Hãm hiếp - một chiến thuật quân sự ?

13/12/2004 21:34 GMT+7

Lâu nay mọi người vẫn hay nghĩ rằng cướp bóc và hãm hiếp là những "sản phẩm" phụ của các cuộc xung đột vũ trang. Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của Tổ chức n xá quốc tế thì thật sai lầm nếu cho rằng hãm hiếp chỉ đơn giản là để thỏa mãn dục vọng, mà thực ra hành vi này còn là một chiến thuật quân sự được các phe phái tính toán kỹ càng.

Đâu là chiến thuật ?

Hãm hiếp phụ nữ là hành động bộc phát không thể thiếu được trong các cuộc chiến tranh ở các thế kỷ trước, nhưng bản chất của nó đã hoàn toàn thay đổi trong các cuộc xung đột thời hiện đại khi được sử dụng như một công cụ giao chiến. Trong lúc tình trạng này vẫn tồn tại trong các cuộc xung đột đang tiếp diễn tại Colombia, Iraq, Sudan, Chechnya, Nepal và Afghanistan thì việc sử dụng hãm hiếp như một thứ vũ khí đã manh nha từ trước đó khá lâu. Vậy động cơ của các lực lượng vũ trang, bất kể quân chính phủ hay quân ly khai, khi tấn công phụ nữ và trẻ em là gì?

Hãm hiếp thường được dùng trong các cuộc xung đột sắc tộc như là một cách để những kẻ tấn công duy trì sự kiểm soát xã hội của họ về lâu về dài và vẽ lại đường biên giới sắc tộc. Theo bà G.Sahgal thuộc Tổ chức n xá quốc tế thì "phụ nữ được xem là những người tạo ra giống loài và chăm sóc cộng đồng. Vì vậy, nếu một nhóm người nào đó muốn kiểm soát một nhóm người khác, họ thường tìm cách làm cho những phụ nữ thuộc nhóm này mang thai vì họ coi đây là cách để làm suy yếu lực lượng chống đối". Lịch sử không thiếu những bằng chứng chứng minh điều này. Hãm hiếp lần đầu tiên được coi như là một thứ vũ khí là vào những năm 90 trong cuộc xung đột sắc tộc giữa người Serbia và Bosnia: phụ nữ tại Bosnia bị cưỡng hiếp có hệ thống để họ sinh ra con cái mang dòng máu Serbia. Chiến thuật tương tự cũng đã được sử dụng trong một "cuộc tấn công chiến lược" của lực lượng được Pakistan hậu thuẫn trong cuộc chiến giành độc lập của Bangladesh năm 1971 khi ước tính có đến 200 ngàn phụ nữ bị hiếp, với mục đích là làm suy yếu sự thuần chủng của nhóm sắc tộc chống đối. Còn trước đó nữa, quân đội Nhật đã hãm hiếp rất nhiều phụ nữ trong thời kỳ chiếm đóng Nam Kinh (Trung Quốc) vào năm 1937. Năm nay, Tổ chức n xá quốc tế đã tố cáo quân Hồi giáo Janjaweed thân chính phủ tại khu vực Darfur ở Sudan tiến hành hãm hiếp hàng loạt để trừng phạt, làm nhục và kiểm soát những nhóm người không phải là Ả Rập. Những vụ tấn công như vậy khiến phụ nữ và trẻ em phải rời bỏ nhà cửa, dẫn đến tình trạng tan rã cộng đồng và đưa đến nguy cơ nhiễm HIV/AIDS. Bạo lực tình dục còn được dùng để gây mất ổn định các cộng đồng và gieo mầm khủng bố. Tại Colombia, các phe phái đối nghịch đã hãm hiếp và giết phụ nữ cũng như các bé gái nhằm áp đặt "các quy tắc ứng xử nghiêm khắc đối với toàn bộ thị trấn và làng mạc", giúp tăng cường hơn nữa sự kiểm soát của chúng.

Cách thức giải quyết ?

Phụ nữ tại Sudan đang là nạn nhân của “chiến thuật” hãm hiếp.

Bà Sahgal cho biết “chiến thuật” hãm hiếp trong chiến tranh không phải là một hiện tượng gì quá mới mẻ, nhưng chỉ mới gần đây nó mới được thống kê, chủ yếu là tại CHDC Congo, Colombia và Sudan. Tuy nhiên, sau khi những cuộc xung đột chấm dứt, rất ít quốc gia tỏ ra sẵn sàng giải quyết điều thường được xem như là một tội ác đối với riêng phái yếu chứ không phải là một chiến thuật chiến tranh. Tại nhiều nước, sự sụp đổ của hệ thống phááp luật đã khiến các chính phủ không thể đối phó với những cáo buộc hãm hiếp, trong khi tại một số nước khác phụ nữ do quá sợ sự nhục nhã nên đã không dám tố cáo những kẻ hãm hiếp mình.

Các tòa án quốc tế đã giải quyết một số trường hợp ở Bosnia, nơi phụ nữ Hồi giáo bị cưỡng ép thành nô lệ tình dục tại thành phố Foca trong những năm 90 và những vụ khác tại Rwanda. Tuy nhiên, đa số những kẻ thủ ác vẫn còn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Chính vì vậy, đại diện của khoảng 200 ngàn phụ nữ bị ép làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật từ năm 1928 đến khi kết thúc Thế chiến thứ 2 hiện vẫn đang đấu tranh để đòi bồi thường.

Cuối cùng, dù người phụ nữ bị lực lượng chiếm đóng chĩa súng vào đầu để hãm hiếp hoặc bị biến thành nô lệ tình dục thì sự lạm dụng này không chỉ làm biến đổi cuộc đời của chính nạn nhân (những thương tổn về tâm - sinh lý, bệnh tật, sự xa lánh của xã hội và những hậu quả khôn lường khác) mà còn ảnh hưởng tới cả tương lai cộng đồng của người này trong những năm sau đó.

Xuân Anh
 (BBC)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.