Hôn nhân "Fast food"

24/02/2005 09:11 GMT+7

'Fast food'' là cách gọi chung thức ăn nhanh. Gần đây, nội dung này còn được ''vận dụng'' cả vào lĩnh vực hôn nhân gia đình, để chỉ những cuộc hôn nhân mà thời gian tìm hiểu gần như không có, hai đối tượng gặp gỡ và kết hôn chỉ sau một thời gian ngắn. Những cuộc tình ''fast food'' thường để lại nhiều vị đắng cho người trong cuộc.

Duyên số?

Một ngày đầu tháng 2/2002, chị Lê Mỹ U., nhân viên văn phòng của một công ty Nhà nước ở quận Gò Vấp ra quán cóc cạnh cơ quan uống nước thì tình cờ gặp anh Phạm Văn V., nhân viên một công ty đối tác chủ động bắt chuyện. Lịch sự, chị cũng trả lời cho qua chuyện. Nhưng cách nói vui vẻ, khéo pha trò của anh làm chị thấy vui vui. Chiều, anh V. gọi điện đến cơ quan mời đi uống cà phê. Chị nghĩ: "Thử đi với người chẳng biết gì về mình thử xem''.

Hai người vào một quán cà phê khá lãng mạn, nói đủ thứ chuyện: công việc, phim ảnh, thời sự... Trò chuyện với anh V., chị cảm thấy rất thoải mái. Chỉ sau ba lần gặp nhau, đúng ngày lễ Tình nhân 14/2/2002, anh bất ngờ ngỏ lời: ''Chúng mình đều không còn trẻ và đã qua rồi chuyện tỏ tình lãng mạn. Anh thấy mình hợp nhau nên muốn kết hôn với em''. Chị U. sửng sốt trước lời cầu hôn này, nói hãy cho chị thời gian suy nghĩ.

Về nhà, chị kể lại cho ngoại và mẹ nghe. Vốn sợ chị U. ế chồng và cũng có thiện cảm với anh V. nên cả hai đều khuyên chị không nên từ chối. Chị U. nghĩ: "Mình từng yêu suốt 4 năm trời nhưng không giữ được, biết đâu đây là duyên số". Thế là, sau hơn 30 ngày quen biết, hai người quyết định cưới nhau.

Cũng tin vào duyên số và cho rằng mình gặp tiếng sét ái tình nên cô Bùi Thu N., chủ một shop quần áo ở quận l, đã đồng ý kết hôn với anh Nguyễn Văn K.,Việt kiều Mỹ, chỉ sau 29 ngày gặp gỡ. Họ gặp nhau vào buổi sáng cuối tuần giữa tháng 3/2003, khi chị N. ra Công viên 23/9 đánh cầu lông. Trong lúc lao theo quả cầu, chị vô tình va vào một thanh niên đang chạy bộ gần đó, khiến cả hai ngã lăn quay. Khi hai người lồm cồm ngồi dậy, ánh mắt họ chạm nhau, chị thấy tim mình đập rộn ràng. Sau đó, anh đưa chị đi chơi, ăn uống ở những nơi sang trọng và tặng chị các món nữ trang đắt tiền. Chị nghĩ, mình đã tìm ra ''một nửa" nên chị đồng ý làm đám cưới trước khi anh K. trở về Mỹ.

May ít rủi nhiều

Kết hôn nhanh, chỉ sau một hai tháng gặp gỡ, không có thời gian tìm hiểu nên những cuộc hôn nhân ''fast food" phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố may rủi. Đó là bài học mà những người trong cuộc đã đúc kết.

Cuộc hôn nhân chưa có tình yêu của chị U. - anh V. được bạn bè nhận xét như một canh bạc, may ít rủi nhiều và thần may mắn đã mỉm cười với chị. Chị U. kể: "Tôi chỉ lấy chồng để má với ngoại yên lòng và cũng để quên đi mối tình cũ. Chung sống, chúng tôi mới dần dần biết được tính nết của nhau. May là anh V. rất hiền, vui vẻ và hòa nhập với người nhà tôi rất nhanh. Anh rất thương tôi và tuyệt nhiên không tìm hiểu về mối tình cũ của tôi, điều này khiến tôi rất nể anh. Xuất phát chỉ từ con số 0 tình cảm nhưng chúng tôi đã có được tình yêu sau hôn nhân, mà cậu con trai 2 tuổi là kết quả của tình yêu ấy. Hóa ra, không hiểu rõ về nhau đôi khi lại hay, đỡ phải thất vọng''.

Ngày cưới chị Thu N., những người trong gia đình, họ hàng đều không tiếc lời chúc mừng sự may mắn của chị, khi lấy được chồng là một thạc sĩ quản trị kinh doanh (anh K. tự giới thiệu). Sau tuần trăng mật ngắn ngủi, chị N. nước mắt vắn, dài tiễn chồng về Mỹ. Những ngày đầu xa nhau, đôi vợ chồng trẻ thường xuyên điện thoại, gửi mail cho nhau. Lúc ấy lòng chị N. tràn ngập hạnh phúc với niềm tin anh sẽ sớm bảo lãnh chị sang miền đất hứa, hoặc sẽ về làm ăn ở quê nhà và cho chị làm chủ như anh đã hứa.

