Thất bại của tuyển Việt Nam trước Indonesia: Hãy can đảm nhìn vào sự thật

12/12/2004 09:58 GMT+7

Việc tuyển Việt Nam thất bại trước tuyển Indonesia 3-0 tại Tiger Cup 2004 là một sự thật không thể chối cãi. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến trận thua đáng xấu hổ này là do đâu? Có lẽ chúng ta phải nhìn rõ hơn về nguồn gốc của sự thất bại này, để những trận cầu quan trọng sau này không còn lặp lại như vừa qua. Sau đây là các ý kiến của bạn đọc Lâm Bình Duy Nhiên, Trần Hoàng Sơn và Trần Đức Hưng gửi về cho chúng tôi xung quanh vấn đề này.

Bạn Lâm Bình Duy Nhiên viết: "Có thể nói đêm 11/12 là đêm đáng nhớ cho nền bóng đá Việt Nam. Đáng nhớ ở đây không phải là đội tuyển Việt Nam vừa lập nên một kỳ tích nào đó mà chính là họ vừa trải qua một thất bại đáng gọi là xấu hổ cho lịch sử bóng đá quê nhà.

Thắng thua là lẽ thường tình trong cuộc sống và nhất là trong thể thao. Nhưng cái đáng quí chính là cách thua. Chúng ta có thể thua khi đã làm hết sức mình. Thua khi đã thử nhiều phương án hay đơn giản chỉ vì đối thủ quá mạnh. Nhưng hôm nay, đội tuyển Indonesia có quá mạnh đối với đội tuyển quốc gia Việt Nam không? Tôi tin là không dẫu rằng họ chơi tốt và hiệu quả hơn chúng ta. Vậy điều đáng nói là chính ở cách chơi cũng như phong độ của đội nhà đã làm bàng hoàng toàn thể những người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Ngay cả những cổ động viên trung thành nhất của Indonesia cũng không dám "mơ" đến một kết quả như vậy.

Chúng ta không thể đổ lỗi cho các tuyển thủ. Huỳnh Đức đã làm hết sức mình. Chính đội tuyển gọi anh trở lại và anh đã cống hiến nhiều cho đội tuyển. Lại càng không thể luyến tiếc cái tên Văn Quyến vì sự việc đã qua, nếu không thì anh sẽ không bao giờ trưởng thành và thay đổi.

Thất bại hôm nay, người chịu trách nhiệm nặng nhất chính là huấn luyện viên trưởng Tavares. Cách cầm quân của ông đã hoàn toàn sụp đổ. Ông không có cái tài của người tướng cầm quân ra trận. Ông không biết cách "đọc" trận đấu để tìm ra những phương sách tối ưu hòng lật ngược thế cờ... Trách nhiệm của ông chắc chắn sẽ được mổ xẻ bởi những nhà chuyên môn một cách cụ thể... Nhưng có vẻ quá dễ dàng khi đội bóng thất bại thì ta lại qui trách nhiệm lên đầu của người cầm tướng. Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải nhìn rõ hơn cái gọi là nguồn gốc của sự thất bại đớn đau ngày hôm nay.

Đây không phải là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam thất bại. Kể từ khi hội nhập với thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, chúng ta đã từng đau tức tưởi khi thua người Thái hay người Singapore trong những trận cầu quan trọng. Những sự thất bại ấy dường như đã vào qui luật của bóng đá Việt Nam. Nguyên nhân mà có thể chúng ta đã nhìn thấy nhưng chưa đủ can đảm để nói lên đó chính là sự điều hành lạc hậu, vô trách nhiệm của những lãnh đạo của liên đoàn bóng đá Việt Nam. Chưa bao giờ họ có những đường lối cụ thể cho tương lai của bóng đá quê nhà. Họ xây dựng những mục tiêu ngắn hạn, chỉ để đạt được những mục đích "nhỏ bé" trước mắt: huy chương ở SEA Games, Tiger Cup... Từ đó họ tuyển chọn huấn luyện viên cũng theo phong cách ấy: vài tháng trước giải, cùng lắm một năm, hi hữu lắm là 2 năm nhưng lại bị khước từ (lạ thay lại chính là huấn luyện viên Tavares!). Với lề lối làm viện thiển cận và lạc hậu như thế thì làm sao đạt được những kết quả lớn được?

Hiếm có quốc gia nào trên thế giới có cách tuyển mộ người cầm quân như ở Việt Nam. Dẫu cho có tài đến đâu cũng không thể thành công. Vậy thì làm sao trách được huấn luyện viên tin dùng cựu binh. Đơn giản vì họ có kinh nghiệm hơn, và có thế mới hy vọng đạt được thành tích... Có bao giờ những nhà lãnh đạo bóng đá Việt Nam dám mời hoặc tin tưởng vào một ai đó để giao vận mệnh của bóng đá quê nhà vào họ với những hợp đồng dài hạn (3-4 năm)? Có khi nào họ có những kế hoạch cụ thể để phát triển tương lai của bóng đá Việt Nam? Loay hoay vẫn chỉ là những giải đấu khu vực, những giải đấu nhỏ".

