Bữa cơm gia đình

28/02/2005 21:33 GMT+7

Dưới đây là một góc cuộc sống của những người bạn tôi tại Quy Nhơn. Cuộc sống gấp gáp, hiện đại khiến nhiều người trong số họ vì lý do này hay lý do khác lựa chọn ăn cơm hàng, cháo chợ. Những người bạn tôi đôi lúc quên mất một bữa cơm gia đình mà người thân đang mong đợi...

Cơm hàng, cháo chợ

Cưới nhau được gần bốn năm, hai vợ chồng Phú - Ngà đã mua nhà riêng nhưng chẳng mấy khi Ngà tự đi chợ nấu cơm, chuẩn bị bữa ăn cho gia đình. Bình gas 6 kg mua cách đây nửa năm giờ vẫn còn hơn... một nửa, bởi cả hai vợ chồng thường trực ăn cơm quán. Cả hai đều là công nhân, tan ca muộn nên buổi trưa mạnh ai nấy ăn. Buổi chiều, về nhà sớm nhưng Ngà cũng chẳng muốn đi chợ nấu cơm, chỉ ngồi xem ti vi chờ chồng về đi ăn hàng, thích gì ăn đó. Ngà tâm sự: "Tôi là con út trong nhà, nấu nướng không thạo, lại đang có con nhỏ. Trước ở với mẹ chồng thì được nhờ. Giờ ra riêng càng bận bịu hơn. Thôi thì ăn quán cho tiện". Chồng Ngà, tuy buồn vì vợ mình ít chỉn chu, nhưng tỏ ra dễ chịu: "Tôi sao cũng được. Với lại bả nấu ăn cũng chẳng ngon lành gì!". Phú làm việc nặng nhọc mà một bữa chỉ ăn đĩa cơm bụi 3.000 đồng hoặc ăn tô phở nên thường bị trêu là "suy dinh dưỡng độ ba".

Hôm mừng tân gia nhà anh Nhân, bạn bè đã tặng gia đình một bộ soong nồi inox và một thùng chén dĩa loại thật đắt tiền, trị giá trên triệu bạc. Lâu ngày đến chơi, bạn bè vẫn thấy quà tặng còn chưa bóc tem. Là bạn thân, tôi thắc mắc, anh cười xòa: "Các cậu tặng thì tớ cám ơn. Nhưng nói thật, bộ soong nồi đẹp thế mà đem để nhà tớ thì nó phí lắm, vì ít khi nhà tớ nổi lửa. Ra quán tất". Cả nhà anh ngày hai buổi đều ra quán ăn cơm, ngày nghỉ thường cũng vậy. Chiều ăn cơm quán xong, hai vợ chồng cùng con cái dẫn nhau đến nhà ông bà, bạn bè chơi hay đi xem phim, ca nhạc đến 8, 9 giờ tối mới về. Lâu lâu, nhân dịp nhà có khách hoặc anh thích ăn những món mà ngoài quán không có thì chị Phương - vợ anh mới vào bếp. "Thời gian lục đục nấu nướng để vui chơi có ích hơn. Mình không muốn bà xã phải khổ" - anh Nhân nói. Tính ra mỗi ngày, riêng tiền cơm nước anh đã tiêu gần trăm nghìn bạc. Số tiền bằng nhiều gia đình khác đi chợ 2, 3 ngày. Anh chị đều làm có tiền, chi phí chỉ là... chuyện nhỏ!

Những "hòn vọng phu"

Chị Mỹ Hoa làm thông tầm tại KCN Phú Tài, trưa không về nên ông xã của chị ăn ké nhà nội. Gia đình chỉ ăn với nhau bữa chiều. Từ hai năm nay bữa cơm thường chỉ có mẹ và con, còn anh Hồng thường xuyên không ăn cơm tối vì có "độ" với bạn bè, đối tác. Lúc đầu, chị Hoa nấu nướng, lên mâm lên bát xong, hai mẹ con ngồi đợi anh về cùng ăn cơm. Đợi mãi thức ăn đã nguội ngắt, thằng bé than đói bụng thì điện thoại réo: "Ăn trước đi, anh đang có độ". Đã quá quen, chị không thèm đợi nữa, cứ đến giờ là hai mẹ con thui thủi ăn cơm. Nhiều lúc, thèm ăn món nào chị gửi tiền nhờ mẹ nấu giúp, chiều đón con về thẳng nhà ngoại hoặc chở con đi ăn hàng. Tuy không nói ra nhưng hai vợ chồng ngầm thỏa thuận với nhau: anh chỉ ăn cơm nhà vào tối cuối tuần và hai ngày nghỉ. "Quen rồi, ít về ăn càng khỏe, đỡ lách cách", chị nói nhưng mắt buồn rười rượi.

Thống kê tại các thành phố lớn cho thấy, có đến 30-40% gia đình vì công việc phải ăn cơm hàng, cháo chợ. Thậm chí, có gia đình chồng hoặc vợ vì công việc một tuần mới ăn cơm nhà một lần.

Đâu chỉ là bữa ăn

Theo các chuyên gia, bí quyết giữ hạnh phúc gia đình là luôn tạo được bầu không khí ấm cúng. Bữa cơm gia đình góp phần tạo ra điều ấy khi cả nhà cùng nhau chuẩn bị bữa ăn, vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ. Chị N.T.H, vợ một chủ doanh nghiệp, tâm sự: "Vợ chồng tôi cả ngày ở công ty, tối đến mới về nhà. Bữa trưa đã có người giúp việc lo cho các cháu. Còn bữa tối, dù bận thế nào vợ chồng tôi cũng cố gắng thu xếp về ăn tối cùng các con. Ngày nghỉ, tôi đi chợ, nấu ăn. Theo tôi, bữa ăn gia đình đâu chỉ đơn giản là để ăn mà đó còn là dịp để cả gia đình quây quần. Trong bữa ăn, chúng tôi trò chuyện, hỏi han con trẻ, qua đó dạy dỗ chúng. Nếu không có bữa tối nữa thì chẳng biết chúng tôi có thể dạy con vào lúc nào".

Và cũng chỉ qua bữa ăn gia đình, chúng ta mới có thể dạy con biết những câu thành ngữ rất hay về truyền thống ăn uống của của người Việt như: "ăn trông nồi, ngồi trông hướng", "liệu cơm gắp mắm", "nhịn miệng đãi khách" hay văn hóa ẩm thực của người Việt... Những điều ấy, con trẻ sao có thể cảm nhận hết được khi chúng ăn uống tại hàng quán, nơi mà lúc nào thức ăn cũng ê hề, nhưng thiếu hẳn sự ấm cúng của gia đình.

Hoàng Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.