Trại sáng tác điêu khắc đá TP.HCM lần 1: Đánh thức tâm hồn đá

30/04/2005 18:02 GMT+7

Ngày 25/4/2005 vừa qua, trại sáng tác điêu khắc đá TP.HCM lần I đã bế mạc. Sau 45 ngày lao động khẩn trương, 40 "đứa con tinh thần" của 40 điêu khắc gia đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước đã chào đời, được chuyển về trưng bày tại Công viên văn hóa Tao Đàn. Sự kiện này có dấu ấn đặc biệt - đây là trại sáng tác đầu tiên của TP.HCM sau ngày giải phóng để chào mừng sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước nói chung, của TP.HCM nói riêng.

Trại sáng tác điêu khắc đầu tiên sau 30 năm giải phóng

Đến Công viên văn hóa Tao Đàn trong những ngày kỷ niệm 30 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, người dân TP.HCM được thưởng thức triển lãm điêu khắc đá - thành quả lao động hơn 1 tháng qua của 40 điêu khắc gia. Những tác phẩm này tạo cho công viên một không gian văn hóa nghệ thuật rất đỗi mới mẻ. Cuộc trưng bày đã thu hút nhiều người dân đến tham quan, chụp ảnh, quay phim...

Người và chim - tác phẩm của Trần Thanh Nam

Nhiều người thắc mắc: tại sao một thành phố lớn như TP.HCM lại... đi sau trong việc mở trại sáng tác? Trong khi đó rất nhiều tỉnh thành trong cả nước đã dám đầu tư vào mảng điêu khắc tượng này với nguồn kinh phí khá phóng khoáng. Có nơi như TP Huế đã tổ chức trại điêu khắc nhiều lần. Ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Phó trưởng ban tổ chức trại điêu khắc cho biết: "Ý định mở trại sáng tác điêu khắc đã từng được đem ra bàn nhiều lần song do cơ chế quản lý về mặt hành chính hơi "cứng" nên việc ra đời trại sáng tác phải đợi mãi 30 năm sau ngày thống nhất đất nước mới thực hiện được". Nhiều anh em nghệ sĩ lại cho rằng trại sáng tác lần này ra đời nhờ "sức ép" khách quan từ phong trào sáng tác điêu khắc rộ lên ở các tỉnh thành trên cả nước. Đồng thời, những người làm công tác quản lý đô thị cũng đã nhận ra tầm quan trọng của điêu khắc đô thị. Và các điêu khắc gia đều đồng ý với nhận định rằng: dù muộn còn hơn không!

Trại sáng tác điêu khắc lần này được đánh giá là một khởi đầu thuận buồm xuôi gió. Các tác phẩm sẽ góp phần xóa đi cảnh những công viên trống hốc, chỉ có ghế đá trơ trọi, giúp cho công viên sống dậy đúng nghĩa của nó; đồng thời sẽ làm phong phú thêm đời sống mỹ thuật của nhân dân. TP.HCM là một đô thị lớn, còn rất nhiều khoảng xanh công viên cần được tô điểm để người dân có môi trường sống thực sự văn hóa, mỹ thuật.

Đánh thức tâm hồn đá

Trại điêu khắc lần này không giới hạn chủ đề, đề tài. Những tác phẩm chủ yếu đi vào khai thác cái đẹp trong đời sống nhằm nâng cao giá trị về mặt thẩm mỹ của người dân. Hội đồng nghệ thuật không duyệt tác phẩm trên bản thảo mà duyệt trực tiếp sau khi tác phẩm hoàn thành - điều này nhằm để anh em được hoàn toàn tự do trong sáng tạo đồng thời đề cao tinh thần trách nhiệm của mỗi người trước tác phẩm của mình.

Dù không quy định về chủ đề, đề tài, song đây là những tác phẩm gắn với môi trường cảnh quan thiên nhiên công cộng nên các tác giả đều hướng đến những đề tài nhẹ nhàng, gần gũi với công chúng. Mỗi tác giả có một cách đặt vấn đề riêng, song tất cả đều hướng đến cái đẹp, sự hài hòa với cảnh quan môi trường và dễ cảm thụ đối với công chúng. Mỗi tác phẩm thể hiện cái đẹp bằng một ngôn ngữ riêng, theo cảm xúc của từng tác giả.

