Câu chuyện về những lối đi chung

16/01/2005 21:19 GMT+7

“Bán anh em xa mua láng giềng gần", câu thành ngữ trên nhắc nhở mọi người phải luôn biết quí trọng tình nghĩa xóm giềng. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn xảy ra những rắc rối không đáng có, đôi khi chỉ là tranh chấp một lối đi chung qua bất động sản liền kề, kéo dài nhiều năm không giải quyết được...

Người được bít lại

Đang sinh sống thuận hòa với nhau, ngày 27/2/2003, một số hộ dân P.Núi Sam, thị xã Châu Đốc (An Giang) bỗng nhiên đưa nhau ra tòa. Nguyên nhân chỉ là chuyện lối đi qua phần đất của gia đình ông bà N.Đ.V - L.T.G bị... bít lại. Các hộ dân trình bày, ông bà V. - G. xây dựng nhà trên con hẻm đã làm mất lối đi chung lâu nay, buộc các nhà phía trong phải đi vòng lối khác xa hơn, lại mất vệ sinh nên không thể chấp nhận được. Họ yêu cầu phải trả lại nguyên hiện trạng cũ.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông V., bà G. trình bày: Phần đất ông bà đang xây nhà là tài sản thừa kế của cha mẹ và ông bà đã được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Gia đình sử dụng đúng diện tích, không lấn nới thì không lý do gì phải chịu thiệt. Việc các hộ nại ông cố tình cản trở lối đi công cộng là không phù hợp, vì gần đó không quá 30m còn có nhiều lối đi khác. Ông V. cho biết thêm: "Trước kia tôi cho hàng xóm đi nhờ là do tôi cất nhà chưa hết diện tích đất, nay có nhu cầu thì tôi có quyền lấy lại chứ. Chưa kể, qua giải thích của tòa án, tôi còn tự nguyện thương lượng với chủ nhà lân cận đảm bảo một lối đi mới thay thế, có chiều ngang 1,5m cho các hộ và hiện tại tôi đã thực hiện xong. Nếu cứ bắt buộc tôi phải trả lại hiện trạng như cũ thì làm sao chấp nhận được".

Cứ thế, chẳng ai chịu nhường ai. Luật sư viện dẫn điều 280 Bộ luật Dân sự về "Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề để bảo vệ cho quyền lợi của các hộ dân. Theo đó, "Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động liền kề dành cho mình một lối đi thuận tiện và hợp lý ra đến đường công cộng. Người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thỏa thuận khác...". Vì vậy, luật sư cho rằng cần buộc ông V. phải dành lối đi cho đồng nguyên đơn và những người sử dụng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Quan điểm của Viện Kiểm sát đồng tình với việc giữ con đường vì lợi ích chung. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát cho rằng: do ông V. đã thương lượng với chủ đất liền kề "hoán đổi" một lối đi khác bên cạnh lối đi trước đây thì thiện chí này cần được công nhận. Nếu việc đi lại không bị cản trở gì thì đề nghị tòa án nên bác đơn kiện của các nguyên đơn và bào chữa của luật sư.

Cuối cùng, trong phiên tòa sơ thẩm ngày 27/2/2003, TAND thị xã Châu Đốc đã bác đơn khiếu kiện của các hộ dân tổ 21 Vĩnh Tây 1, P.Núi Sam.

Người được mở ra

Phần đường đi tranh chấp giữa nhà bà L.H.M và bà N.T.T (P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) có chiều ngang hơn 5,5m. Trước đây, phần đất này do bà N.T.T và gia đình ông N.P.L cùng sử dụng để đi ra lộ 25. Năm 1984, bà M. mua nhà của ông N.P.L và tiếp tục sử dụng cho tới năm 1986 thì... ngưng, chỉ đi lại bằng đường Gò Dưa. Năm 1995, bà M. mới sử dụng lại con đường cũ để làm lối đi phụ. Sau đó bà T. chuyển nhượng phần đất cho các hộ khác đến ở cũng cùng sử dụng con đường đi ra lộ 25 làm lối đi chung, đồng thời bà M. cũng bán đất cho cháu ruột cất nhà, người này lúc đầu chỉ sử dụng đường Gò Dưa làm lối đi chính nhưng sau này mở phòng trọ cho thuê, nên đã trổ hai cổng phụ ra đường đi chung với bà T. trước đây. Bà T. không đồng ý và tiến hành cho xây cổng rào lại nên xảy ra tranh chấp với bà M.

Nội vụ được chuyển cho UBND Q.Thủ Đức thụ lý. Tại văn bản số 284/QĐ-UB ngày 14/8/2003, chính quyền địa phương tiến hành thẩm tra và công nhận con đường là lối đi chung của cả khu vực, đồng thời giao cho Đội Quản lý đô thị và UBND P.Tam Bình có biện pháp xử lý hành vi xây dựng tường rào, bít đường của hộ bà T. Tiếp theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng có quyết định cho rằng: "Trên thực tế phần đất này không có ai đăng ký nên về nguyên tắc do nhà nước trực tiếp quản lý. Do đó, việc khiếu nại xin sử dụng phần đất này làm lối đi riêng của hộ bà T. là “không có cơ sở giải quyết". Không đồng tình với các quyết định trên, bà T. tiếp tục khiếu nại.

Thay lời kết

Như vậy, có một thực tế là số vụ tranh chấp quyền về lối đi qua bất động sản liền kề kéo dai dẳng vẫn thường xuyên xảy ra ở nhiều địa phương. Chúng tôi nêu hai trường hợp điển hình này để minh chứng cho sự vận dụng chưa đúng luật của một bộ phận người dân:

Ở trường hợp nhất: Các hộ dân Vĩnh Tây 1 kiện ông V. - bà G. ra tòa vì bị bít lối đi chung, với lý do đòi "quyền về lối đi qua bất động sản liền kề" bị xâm phạm là không có cơ sở, bởi đây không phải là lối đi duy nhất của các hộ. Do đó, việc các hộ này bị TAND thị xã Châu Đốc bác đơn là hợp tình hợp lý. Rõ ràng, phần đất của ông V., bà G. là tài sản thừa kế hợp pháp và đã được cấp chủ quyền. Thực chất lâu nay các hộ xung quanh sử dụng đi nhờ (vì các con đường khác đi xa hơn, mất vệ sinh), nên không thể áp dụng điều 280 Bộ luật Dân sự để bắt buộc vô lý với gia đình ông V., bà G. Việc ông V., bà G. đòi đất lại để làm nhà ở là chính đáng.

Ngược lại, trường hợp khiếu nại của bà N.T.T thì không thể chấp nhận khi mà trước đây con đường từng là lối đi chung của mọi người, bà cũng không khẳng định quyền sử dụng đối với phần đất này, thì nay không thể vì bất cứ lý do gì mà bà T. lại tự cho mình được "độc quyền" con đường này được.

Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho người dân trong vận dụng luật nhằm tránh những khiếu kiện kéo dài, đánh mất tình làng nghĩa xóm.

Lê Công Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.