Tiệm ăn Việt giữa thủ đô Jakarta

09/10/2004 23:20 GMT+7

Thì ra ở xứ sở của 17.000 hòn đảo rợp bóng dừa này, cũng có thức ăn Việt Nam, và hơn thế nữa, còn được coi như quán "đặc sản" của tầng lớp trung lưu của thủ đô nước bạn.

Sau những ngày trao đổi, thảo luận kéo dài, mấy giáo sư ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) của Indonesia có nhã ý mời đoàn chúng tôi đi ăn tối. Ngồi trên xe, chỉ nghe bạn nói với lái xe bằng tiếng Indonesia nên chúng tôi không biết sẽ đi đâu. Khoảng nửa giờ sau (thủ đô Jakarta cũng có cảnh kẹt xe như TP Hồ Chí Minh mình), xe chạy đến một khu vực tựa như phố cổ của Hà Nội và dừng trước một nhà hàng. Bước xuống xe, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là tấm biển lớn trên mái nhà, kết đèn rực sáng, viết bằng 2 thứ tiếng (tiếng Indonesia viết to hơn ở trên, tiếng Anh viết nhỏ hơn ở dưới): "Vietnamese Restaurant".

Ngôi nhà một tầng, kiến trúc theo kiểu Indonesia, có một khoảng trống khá rộng ở giữa theo kiểu "giếng trời" để thông gió, khá đẹp và rộng. Phòng đón khách và phòng ăn lớn khá đông khách ăn, thấy cả những gia đình quây quần ở các bàn. Tường sơn màu sáng, và điểm xuyết trên tường là mấy bức tranh màu vẽ phong cảnh Việt Nam: những hàng dừa soi bóng bên dòng kênh, cô gái mặc quần đen, áo bà ba thon thả chèo thuyền, em bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo... Tự dưng trong lòng thấy bồi hồi một cách khó tả, cứ như sắp được gặp lại người thân sau một chuyến đi dài ngày...

Chúng tôi được mời vào phòng VIP, nhỏ hơn, có gắn máy lạnh, và cũng bởi cả chủ lẫn khách chỉ có 10 người. Mấy cô gái Indonesia mặc trang phục dân tộc ra chắp tay trước ngực chào và đặt lên bàn những chiếc khăn ướp lạnh. Biết chúng tôi "nôn nóng vì tò mò" nên giáo sư S. chậm rãi giải thích: "Nhiều năm trước đây, có một cặp vợ chồng người Việt Nam tới thủ đô Jakarta lập nghiệp. Ban đầu, họ mở một quán ăn nhỏ bán "cơm bình dân" với những món ăn chế biến theo kiểu Việt Nam: chả giò, hủ tiếu, lẩu cá... Những món ăn đó rất hợp khẩu vị của người Indonesia vì các bạn biết đấy, dừa ở đây rất sẵn, nghề đánh cá cũng phát triển vì Indonesia có tới hơn 17.000 hòn đảo lớn nhỏ. Người Indonesia chúng tôi cũng ăn cơm, và hằng năm đều nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Công việc làm ăn phát đạt, cặp vợ chồng người Việt bèn mở rộng, mua lại nhà hàng này, sửa sang ngày một lớn, thuê thêm người Indonesia vào làm. Nhưng khi đã khá giả, hình như người ta cảm thấy không thể sống thiếu quê hương, xứ sở, nên họ đã tuyển thêm người, truyền nghề lại cho bạn bè Indonesia, rồi bán lại cửa hàng để trở về Việt Nam sống những năm cuối đời. Trong ngôn ngữ Indonesia có câu phương ngôn "lá rụng về cội" là như vậy".

Vị giáo sư gọi chủ cửa hàng ra hỏi một hồi (mà chúng tôi chỉ nghe loáng thoáng được mấy cái tên "Việt Nam", "Sài Gòn", "Hồ Chí Minh"... vì cả hai nói bằng tiếng Indonesia), và sau khi ông chủ cửa hàng chắp tay trước ngực chào từng người trong đoàn chúng tôi, giáo sư S. giải thích tiếp:

"Ông bà chủ nhà hàng người Việt Nam đã về nước từ hơn 10 năm nay. Lúc đầu, có thư từ sang đây, gửi từ Sài Gòn, tức TP Hồ Chí Minh. Nhưng sau đó, nghe tin cả hai ông bà đã qua đời vì tuổi già. Những người kinh doanh restaurant này hiện nay đều là người Indonesia, nhưng vì tình cảm trân trọng đối với ông bà chủ cũ người Việt Nam nên vẫn giữ tên "Restaurant Vietnam", vẫn cố gắng giữ nguyên những công thức chế biến món ăn Việt Nam mà họ đã được truyền lại từ trước".

