Hùng “xì tẹc” và đường dây buôn lậu xăng dầu lớn nhất từ trước đến nay

31/10/2004 21:18 GMT+7

Như báo Thanh Niên ngày 31/10 đã đưa tin, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Bộ Công an đã đồng loạt ra quân đột phá vào các đơn vị tiêu cực thuộc Tổng công ty Hàng không và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Đây cũng là chặng cuối của quá trình điều tra, bóc gỡ toàn bộ chân rết liên quan đến tập đoàn buôn lậu xăng dầu quy mô lớn nhất từ trước đến nay do Trần Thế Hùng (tức Hùng "xì tẹc") cầm đầu.

Hùng "xì tẹc" sinh năm 1956, quê tại An Giang; xuất thân từ nghề làm ruộng, sau đó theo học Đại học Y - Dược, làm cán bộ của Bệnh viện huyện Châu Thành rồi chuyển sang công tác tại Công ty xuất khẩu Long Xuyên (An Giang) và Tổng công ty đầu tư xuất nhập khẩu tổng hợp (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn). Năm 1996, Hùng bỏ việc và mua 2 tàu biển thành lập Doanh nghiệp tư nhân Nhật Giang đặt trụ sở tại TP Long Xuyên để lao vào các phi vụ buôn lậu xăng dầu. Đến năm 2000, sau khi Dũng "bùa" (tức Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1952, quê gốc huyện Cai Lậy, Tiền Giang) thôi làm giám đốc Công ty kinh doanh tổng hợp huyện Cai Lậy, mở Công ty TNHH Thành Phát, Hùng "xì tẹc" đã lập tức hùn vốn để trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị và thâu tóm luôn mọi hoạt động của Công ty Thành Phát.

Thủ đoạn táo bạo đầu tiên của "liên doanh" này là thuê khu đất của Huyện ủy Cai Lậy tại xã Tam Bình để xây dựng kho chứa xăng lậu chờ bán ra thị trường. Từ bước ngoặt này, Hùng "xì tẹc" tậu thêm 7 chiếc tàu biển (trọng tải từ 500 - 1.000 tấn) và trở thành "bố già" số một trong lĩnh vực buôn lậu xăng dầu. Tài liệu điều tra của Công an tỉnh Tiền Giang cho thấy chỉ trong 4 năm (từ 1998 - 2002), tập đoàn buôn lậu do Hùng "xì tẹc" cầm đầu thực hiện trót lọt gần 50 chuyến buôn lậu với khối lượng 30.464,245 tấn xăng dầu, trị giá hàng hóa phạm pháp lên đến hơn 5,2 triệu USD.

Tất nhiên, đi liền với các hoạt động buôn lậu của Hùng "xì tẹc" là những thủ đoạn móc nối, đưa hối lộ để vô hiệu hóa những cán bộ có liên quan cũng như liên minh với một số doanh nghiệp nhà nước có cùng chức năng để "phù phép" chứng từ, che đậy các hành vi phạm tội. Điển hình là Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương (An Giang) - cửa ngõ kiểm duyệt hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới Việt Nam - Campuchia đã tê liệt trước sức “công phá” bằng vật chất của tập đoàn Hùng "xì tẹc". Nguyên chi cục trưởng Phạm Quang Mậu (bị bắt giam từ ngày 28/10/2002) đã ký xác nhận khống hồ sơ 45 tàu xăng dầu tái xuất sang Campuchia, giúp Hùng "xì tẹc" ung dung để lại toàn bộ số hàng này bung ra bán trong nước. Đổi lại, ngoài số tiền mặt 4,5 tỉ đồng, Mậu còn được tặng thêm chiếc Toyota Camry biển số 52T - 1468, chiếc Honda @ biển số 52P7 - 1008 và 15 chỉ vàng. 2 nhân viên Đội giám sát là Tô Châu Hoàn và Trần Minh Phúc mỗi người cũng được bồi dưỡng hơn 100 triệu đồng.

Đầu năm 2002, Công ty Xuất nhập khẩu vật tư đường biển (thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) ký hợp đồng tái xuất, bán lô hàng dầu DO tạm nhập cho Công ty Savimex (Campuchia) thì đã rơi ngay vào "mánh" của tập đoàn Hùng "xì tẹc". Y đã bắt tay với Công ty Savimex và móc nối với Lê Hồng Long (Phó giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu của Công ty Xuất nhập khẩu vật tư đường biển - bị bắt giam từ tháng 10/2002) cùng 2 giám định viên của Công ty giám định Vinacontrol là Lê Minh Phượng và Nguyễn Minh Hưng thực hiện trót lọt thủ đoạn "tráo 3.000 tấn nước lã thay cho dầu DO tái xuất", thu lợi hơn 2 tỉ đồng và 60.000 USD chia nhau. Riêng thương vụ này Lê Hồng Long được hưởng 70 triệu đồng, Lê Minh Phượng và Nguyễn Minh Hưng được hưởng mỗi người 65 triệu đồng. Kết sổ sau 2 năm "bán linh hồn" cho tập đoàn buôn lậu, 4 giám định viên đã nhận hối lộ một số tiền chóng mặt: Nguyễn Minh Hưng hơn 1,3 tỉ đồng; Lê Minh Phượng hơn 800 triệu đồng; Nguyễn Quốc Dũng và Lê Quý Anh Quang (đều là giám định viên Công ty giám định SGS Việt Nam) mỗi người cũng được vài trăm triệu đồng. Đặc biệt, gần như toàn bộ ê-kíp lãnh đạo của Công ty Xuất nhập khẩu vật tư đường biển, từ Giám đốc Nguyễn Đình Lợi (bị bắt giam tháng 12/2002), Phó giám đốc Đỗ Như Quế (vừa bị bắt hôm 29/10/2004, cùng với Phạm Quang Khiêm, nguyên Trưởng phòng tài chính - Kế toán)... đều có tên trong hệ thống chân rết của Hùng "xì tẹc" và đều được chia chác những khoản tiền không nhỏ.

Ở một hướng khác, cơ quan điều tra còn phát hiện những dấu hiệu liên quan của Lê Hữu Trí (cán bộ Công ty Xăng dầu khu vực II) trong việc cùng với 2 giám định viên của Công ty giám định SGS Việt Nam làm chứng thư giám định giả 10 tàu xăng dầu cho Công ty Savimex theo đúng "kịch bản" của Hùng "xì tẹc" để nhận tiền. Viện KSND tỉnh Tiền Giang đã tống đạt cáo trạng truy tố vợ chồng Hùng "xì tẹc" cùng 25 đồng phạm khác ra tòa về các tội "buôn lậu", "đưa - nhận hối lộ"... song mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Và việc bắt giữ 4 cán bộ của 2 đơn vị kinh doanh xăng dầu thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam liên quan đến Hùng "xì tẹc" sáng 30/10 vừa qua đã chứng tỏ thái độ rất kiên quyết của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc bóc gỡ toàn bộ tập đoàn tội phạm này.

Võ Khối

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.