Nữ công gia chánh - chìa khóa để bộc lộ nữ tính

22/01/2005 21:41 GMT+7

Triệu Thị Chơi - cái tên giản dị mà ấn tượng trên bìa nhiều cuốn sách và tạp chí về nữ công gia chánh từ lâu đã rất quen thuộc với độc giả. Gặp cô lần đầu tiên hẳn bạn sẽ phải ngỡ ngàng: dù đã "mấp mé" tuổi lục tuần nhưng cô vẫn tươi trẻ như mới ngoài 40. Và đặc biệt ở cô toát lên một vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng, thanh lịch và tươi tắn.

Một phụ nữ hiện đại tràn đầy nữ tính

Bạn bè đồng nghiệp nhận xét: cô là một phụ nữ rất... phụ nữ: duyên dáng, mặn mà, đảm đang công việc gia đình đồng thời là người thành đạt. Cô thuộc những sinh viên đầu tiên của bộ môn Kinh tế gia đình của ĐH Bách khoa. Đã nhiều năm công tác tại Sở Giáo dục, vừa là nhà giáo đồng thời sự nghiệp của cô gắn liền với công việc viết sách về nữ công gia chánh. Lâu nay tên tác giả Triệu Thị Chơi đã trở thành một "thương hiệu" khá quen thuộc. Cô viết sách về cắt may, làm đẹp, cắm hoa, thủ công, nấu ăn, giao tiếp... rất có duyên. Hơn 14 năm nay, cô đều đặn phụ trách Sổ tay nội trợ, mỗi tháng 1 số, được nhiều độc giả yêu thích vì các thông tin bổ ích và thiết thực cho cuộc sống. Đặc biệt, sách về nấu ăn của cô là những cuốn "gối đầu giường" của hầu hết các bà nội trợ. Có cuốn đã được dịch ra 3 thứ tiếng, in và phát hành ở nước ngoài, nhằm giới thiệu tinh hoa ẩm thực cổ truyền của Việt Nam ra thế giới. Đây thực sự là niềm hạnh phúc mà không phải người cầm bút nào cũng có được. Ngoài viết sách cho các nhà xuất bản, cô còn tham gia biên soạn sách giáo khoa về bộ môn Kỹ thuật gia đình. Năm 2000, Triệu Thị Chơi vinh dự đón nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Cô là một người luôn... túi bụi với công việc. Trước tháng 9/2004, nghĩa là trước khi nghỉ hưu, lịch làm việc của cô khiến nhiều người nhìn vào thấy... nản lòng: ban ngày công tác bên Sở Giáo dục, buổi tối đi dạy ở Nhà Văn hóa Phụ nữ. Đêm về, khi mọi người ngon giấc, cô lại chong đèn cặm cụi viết sách.

"Bận rộn như thế thì thời gian nào cô dành cho gia đình?" - tôi hỏi. Cô Chơi cười hồn hậu. Gia đình cô sống theo mô hình tứ đại đồng đường: mẹ chồng, vợ chồng cô, con và các cháu ngoại. Vừa làm mẹ, làm bà, lại vừa làm con dâu, công việc nhà cô vẫn quán xuyến tốt vì không chỉ "bo bo" giữ bếp mà biết vận động các thành viên trong gia đình cùng chia sẻ công việc. Cô tiết lộ: ông xã của cô, một nhà giáo, cũng đồng thời là một người nấu ăn rất khéo, có thể hỗ trợ vợ con khi mọi người bận rộn. Cô cho biết: "Bữa cơm với gia đình tôi rất quan trọng: đó là lúc mọi người cùng tâm tình, cha mẹ uốn nắn con cái". Ngoài ra, cô vẫn thường xuyên tự cắt may cho mình những bộ cánh đẹp, làm những món ăn ngon cho cả nhà.

Cô Triệu Thị Chơi

Khi hỏi về bí quyết của sự tươi trẻ, cô mỉm cười dịu dàng: "Quan trọng nhất là sống rộng lượng, không nhỏ nhen, ích kỷ, tránh tức giận. Bởi những điều đó sẽ làm héo hắt cơ thể, căng thẳng thần kinh, rất mau già. Ngoài ra, cần ăn đủ chất, chăm sóc da dẻ, tập luyện và quan tâm tới bề ngoài. Việc trang điểm, dùng mỹ phẩm chỉ là thứ yếu".

Nữ công gia chánh trong cuộc sống hiện đại

Trong nền kinh tế hàng hóa, sản phẩm làm sẵn tràn ngập thì vẫn có một bộ phận không nhỏ những người yêu thích nữ công gia chánh. Năm 1981, cô Triệu Thị Chơi đã cộng tác với Nhà Văn hóa Phụ nữ để cùng một số đồng nghiệp mở lớp dạy kiến thức và kỹ năng thực dụng gồm 5 bộ môn: thẩm mỹ, thiết kế trang phục, chế biến thực phẩm, trang trí mỹ thuật, cắt uốn tóc. Những người theo học bộ môn này không ngừng tăng lên. Số học viên tham gia tại Nhà Văn hóa Phụ nữ hằng tháng luôn ở mức trên 10.000 người.

Những bộ môn học cũng luôn thay đổi theo xu thế của cuộc sống. Chẳng hạn, có thời bộ môn làm bánh kem rất đông người tham gia, nay bị bão hòa bởi những sản phẩm chế biến sẵn đa dạng và cũng tới lúc người ta bắt đầu sợ chất béo làm ảnh hưởng tới sức khỏe. Môn thiết kế trang phục cũng rất "thịnh" nhưng nay đang ít dần đi. Có lẽ do cuộc sống mỗi lúc một bận rộn, vả lại hàng hóa may sẵn tràn ngập, đẹp và rẻ khiến người ta không còn kiên nhẫn "trổ tài" nữa. Theo sự biến đổi của xã hội, những bộ môn thu hút nhiều học viên nhất hiện nay là thẩm mỹ và cắt uốn tóc, do xu hướng con người ngày càng quan tâm tới bề ngoài. Rất nhiều học viên học để tự phục vụ mình, có kiến thức để được đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Chỉ có một bộ môn dường như bất biến về lượng học viên, đó là nấu ăn. Có nhiều tour du lịch đã đưa khách ngoại quốc tới nhà văn hóa học nấu các món ăn Việt.

Ngoài việc trang bị cho mình những kỹ năng chăm sóc gia đình thì các lớp học này cũng như một sân chơi giải trí, giúp phụ nữ giao lưu, tâm tình. Có người bỏ thời gian học hết lớp này đến lớp khác. Có người học chỉ là để... xả stress. Cô Chơi nhận xét: "Thời nay, phụ nữ vất vả hơn xưa. Vai trò của họ không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình nữa... Tuy nhiên, nếu bạn thành đạt trong xã hội mà không hài hòa giữa gia đình và công việc thì cũng không tìm được hạnh phúc. Đó là một thách thức cho phụ nữ. Vì thế dù trong thời nào đi nữa thì nữ công gia chánh vẫn rất cần thiết. Bởi đó là kỹ năng cho cuộc sống. Nữ công gia chánh không chỉ là nấu ăn ngon, mặc đồ đẹp là đủ mà quan trọng là từ đó tạo được một không khí hài hòa ấm áp trong gia đình".

Hồng Dung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.