Thì ra là thế. Restaurant Việt Nam này chỉ mang "dấu ấn" của người Việt Nam, cốt cách của người Việt Nam mình truyền lại cho bạn bè Indonesia. Giữa thủ đô Jakarta nhưng trước mặt chúng tôi vẫn có những đôi đũa mun, những chén nước mắm xinh xinh điểm vài lát ớt đỏ thắm, thế là đủ rồi. Còn chất lượng món ăn, thực lòng chúng tôi không quan tâm lắm, và tất nhiên không thể so sánh với những quán ăn ở TP Hồ Chí Minh quê nhà. Chả giò gói lớn hơn, nhân bằng thịt gà (bởi ở đây là quốc gia theo đạo Hồi, không ăn thịt heo), nồi lẩu cũng có gia vị hơi khác... nhưng không hề gì, bởi đây là sự học lại, là tấm lòng của đôi vợ chồng người Việt Nam xa xứ muốn giữ lại một cái gì mang tính chất và đặc điểm quê hương trên đất bạn.

Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh những kỷ niệm về tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Mấy giáo sư cao tuổi của bạn thích thú nhắc lại dịp năm xưa đã được đi đón "Pa-man Hồ" (Bác Hồ) thời Bác sang thăm chính thức Indonesia, những xúc động về sự giản dị và sức thu hút quần chúng của Người. Chúng tôi kể lại với bạn về "Bung Các-nô" (Chú Các-nô, tức Tổng thống Suekarno, mà Bác Hồ thân mật giới thiệu với nhân dân Hà Nội vì hai vị nguyên thủ quốc gia đã kết nghĩa anh em), về bài hát theo nhịp chèo thuyền "Sing sing so" mà đích thân Bung Các-nô đã dạy cho các cháu văn công Việt Nam thời đó, khi tổng thống sang thăm Việt Nam. Chủ tiệm ăn đứng ở góc phòng nghe được câu chuyện, gọi ngay một nhạc công mang cây vĩ cầm vào phòng, và cả chủ lẫn khách đều say sưa hát theo tiếng vĩ cầm réo rắt những ca khúc quen thuộc "Bên dòng sông Solo", "Nam Dương thân yêu", "Butet" (điệu ru con của đảo Sumatra)... mà chúng tôi còn nhớ từ thời trai trẻ. Tôi hỏi người nhạc công có biết ca khúc nào của Việt Nam, ngay lập tức anh ta cúi đầu chào và kéo bài Ru con Nam Bộ một cách thành thạo và truyền cảm.

Ngồi trên đất Nam Dương (tên cũ mà ta thường gọi Indonesia), trong Restaurant Việt Nam, nghe một điệu dân ca Việt Nam... tất cả chúng tôi đều cảm thấy một cái gì da diết, vời vợi, gợi thương gợi nhớ đến nao lòng. Không hiểu sao tôi cứ cố hình dung lại cảnh hai vợ chồng người Việt Nam nào đó đang ân cần, chăm chú hướng dẫn cho mấy người bạn Indonesia cách nấu món ăn Việt Nam, cố tạo ra và giữ lại một hương vị quê hương, để bao nhiêu năm sau, chúng tôi có dịp ngồi đây, vừa thích thú, vừa pha một chút tự hào về quê nhà, về xứ sở... Nói rằng Restaurant Việt Nam này là một biểu hiện cụ thể của tình hữu nghị giữa hai dân tộc, rằng tình cảm của hai vợ chồng già quê ở TP Hồ Chí Minh với những người bạn Indonesia đã góp phần - dù nhỏ nhoi - vào việc xây dựng tình hữu nghị đó... có người bảo là "thổi phồng", là "nói quá lời", nhưng thử hỏi tình hữu nghị đó giữa người Việt Nam với người Indonesia đã từ đâu đến, từ những mạch ngầm nào để góp lại thành một con suối, một dòng sông ? Lại nữa, để có một tiệm ăn lớn, một tiệm ăn đặc sản, mang tên "Việt Nam" giữa thủ đô Jakarta trên dưới 10 triệu dân - mà nay ta thường nói với nhau là "xây dựng thương hiệu" - đâu phải chuyện dễ dàng ? Sự đóng góp âm thầm, vô hình và đa dạng đó của bà con Việt kiều mình, cứ ngẫm mà xem, lớn lắm chứ !

Nguyễn Lê Bách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.