Các cuộc thi hoa hậu kỳ lạ trên thế giới

07/05/2005 22:03 GMT+7

Trong khi đa số phụ nữ trên thế giới đều tìm mọi cách để giảm cân, phấn đấu có vóc dáng mình hạc xương mai, thì ở Thái Lan, ở Ý lại tưng bừng với những cuộc thi Hoa hậu mũm mĩm... Trong khi những người chuyển giới tính ở một số nước phải gánh chịu tình trạng ghẻ lạnh ở cộng đồng, thì vẫn có một Petcharat đăng quang Hoa hậu chuyển giới tính hoàn vũ...

Và còn không ít những cuộc thi hoa hậu kỳ lạ khác đã được tổ chức trên thế giới bên cạnh những cuộc thi sắc đẹp nghiêm túc như Hoa hậu thế giới, Hoa hậu hoàn vũ, Hoa hậu trái đất...

Càng béo càng đẹp

Tarnrarin Chansawang mới 18 tuổi, nhưng trọng lượng đã lên đến 109 kg. Thế nhưng Chansawang chẳng hề mặc cảm về số cân quá tải này, cô đặt ngược vấn đề: "Tôi mập mạp không có nghĩa là tôi kém đẹp hay thiếu tài năng". Và Chansawang đã tự tin đăng ký tham dự Miss Jumbo Queen 2005 tổ chức tại tỉnh Nakhon Pathom, cách 56 km về phía tây Bangkok (Thái Lan) đầu tháng 5 vừa qua. Sau những phần thi tài năng và ứng xử, Chansawang đã vượt qua 23 thí sinh có trọng lượng tối thiểu là 79 kg để giành danh hiệu Miss Jumbo Queen. Á hậu 1 cũng là một cô gái 18 tuổi Kemika Sookprasongdee, còn Á hậu 2 Phanchan Ahkrakul thì đã 23 tuổi. Trong khi đó, Thanchanok Mekkeaw được trao danh hiệu Miss Jumbo Universe, nhờ có trọng lượng nặng nhất trong số các thí sinh. Thế nhưng con số 182 kg của Mekkeaw vẫn còn thua Miss Cicciona 2004 của Ý những 8 kg.

Nếu như Miss Jumbo Queen chỉ trao vương miện cho các thí sinh nữ thì cuộc thi Miss Cicciona 2004 diễn ra tại Tuscan, Forcoli (Ý) hồi tháng 7/2004 lại "thoáng" hơn khi có danh hiệu cho cả nam lẫn nữ, và chú trọng đến trọng lượng hơn là phần thi năng khiếu. Danh hiệu Miss Cicciona 2004 được trao cho cô Giovanna Guidoni, 20 tuổi, nặng 190 kg. Cicciona tiết lộ: "Năm trước tôi đứng thứ hai, nhưng năm nay tôi là thí sinh nặng cân nhất". Yếu tố giúp Cicciona chiến thắng có lẽ là nhờ cô đang quản lý một cửa hàng ăn.

Còn người thắng cuộc trong cuộc thi nam hậu Ciccione là Fabio Teseo, với trọng lượng 205 kg. Tiêu chuẩn để tham dự Miss Cicciona, các thí sinh nữ phải nặng từ 100 kg trở lên, còn nam giới dưới 149 kg thì đừng nghĩ đến chuyện đăng ký tham dự.

Miss Cicciona được tổ chức hằng năm, và ban tổ chức Miss Cicciona cũng muốn thông qua cuộc thi để đưa ra một chuẩn mực mới về sắc đẹp. "Ý tưởng của cuộc thi không đơn giản là để giải trí, chúng tôi muốn đưa ra cho công chúng một chuẩn mực mới về sắc đẹp. Thật gầy không phải là cách duy nhất để gây được sự chú ý", ông Gianfranco Lazzereschi - thành viên ban tổ chức, phát biểu.

Từ hoa hậu thẩm mỹ viện...

Ngày 18/12/2004, cô Feng Chieng (ảnh), 22 tuổi, đăng quang hoa hậu thẩm mỹ viện trong cuộc thi tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ban tổ chức không ngờ cuộc thi lại thu hút rất đông đảo thí sinh. Có cả những người "cứng tuổi" như bà Liu Yulan, 62 tuổi và có cháu gọi bằng bà cũng tham gia. Có cả thí sinh với giấy chứng nhận chuyển đổi giới tính nhưng khi bước ra sân khấu dự thi cũng rất tự tin chẳng kém cạnh gì các thí sinh nữ. Feng Chieng đã vượt qua 18 thí sinh ở vòng chung kết để giành danh hiệu Miss Plastic Surgery. Cô cho biết: "Do mắt tôi quá nhỏ, mũi lại quá tẹt. Tôi đã nhờ giải phẫu thẩm mỹ để mắt to thêm, định hình lại xương gò mà, luôn tiện hút mỡ bụng, căng da trán. Từ đó tôi cảm thấy tự tin hơn, và cũng chẳng thấy bản thân mình có gì là giả cả, chỉ thấy mình đẹp hơn thôi".

