Góc bình yên của Cát Bà

12/05/2005 09:37 GMT+7

Bao bọc phía đông bắc của hòn đảo là những dãy núi đá vôi dựng đứng, lởm chởm đá tai mèo. Núi liền núi, giăng màn liên tiếp. Khoảng trống kẹp giữa hai dãy núi thường được người các vùng khác gọi là "thung lũng", hoặc "thung"; nhưng ở Cát Bà người ta lại gọi là "áng".

Thình Lình là tên gọi một cái áng kẹp giữa hai dãy núi đá vôi như thế. Từ con đường nhựa dẫn ra bến Cái Bèo, rẽ trái theo đường mòn đi vào chân núi, trèo qua một sườn núi đất và một đỉnh núi đá tai mèo là tới áng Thình Lình.

Con đường mòn mất hút trong rừng uốp ngập nước, um tùm dưới chân núi. Những cây uốp cao vài mét, thân khá lớn. Từ gốc cây rất to mọc ra nhiều cành, nhiều nhánh, nhưng không quá rậm rạp. Những giọt nắng lọt qua kẽ lá, nghịch ngợm nhảy nhót lung linh trên mặt nước trong rừng uốp. Nước ngập lấp xấp trên nền rừng, có chỗ sâu đến bắp chân. Bước chân lội nước oàm oạp, thập thõm. Du khách có cảm tưởng như đang ở trong một xứ sở diệu kỳ nào đó.

Qua khỏi cánh rừng uốp, khách bắt đầu leo lên dãy núi đá. Vượt qua được dãy núi đá này cũng đã là một "kỳ tích" của du khách rồi. Những tảng đá chênh vênh, xếp chồng lên nhau, tua tủa những mũi đá nhọn hoắt, bám đau rát cả tay. Bàn chân đi giày hay dép đế mỏng cũng bị đá đâm nhoi nhói. Vượt qua được đỉnh của dãy núi đá tai mèo lởm chởm, con đường mòn dẫn du khách len lỏi dưới tán rừng nguyên sinh rậm rạp. Rừng khép tán kín trên đầu, che kín tầm mắt, âm u.

Vừa xuống hết sườn núi, không gian đột ngột mở bừng ra trong mắt du khách, lóng lánh, xanh biêng biếc màu trời, lại điểm thêm vài... đám mây trắng xốp. Thực ra, đó là bóng của bầu trời in xuống một mặt hồ lặng như tờ, nằm lọt giữa bốn bề núi đá. Ấy là áng Thình Lình.

Cây rừng ken dày mọc xuống sát mép nước nên hồ không có bờ. Không thể xác định được đâu là hình ảo, đâu là hình thật của những cây lá, mây trời phản chiếu trên mặt gương hồ. Không gian lặng phắc, chỉ nghe đâu đây tiếng cá đớp nước, vài tiếng chim văng vẳng trong rừng. Một chú sóc từ đâu hiện ra, giương cặp mắt đen huyền ngơ ngác nhìn, không tin vào sự có mặt của những con người trong thế giới của chú. Cũng bất ngờ như khi xuất hiện, chú sóc biến mất, chỉ để lại một tiếng “soạt” thật khẽ. Tiếng người nói làm giật mình một bầy khỉ đang xuống uống nước phía bên kia hồ. Chúng kêu khèng khẹc, kéo nhau tung mình chuyền cành roàn roạt. Không gian phút chốc lại trở về im lìm. Mơ mơ, thực thực.

Nằm lọt giữa bốn vách núi đá vôi, nhưng nước hồ ở áng Thình Lình lại có vị lợ gần như nước biển. Hồ trong văn vắt, nhìn thấy cả những rong rêu và vỏ sò, vỏ ốc trắng tinh dưới đáy. Giữa những gốc rong rêu và đá cuội nhỏ, có vô số những con cá bống cỡ bằng một ngón tay. Chúng có màu gần như trong suốt, nằm bất động sát đáy hồ, phải tinh mắt mới thấy.

Đi câu cá bống cần chuẩn bị mồi là những con tôm nhỏ liu riu. Móc mồi vào lưỡi câu, thả vào sát tận mồm con cá bống. Lũ cá này lười biếng đến mức không bao giờ đuổi theo con mồi, nên người câu phải rất kiên nhẫn. Phải vài lần đặt mồi sát mép con cá bống, thậm chí phải nhấc lên nhấc xuống cho con tôm chạm vào mép nó đến vài lần, con cá bống mới uể oải há miệng hờ hững ngậm miếng mồi. Cũng chỉ thế là đủ, chú cá bống đã bị nhấc lên khỏi mặt nước.

Nếu tinh mắt và chịu khó, một người có thể câu được đến 2 ký cá bống trong một buổi. Cá bống đem tẩm bột, chiên ròn, là thứ "tốn bia khủng khiếp". Nhưng đối với những du khách đến từ thành phố, món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho họ không hẳn là những con cá bống, mà chính là được ngồi câu trong không gian tĩnh lặng và huyền ảo của áng Thình Lình.

(Theo VOV)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.