Đồng ý kiến với bạn Lâm Bùi Duy Nhiên nhưng bạn Trần Hoàng Sơn (GV) đã đi thẳng vào vấn đề và đưa ra câu hỏi ngay từ đầu: "Trách nhiệm của LĐBĐVN ở đâu?", bạn viết: "Trận thua Indonesia tối 11/12 mọi sự đã rõ ràng, chúng ta thua toàn diện. Trong đó trách nhiệm lớn nhất là ở HLV. Tuy nhiên điểm qua các báo sáng 12/12, chúng tôi thấy các quan chức liên đoàn dường như cho rằng mình chẳng có lỗi gì? Có vị còn "cảm thấy tiếc" vì "không thể can thiệp vào công việc của HLV vì tôn trọng (!)"... Thực sự quyền quyết định "phải" là của HLV, điều đó không có gì phải bàn cãi, tôi thấy câu nói của vị quan chức này dường như có ý muốn tạo tiền đề để sau này LĐBĐ lại thoải mái can thiệp thô bạo vào việc của HLV như trước kia.

Vấn đề ở đây là phải xem lại các quyết định sai lầm có hệ thống một cách cố ý và bỏ qua dư luận của các vị ở LĐBĐ khi đầu tiên loại bỏ HLV Calisto chỉ vì ông này không cho họ can thiệp vào việc của mình. Tiếp theo là việc thương thuyết với Peter Withe, các ngài không chịu nỗ lực vì khi đang thương lượng thì "với" được ông Tavares. Rồi còn cái việc chưa từng ai làm là bắt các cầu thủ tập trung cả 6 tháng trời chỉ để tập tập và tập. Rất hiếm cọ sát. Trong khi đó nếu cứ để họ ở CLB nhà và tham gia giải V-League tiếp có phải họ vẫn được cọ sát đỉnh cao thường xuyên không? Các giải giao hữu đâu có ý nghĩa gì. Các giải vòng loại World Cup nhìn thì có vẻ đỉnh cao nhưng thực tế chẳng có ý nghĩa gì vì chúng ta đã không tính đến. Đó chính là lý do vì sao Việt Nam khi đá giao hữu, vòng loại World Cup lại có những trận rất hay mà đến khi đá Tiger Cup lại dở. Đó là do các cầu thủ không quen chịu áp lực tâm lý. Chưa kể đến một số quyết định xử phạt nhiều cầu thủ trẻ tài năng mà "không có bằng chứng thuyết phục", chỉ thuần túy theo cảm nghĩ của các ngài.

Đó là một vài điểm mà qua đó ta có thể thấy sai phạm có hệ thống của LĐBĐ. Tôi kính mong quý báo gióng lên một hồi chuông báo động. Đừng để LĐBĐ lấp liếm bằng cách cứ đổ hết lỗi cho HLV".

Đội tuyển Việt Nam thất bại: Trách nhiệm thuộc về ai? Đó chính là tựa đề bức e-mail của bạn Trần Đức Hưng gửi về cho chúng tôi. Có thể nói, không hẹn mà gặp cả bạn Hưng và bạn Sơn đều đưa ra các nguyên nhân thất bại của đội rất sát nhau, bạn Hưng viết:

"Đội tuyển chúng ta thua, vâng, ai cũng buồn. Nhưng các bạn không thể đổ hết trách nhiệm, hay chỉ trích cá nhân. Điều quan trọng là chúng ta rút ra được những bài học gì (dù có những bài học không có gì là mới).

Ai cũng nói HLV Tavares mắc sai lầm trong bố trí cầu thủ, vậy xin thưa vai trò của Ban huấn luyện người Việt trong đội tuyển ở đâu (?) Các vị hỗ trợ cho HLV trưởng, cùng tham gia quá trình luyện tập của đội tuyển thì các vị phải có ý kiến chứ? Hình như chẳng ai có ý kiến gì cả (!?) Cứ im lặng, có cảm giác các vị chỉ là những "thông dịch viên" cho đội tuyển.

Điều thứ 2 là về việc tập trung đội tuyển dài ngày (6 tháng), điều này hầu như chưa thấy một quốc gia nào làm như vậy. Lúc trước, cũng có vài bài báo phản ứng trước việc này, nhưng rồi có ai chịu nghe, để rồi ngày hôm nay, chúng ta thấy được việc tập trung dài ngày ảnh hưởng (dù gián tiếp) đến đội tuyển như thế nào. Trong bóng đá, không đơn giản như việc học của các học sinh, cứ học nhiều là tốt. Điều này thể hiện sự yếu kém trong tầm nhìn cũng như trong sắp xếp kế hoạch của LĐBĐ.

Điều thứ 3 là cách xử sự của những "người lớn" trong LĐBĐ. Tối ngày 11/12 thì tôi nghe được một vị tuyên bố "sẽ chấm dứt ngay hợp đồng đối với HLV Tavares sau Tiger Cup", rồi sáng ngày 12/12 lại nghe 1 vị tuyên bố về việc "bán độ của HLV"... Thiệt là nực cười. Những phát biểu như thế không hề có lợi cho đội tuyển trong thời điểm này, thời điểm Tiger Cup chưa kết thúc. Nói thật, các vị là những nhà lãnh đạo, nhưng cách xử sự thì chẳng giống như một nhà lãnh đạo. Hãy xem HLV Indonesia, người ta còn tôn trọng HLV Tavares, còn các vị, các vị đang chà đạp, vạch áo cho người xem lưng, chĩa mũi dùi vào "đồng minh" của mình".

TNO

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.