Người mù học võ

10/05/2005 22:32 GMT+7

Trong một lần thi đấu võ thuật tại nước ngoài, võ sư Lý Đại Nghĩa đã chứng kiến màn biểu diễn võ thuật của những người khiếm thị Nhật Bản. Thế là trong đầu anh bật ra suy nghĩ: "Nhật Bản làm được thì Việt Nam tại sao không làm?". Thế là hành trình đến với người khiếm thị của anh và nhóm bạn bắt đầu.

Điều thú vị là hành trình của Nghĩa và nhóm bạn lại bắt đầu từ công việc chẳng liên quan gì đến võ thuật: đi... năn nỉ. Việc trình bày công trình thanh niên mang tên "Huấn luyện judo cho người khiếm thị" với phụ huynh của những bạn trẻ kém may mắn này gặp không ít khó khăn vì đây là một chương trình quá mới mẻ. Các bậc phụ huynh không muốn con em mình phải "vật lộn" với những thế võ, sợ bị tai nạn trong tập luyện nên từ chối thẳng thừng. Có môn thể thao nào mà huấn luyện viên phải lặn lội đi tìm học viên rồi phải giải thích cặn kẽ, dông dài nhằm thuyết phục phụ huynh cho mình "được" dạy miễn phí ? Các võ sư còn phải đi xin từng bộ võ phục, phải cùng nhau góp công, góp của để có một buổi khai giảng tươm tất cho những học trò khiếm thị của mình.

Rồi nhóm võ sinh đầu tiên cũng được thành lập vào tháng 5/2004, sau khi võ sư Nghĩa "mặt chai mày đá" hoàn thành "bài thuyết phục" của mình để phụ huynh chấp nhận cho con em "học thử". Vào học thử, các huấn luyện viên mới giật mình vì mọi việc không hề đơn giản. So với phương pháp huấn luyện "thị phạm" của lớp võ bình thường (học viên nhìn võ sư rồi làm theo), thì phương pháp "mô phạm xúc giác" khó khăn hơn rất nhiều. Từng động tác phải được diễn giải bằng ngôn ngữ một cách chi tiết và huấn luyện viên phải di chuyển thật chậm để võ sinh lên sờ bằng tay nhằm có được sự hình dung trong đầu. Võ sư Nguyễn Anh Hòa - huấn luyện viên trưởng CLB Judo Tân Bình, huấn luyện cho các em khiếm thị - nhận xét: "Được một điều là các em tiếp thu rất nhanh và rất nhiệt tình trong luyện tập".


HLV Thúy Hồng (phải) đang hướng dẫn cho một võ sinh khiếm thị

Sự nhiệt tình ấy thể hiện rất rõ ràng qua những cú vật người khỏe khoắn và tiếng "kiai" vang lên mạnh mẽ trong từng buổi tập. Nhìn không khí hừng hực khí thế luyện tập ấy, mấy ai biết trong những ngày đầu, có những võ sinh vào tập khoảng 3 phút đã ngồi... thở dốc hết 5 phút vì mệt. Nay, các em không những tiến bộ về thể chất mà ngay cả những bài tập về kỹ thuật cũng đã tiến bộ rất nhiều. Từ phương pháp "mô phạm xúc giác" này, các em đang được huấn luyện theo phương pháp giảng dạy phân tích và mô hình hóa. Sơn - học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu - tham gia lớp võ hơn 1 tháng nay tâm sự: "Thật ra, em ước mơ học võ từ hơn 8 năm trước. Gia đình có truyền thống võ thuật nhưng không thể dạy cho em được vì không biết cách. Nghe trường mở lớp judo, em đăng ký ngay, nay thì đã tiến bộ lắm rồi, không như những ngày đầu ê ẩm cả người...".

Không chỉ Sơn mà các bạn cùng lớp như: Tú, Nam, Lộc, n, Ý... cũng đã thông thạo các đòn như tewaza (bộ đòn tay), o sotogari (đòn chân), hon kesa gatame (đòn đè)... một cách thuần thục. Và từ một nhóm võ sinh ban đầu, nhóm bạn Lý Đại Nghĩa, Nguyễn Anh Hòa, Trần Mai Thúy Hồng, Lê Khánh Hồng... đã "chiêu mộ" được số lượng khá lớn học sinh khiếm thị từ các trường: Nguyễn Đình Chiểu, Hội Người mù thành phố, các em khiếm thị chùa Kỳ Quang, Trường Bừng Sáng..., chuẩn bị thành lập 2 đội tuyển tham dự giải toàn quốc và tiến đến thi đấu tại Para Games (giải thi đấu thể thao dành cho người khuyết tật của Đông Nam Á). Phó bí thư Đoàn Sở Thể dục - Thể thao TP.HCM Lý Đại Nghĩa cười: "Ban đầu, đây chỉ là một công trình thanh niên với mục đích là tạo sân chơi và cải thiện tình trạng thể lực cho các em khiếm thị, nhưng chúng tôi nhận thấy các em có những phát triển vượt bậc nên quyết định đầu tư thêm. Trong tương lai, khả năng sẽ có những vận động viên, huấn luyện viên khiếm thị môn judo là điều hoàn toàn có thể". Tuy vẫn còn những khó khăn về kinh phí nhưng Nghĩa tự tin: "Đề án của mình đã được Vườn ươm khoa học của Thành Đoàn thông qua. Sắp tới, nhóm sẽ phát triển thêm những bộ môn võ của Việt Nam như: vật dân tộc, vật tự do, vật cổ điển... cho đúng với tinh thần Việt Nam!". Vâng, hy vọng các bạn trẻ ấy sẽ thành công với "Kiai (tinh thần) Việt"!

Đoàn Ngọc Phụng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.