, có thể được "thích" hoặc bị "không thích" bởi thí sinh. Nhưng nhiệm vụ của thí sinh là làm bài. Thú thật tôi cũng không thấy bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc hay. Nhưng cứ cái kiểu lập luận "em không thích" hay “em không sống trong thời...” thì có mấy ai thấy cái hay của những áng văn bất hủ của Shakespeare và một bức tranh của Picasso có gì "hay" ngoài một mớ hỗn độn?!...

Tôi không thể không viết vì quá bức xúc ! Đúng là em Thanh đó đã nói thật về suy nghĩ của bản thân em và của một số bạn đọc thế hệ em. Nhưng sự thật không phải lúc nào cũng đúng, lúc nào cũng hay. Tôi nhớ rất rõ cảm xúc của những học sinh lứa tuổi tôi (ngoài 40), khi học bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu. Một áng văn thơ hay, lạ và khiến người ta đọc phải cảm động, phải trân trọng. Đến nay tôi vẫn còn thuộc và vẫn thấy đó là một tuyệt tác trong văn học của nước nhà. Tại sao em học sinh đó không thích áng văn đó, tôi nghĩ không phải vì em đó không sống trong thời chiến. Đâu cứ phải sống đúng thời đó mới cảm nhận được, mới hiểu được hết những gì xảy ra. Nếu chúng ta có một tâm hồn nhân hậu, biết yêu thương, sẻ chia... chúng ta sẽ cảm nhận được những nỗi đau của nhân loại. Tôi cho rằng lỗi ở đây là hệ thống giáo dục của chúng ta đã bất lực không nuôi dưỡng được những tâm hồn lành mạnh. Một thực tế thật đáng buồn và đáng lo. (thomyhien@yahoo.com)

Sự vô cảm của một số học sinh còn có thể châm chước chứ sự vô cảm của các bậc cha mẹ và những "người lớn" khác thì không thể châm chước được... Cụ Đồ Chiểu cũng chẳng chấp gì em bé không hiểu được bài văn của cụ nhưng chỉ buồn khi thấy người lớn cũng a dua theo ý trẻ con mà cho là đúng mà thôi. Đáng giận nhưng cũng đáng thương thay! (vu-linh noos.fr)

Trong cuộc đời học sinh của mình, từ khi mới học cấp 1 tôi đã từng tìm đọc những áng văn trong các sách giáo khoa của các cấp học trên mình, và tôi thực sự rung động trước Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Mặc dù sau này tôi cũng không phải là một học sinh giỏi văn nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận được tác phẩm văn học này, và tôi cũng dám khẳng định rằng rất nhiều học sinh và độc giả cũng đã từng rung động khi đọc tác phẩm đó. Hôm nay tôi thật sự thất vọng khi thấy trong thế hệ học sinh chỉ sau tôi 15 năm lại có một suy nghĩ quá thiển cận và nông cạn đến mức này, vì nếu em Thanh không thích tác phẩm này thì vẫn có những cách trình bày suy nghĩ và quan điểm của mình ở một diễn đàn nào đó, chứ không phải là ở một kỳ thi như thế này. (maithanhdnhk@yahoo.com)

Sống ở Mỹ gần mười năm nay nhưng mỗi khi đọc những bài văn bất hủ như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc tôi vẫn cứ xúc động muốn trào nước mắt. Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả bài "Bài văn lạ gây chấn động từ phía nào?". Đồng ý là ngành giáo dục trong nước cần phải xem lại cách giảng dạy của mình, sao không thể truyền đạt đến cho học sinh lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn của một người VN, như vậy rồi đất nước sẽ đi về đâu với những người trẻ tuổi như thế ? Tôi cũng thật đau lòng khi một người trẻ "học sinh giỏi" mà lại phủ nhận những giá trị tinh thần của ông cha để lại. Một tác phẩm hay đối với người không có tri thức thì cũng không có giá trị gì, làm sao một áng văn có ý nghĩa với người không biết đọc, phải không ? Mong sao ngành giáo dục cải tiến cách truyền đạt đến học sinh của mình lòng yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc... Và cũng mong sao đất nước mình có nhiều những "học sinh giỏi" biết yêu quê hương, biết tự hào những gì mình có được hôm nay là do cha ông để lại với một cái giá không nhỏ ! (trungbui@comcast.net

Ái Thương
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.