Thật ra ý tưởng tổ chức cuộc thi Miss Plastic Surgery chỉ được hình thành sau khi xảy ra sự kiện một người mẫu Trung Quốc bị loại khỏi cuộc thi hoa hậu Trung Quốc do bị phát hiện đã chi ra khoảng 13.000 USD để thực hiện 11 cuộc giải phẫu. Hiện nay, giải phẫu thẩm mỹ đã trở thành mốt ở Trung Quốc, mỗi năm quý bà quý cô nước này chi ra khoảng 20 tỉ nhân dân tệ (tương đương 2,4 tỉ USD) để sửa sang sắc đẹp.

... đến Hoa hậu chuyển đổi giới tính

Cuối năm 2004, cuộc thi Hoa hậu thế giới dành cho những người chuyển đổi giới tính đầu tiên đã được tổ chức tại thành phố biển Pattaya, Thái Lan. Trong số 24 thí sinh lọt vào vòng chung kết, có những thí sinh đến từ Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia, Đức, Pháp, Ấn Độ, Đài Loan, Lào, Hồng Kông... Nhưng cuối cùng, vương miện hoa hậu thế giới thuộc về thí sinh nước chủ nhà, Treechada Petcharat, 19 tuổi, tên thân mật là Poy. Poy đã từng tham gia nhiều cuộc thi sắc đẹp, từng đoạt vương miện hoa hậu giới tính thứ ba Thái Lan hồi năm 14 tuổi, khi còn là học sinh trung học. Là cuộc thi mang tầm vóc quốc tế, nên các thí sinh cũng phải trải qua bốn vòng thi trang phục dân tộc, áo tắm, trang phục dạ hội và ứng xử.

Riêng về phần sắc đẹp, những thí sinh tham gia cuộc thi Hoa hậu thế giới dành cho những người chuyển đổi giới tính đầu tiên đẹp và nữ tính ngang ngửa với những người đẹp ở các cuộc thi hoa hậu khác. Có lẽ chính vì thế mà người mẫu Chen Lili, 24 tuổi, của Trung Quốc đã tự tin đăng ký dự thi Miss Universe 2004. Chỉ tiếc là về sau Ban tổ chức Miss Universe lại thay đổi ý kiến với lý do đảm bảo công bằng giữa các thí sinh.

Kỳ lạ nhưng đậm tính nhân văn

Chỉ mới vài ngày trước đây, tại Kenya vừa diễn ra cuộc thi Hoa hậu dành cho các nữ tù nhân được tổ chức tại trại giam Langata, trại tù dành cho nữ lớn nhất đất nước châu Phi này, và vương miện đã thuộc về Fatia Wairimu, 26 tuổi, sắp mãn hạn tù về tội tàng trữ ma túy. Người đề xướng cuộc thi này là Judy Akinyi, vốn là giảng viên trường Đại học Bách khoa Kenya, bị giam vì tội mua bán ma túy. Tháng 11 năm ngoái, tại nhà tù Butanta, Sao Paulo (Brazil) cũng tổ chức một cuộc thi sắc đẹp và được các tù nhân hưởng ứng rất nhiệt tình... Cả hai cuộc thi này đều nằm trong chương trình cải cách chế độ nhà tù do chính phủ phát động.

Còn đầu năm nay, sự kiện cô Cynthia Leshomo, 32 tuổi, người Botswana, nhận được danh hiệu Hoa hậu dành cho những người bị nhiễm HIV, đã giúp mọi người trên thế giới thấy rằng ngay cả sau khi phát hiện bị nhiễm căn bệnh thế kỷ, 12 thiếu nữ tuổi từ 21 đến 35 vẫn không hề buông xuôi, vẫn khao khát sống một cách mãnh liệt. hoa hậu HIV Leshomo thẳng thắn: "Cuộc thi này cũng giống như mọi cuộc thi sắc đẹp khác, nhưng bên cạnh đó còn có một mục đích rõ ràng: chúng ta cần giúp những người nhiễm HIV tránh mặc cảm". Tổ chức Bill and Melinda Gates Foundation và hãng dược phẩm Merck đã lên kế hoạch tổ chức những cuộc thi tương tự như thế ở Nam Phi và Nambia, những nước có tỷ lệ người dân nhiễm HIV rất cao.

Trần Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.