Trò chuyện với thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký: Sự cảm phục chính là điểm tựa của tình yêu

23/10/2004 21:27 GMT+7

Thầy Nguyễn Ngọc Ký đích thân ra cổng, dùng chân nhẹ nhàng mở cánh cửa sắt nặng trịch, mời chúng tôi vào nhà. Trong nhà, con cháu quây quần trong bữa cơm tối. Chúng tôi vào phòng của thầy. Một căn phòng đơn sơ, đồ đạc đơn giản, có rất nhiều sách. Chúng tôi cùng uống trà, ăn trái cây và trò chuyện. Những hoạt động của thầy bằng hai chân rất khéo léo, thành thục đến độ đáng khâm phục.

Thầy Ký nói, mình có thể làm mọi việc như người bình thường. Cuộc đời ông, một Nhà giáo Ưu tú, một nhà thơ, ẩn chứa biết bao nhiêu điều lý thú.

Thầy Ký hướng vào bức ảnh trên tường: "Đây là hình bà xã mình cùng gia đình chụp kỷ niệm 30 năm ngày cưới. Chụp xong ít lâu thì bà ấy mất". Câu chuyện của hai người là một tình yêu "sét đánh", đầy cảm động. Chàng giáo viên trẻ gặp cô giáo trẻ xinh đẹp, cả hai đã xiêu lòng. Và cô cũng tự tìm đến nhà anh. Gia đình anh phản đối vì cho rằng cô gái kia sức khỏe kém, con trai họ thì hoàn cảnh như thế, ắt sẽ khổ khi lấy nhau. Nhưng họ đã đấu tranh quyết liệt để đi đến hôn nhân. Năm 1994, vợ thầy bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người. Ngay từ hồi đó, biết mình sẽ chết sớm, cô dặn dò, gửi gắm em gái gắng thay chị lo cho chồng. Sáu năm sau, vợ thầy qua đời và họ đã làm theo lời trăng trối của người quá cố. Chị Đậu cũng từng sống trong cảnh 15 năm góa bụa nuôi 2 con khôn lớn.

Dù không thể lao động bằng hai bàn tay lành lặn nhưng thầy Ký luôn là trụ cột trong gia đình: vừa kiếm tiền, lo cho gia đình, lại là chỗ dựa vững chắc cho các con. Thậm chí, khi người vợ trước ngã bệnh, 7 năm trời nằm một chỗ, thầy vừa phải đi làm, vừa dọn dẹp nhà cửa, giúp vợ tắm giặt, thay đồ... Thầy nói, giọng pha chút hài hước: "Có lúc một mình mình làm nuôi 6 người: nuôi người giúp việc, con trai đi học một lúc 2 trường đại học, thuê một bác sĩ riêng cho vợ, "thuê" riêng một anh xe ôm để ngày ngày anh ta chở đi làm. Khó khăn là thế nhưng lúc nào mình cũng vui vẻ". Thầy Ký cười phá lên, tiếng cười thật sảng khoái.

Chị Đậu vốn là người khỏe mạnh, chịu thương chịu khó. Từ khi tục huyền, thầy không phải lo việc nhà nữa mà tập trung vào công việc của người thầy giáo, rồi viết văn thơ, làm nhân viên tư vấn cho đài 1088. Thầy Ký kể: “Đã có người hỏi tôi, bí quyết hạnh phúc là gì? Theo tôi đó là "vui từ đầu ngõ vui ra, vui từ ngã bảy ngã ba vui về", con người hòa mình vào xã hội thì đầy ắp niềm vui, nhưng khi về với gia đình nhiều khi thấy đó là bi kịch. Phải làm sao thấy được khi về với gia đình cũng là niềm vui không đâu sánh bằng thì đó là hạnh phúc".

Trong gia đình, không ai khác chính thầy Ký là người luôn tạo ra niềm vui. Thầy là người hài hước, dí dỏm và thích tạo ra những bất ngờ nho nhỏ trong cuộc sống lứa đôi. Đó là sợi dây liên kết các thành viên lại với nhau.