Ba tháng sau ngày cưới, anh K. về nước khoe với chị N. là đang hợp tác với bạn để kinh doanh khách sạn. Một hôm, anh nói phải về Mỹ gấp để chuyển vốn sang VN đầu tư nếu không kịp vay mượn ở VN. Chị N. không muốn xa chồng sớm, nên đã cho anh K. mượn 30.000 USD.

Nhận tiền, anh K. hứa sẽ hoàn trả cho chị ngay sau khi về Mỹ nhưng rồi 5 tháng, chị N. chẳng thấy chồng trả tiền và cũng không hề nghe anh đề cập đến việc đưa chị sang Mỹ. Mỗi khi chị nhắc đến chuyện bảo lãnh, anh phân bua: Anh bận quá, để từ từ rồi làm thủ tục". Trong khi chị mòn mỏi chờ được đoàn tụ với chồng thì những cuộc điện thoại, thư từ của anh gửi về cho chị cứ thưa dần. Cuối cùng chị bặt tin chồng sau 11 tháng kết hôn. Kết quả cuộc hôn nhân vội vàng là chị mất cả tình lẫn tiền.

Chị L., nạn nhân của một mối tình Việt - Đài hiếm hoi không qua mai mối, còn đau đớn hơn chị N. Tình cờ quen nhau trong một chuyến đi du lịch ở Nha Trang, thấy ông H., tuy đã ngoài năm mươi tuổi nhưng trắng trẻo, phong độ, nên sau bốn lần đi chơi, ăn uống, chị L. đã đồng ý kết hôn với ông H. để... thử đổi đời. Theo chồng về Đài Loan, chị mới biết chồng mắc bệnh tâm thần, phải uống thuốc điều trị mỗi ngày. Chị L. được nhà chồng "ưu ái'' cho ở nhà để lo cơm nước, giặt giũ và chăm sóc chồng. Cứ vài ngày, chồng chị lại lên cơn, đập phá đồ đạc, đánh và cào cấu chị xây xát khắp người. Hai lần chị phải nhập viện do bị chồng đánh đến ngất xỉu. Ngay cả lúc ăn cơm chị cũng chẳng được yên.

Những ngày làm vợ ở xứ người là chuỗi ngày đầy nước mắt mà không biết tỏ bày cùng ai của chị L. Mỗi khi gọi điện về nhà, chị vẫn cố cười nói với gia đình là đang sống rất hạnh phúc, được chồng hết mực thương yêu. Chị đã nhiều lần tìm cách trốn về Việt Nam nhưng đều bị phát hiện. Cuối năm 2003, sau 3 năm làm vợ người chồng tâm thần ấy, chị mới trốn được về nước an toàn.

Tháng 12/2004, nguyện vọng xin ly hôn của chị đã được TAND TPHCM chấp thuận. Tòa hỏi chị L.: ''Chồng mắc bệnh tâm thần nặng mà sao trước khi kết hôn chị không biết''. Chị L. thật thà: ''Thưa tòa, do ngôn ngữ bất đồng nên mỗi lần đi chơi, đi ăn với nhau đâu có nói chuyện gì nhiều mà biết...''. Tòa hỏi tiếp: "Không nói chuyện với nhau, không có tình yêu sao chị lại đồng ý kết hôn?''. "Thưa tòa, thật tình tôi yêu không yêu nhưng ghét cũng không ghét. Thấy ông ấy rộng rãi chuyện tiền bạc nên tôi cũng nhắm mắt cho số phận''.

Sau phiên xử, trò chuyện với tôi về vấn đề lấy chồng theo kiểu hôn nhân "fast food'', chị L. kết luận: "Nó giống như đánh bài vậy, tùy lúc hên xui''. Tôi hỏi chị có dám ''đánh bài'' thêm một lần không, chị lắc đầu: ''Một lần đủ tởn tới già''.

Đừng xem cuộc đời như canh bạc

Không chỉ chị L., chị N. mới cho rằng "hôn nhân fast food'' giống như một canh bạc, mà người tìm thấy hạnh phúc như chị U. cũng thừa nhận điều này. Chị U. tâm sự: ''Trong ngày cưới tôi bỗng đâm sợ khi nhận ra mình quá dễ dãi với hôn nhân. Tôi lo lắng không biết tính tình chồng như thế nào, có thể hòa hợp được không? Có lúc tôi muốn bỏ chạy ngay trong ngày cưới. Rất may mà tôi đã tìm được hạnh phúc. Dù hạnh phúc nhưng tôi không khuyên các bạn trẻ kết hôn nhanh, mà hãy cân nhắc kỹ để sau này không phải hối tiếc''.

Đề cập về tình trạng ''hôn nhân fast food'' hiện nay, bà Lý Thị Mai, PGĐ Trung tâm Tư vấn tâm lý và quản lý giáo dục, nói: ''Mua áo quần còn có sự lựa chọn kỹ càng, nói chi đến hôn nhân là việc trọng đại của đời người. Kết hôn vội vàng khi chưa hiểu nhau thì xác xuất là may ít rủi nhiều, cá biệt cũng có đôi hạnh phúc nhưng ta không thể lấy số ít làm thước đo cái chung. Hạnh phúc lứa đôi luôn phải được xây dựng trên nền tảng hiểu nhau, yêu nhau... Trước khi kết hôn nên suy xét thật cẩn thận. Lời cụ Nguyễn Du xưa dạy đến nay vẫn còn nguyên giá trị: ''Trăm năm tính cuộc vuông tròn/Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông''.

(Theo báo Phụ Nữ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.