Ngọc yêu thương - tác phẩm của Phạm Văn Hạng

Khi chọn "đương đầu" với chất liệu duy nhất là đá, ban tổ chức tính đến vẻ đẹp bền vững của tác phẩm. Đồng thời, theo ông Nguyễn Quốc Thắng, đá là một chất liệu… an toàn. Điêu khắc gia Trần Thanh Nam kể lại, chính giới hạn chất liệu đã khiến nhiều anh em nghệ sĩ ban đầu gặp khó khăn. Song, các nghệ sĩ đã thổi vào đá tâm hồn và tình cảm của mình, biến những khối đá xù xì thô nhám thành những tạo vật hài hòa, tuyệt mỹ. Một Nguồn sống căng tràn của điêu khắc gia Hoàng Tường Minh toát lên vẻ đẹp phồn thực mà thánh thiện, đầy chất tạo hình, tác phẩm đẹp ở mọi góc độ. Trăng thu của Phan Ngọc Long cách điệu vầng trăng tròn và những sóng nước lan tỏa... tạo nhịp điệu êm ả, yên bình và sự lắng đọng rất đỗi dịu dàng, gợi lên những gì sâu thẳm của tâm hồn. Tác phẩm Người và chim của Trần Thanh Nam cách điệu dáng người nằm và một con chim đậu ở chân. Đó là phút giây con người và thiên nhiên hòa với nhau làm một. Trần Thanh Nam nói: "Với tác phẩm của tôi, tôi cố tình tạo khoảng trống ở giữa để mọi người có thể đến ngồi lên đó, làm sao để tác phẩm và người thưởng thức không xa lạ mà giao hòa với nhau". Chân dung Beethoven chính là tác phẩm mà điêu khắc gia Phạm Mười ấp ủ từ nhiều năm nay. Ông bộc bạch: "Đây là một danh nhân mà tôi chịu ảnh hưởng về tác phẩm và về nhân cách - một con người của nhân loại. Tôi muốn lưu lại một tên tuổi để người đời không lãng quên ông".

Nhìn chung, đa số các tác phẩm đã đạt tới ngôn ngữ của sự hàm xúc, bay bổng và giàu chất thơ. Với ngôn ngữ tạo hình trên đá, nhiều tác phẩm đã tạo nhịp chuyển động nhịp nhàng qua những đường nét tinh tế, hài hòa, những khoảng rỗng đầy cuốn hút, những khối vững chãi nhưng rất uyển chuyển, linh hoạt, tạo được độ "rung" cho tác phẩm.
Cũng có một vài ý kiến cho rằng còn một vài tác phẩm chưa thực sự tạo được ấn tượng, nhìn chung không có sự bứt phá ngoạn mục trong đề tài, ý tưởng... Song nhiều anh em điêu khắc gia đã có nhận định: cần có thời gian để thẩm định những tác phẩm này. Và một điều quan trọng hơn cả là từ thành công ban đầu này sẽ mở ra một phong trào sáng tác điêu khắc trong thành phố, làm đẹp cho những khoảng xanh công cộng.

Điêu khắc gia Phạm Mười: Việc chọn đề tài hay cách thể hiện thực ra cũng chỉ là hình thức, là cái cớ để chuyển tải vào tác phẩm tâm hồn và cảm xúc của người nghệ sĩ. Nghệ thuật là tiếng chuông chứ không phải cái chuông. Nghe, xem, hay đọc một tác phẩm nghệ thuật thì người thưởng thức không còn quan tâm tới hình thức thể hiện của nó mà quan trọng là cái dư âm đọng lại trong lòng.

Điêu khắc gia Trần Thanh Nam: Lần này, Hội đồng nghệ thuật không chấm giải, tất cả các tác phẩm đều được trân trọng. Theo tôi, ở đây cũng không nên đặt nặng vấn đề phân thứ bậc mà chính mỗi người tự chịu trách nhiệm với tác phẩm của mình trước thời gian và công chúng.

Điêu khắc gia Phan Ngọc Long: Với tư cách một người tham gia, tôi thấy rằng sự góp mặt vào trại sáng tác lần này là niềm vui lớn. Mỗi trại sáng tác luôn có cái được và chưa được, nhưng cái được vẫn nhiều hơn - đó là khơi dậy phong trào sáng tác nghệ thuật chung của thành phố, tô điểm cho cảnh quan môi trường.

 

 

 

 

 

 

 

 Y Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.