Riêng bản thân thầy Ký rất tâm đắc và thực hiện theo câu nói của một triết gia Ấn Độ: "Khát vọng trí tuệ đem đến lòng cảm phục, khát vọng tâm hồn sẽ đem đến sự tươi trẻ, khát vọng thể xác sẽ đem đến sự tiếp cận". Trong đời sống vợ chồng thầy luôn thực hiện đúng cả ba điều này. Đôi vợ chồng không còn trẻ nữa nhưng vẫn luôn tràn đầy hạnh phúc khi ở bên nhau. Chẳng hạn, khi vợ mặc áo cho chồng thì chồng "mi" vợ một cái, khi đi làm về cũng phải tìm cách "bày tỏ tình cảm". Viết xong một bài thơ hay bài báo thầy đều đưa cho vợ "duyệt" trước. Những nhận xét của vợ khiến thầy khâm phục. Thầy Ký nói: "Niềm cảm phục chính là điểm tựa vững vàng của tình yêu".

Hiện nay, thầy Ký là giáo viên trường Bồi dưỡng giáo dục Gò Vấp. Trước kia, khi trực tiếp đứng lớp, ngày ngày thầy giáo Ký viết sẵn lên một tấm bảng, lấy những tấm giấy trắng che đi. Mang tấm bảng đó đến lớp, dùng hệ thống dây kéo cân bằng trọng lực, thầy giảng đến đâu thì dùng chân kéo sợi dây, tờ giấy che từ từ tụt xuống và hàng chữ hiện ra. Nhưng, với thầy Ký, điều quan trọng là điều gì sẽ đọng lại trong đầu học sinh. Trong giảng dạy, thầy là người luôn tìm tòi, sáng tạo những cái mới lạ. Có học trò cũ khi gặp lại thầy đã xúc động thú nhận: Giờ giảng văn của thầy luôn tạo cho học sinh những điều bất ngờ ngoài sách vở làm anh nhớ mãi, nhờ những bài giảng đó mà anh trưởng thành lên rất nhiều trong tư duy đồng thời sống nhân văn hơn.

Với ba đứa con của mình, ngay từ thuở thơ ấu thầy đã hướng chúng vào thế giới của lời ru, của những câu chuyện cổ tích. Thầy "bịa" ra những chuyện cổ tích gần gũi với hoàn cảnh của trẻ: tham ăn, không vâng lời... để giáo dục con, đố con qua những câu đố dí dỏm. "Quan trọng nhất là phải gieo vào lòng trẻ sự ham thích tư duy, ham đọc sách báo. Do đó sau này mình chỉ phải nhắc con đi ngủ sớm chứ không phải giục con học bài". Thầy Ký nói. Những đứa con thầy đều ham đọc sách. Ngày nhà thầy còn ở ngoài Bắc, các con thầy đi chăn trâu, cắt cỏ cũng mang sách đi theo để đọc. Cả ba con đều học giỏi và nay đều thành đạt. Đến nay, thầy lại dạy các cháu mình theo hướng đó: Gieo vào lòng trẻ sự ham thích tư duy.

Tâm hồn thầy Ký rất tươi trẻ. Thầy có nhiều câu đố vui rất dí dỏm mà cũng rất hóc búa như:

Con gì bốn cẳng chạy nhanh

Suốt đời ngủ đứng nổi danh đá tài ?

Và những bài thơ ba câu đầy triết lý về chiến tranh:

Em bé quên cười

Cụ già quên lau nước mắt,

Những nén nhang quên tắt

Nguyễn Ngọc Ký đã xuất bản nhiều tập thơ và câu đố. Tác phẩm của thầy được học sinh và phụ huynh rất yêu thích. Ngày ngày, sau khi các công việc đã hoàn thành, thầy lại cặm cụi bên máy vi tính làm việc hoặc trả lời những thắc mắc cho thính giả. Thầy sử dụng vi tính cũng rất thành thạo. Ngồi trên chiếc ghế rất cao, thầy kẹp hai chiếc bút vào hai chân và bắt đầu đánh máy. Thầy cho biết, sắp tới thầy được VTV3 mời tham gia chương trình chuyện lạ Việt Nam, về khả năng phi thường của một người bị tật bẩm sinh đã sinh hoạt và làm việc rất xuất sắc.

Cuộc sống của thầy, từng khoảnh khắc đều là niềm vui và tràn đầy ý nghĩa.

Hồng Dung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.