Thông tin về dịch cúm gà

10/01/2004 22:59 GMT+7

Dịch cúm gà lan trên diện rộng ở Long An, Tiền Giang và một số địa phương đang gây xôn xao dư luận. Các cơ quan chức năng và chuyên môn đang tích cực cùng các địa phương dập tắt dịch bệnh. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu các ngành, các cấp có biện pháp hữu hiệu phòng chống và ngăn không cho dịch bệnh lây lan. Việc tổ chức phòng chống dịch đang được tiến hành ráo riết.

Tuy nhiên, theo dõi diễn biến của dịch bệnh và các động thái của các cơ quan có trách nhiệm, dư luận không khỏi có những băn khoăn.

Trước hết là sự chậm chạp của các cơ quan có trách nhiệm trong việc đối phó với dịch bệnh. Từ ngày 18/12/2003, người dân đã đưa mẫu bệnh của gà đi xét nghiệm và báo với cơ quan có trách nhiệm của địa phương ở Long An biết, nhưng mãi đến ngày 2/1/2004 Cục Thú y mới chính thức nhận được báo cáo của địa phương. Tuy Cục này đã "họp với các chuyên gia đầu ngành về thú y để xác định bệnh", nhưng không hiểu sao mãi đến ngày 7/1/2004 vẫn không công bố được tên bệnh. Cũng đến thời điểm ngày 7/1, mặc dù có thông tin bệnh có khả năng lây lan sang người, nhưng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế vẫn chưa nhận được văn bản thông báo kết quả xét nghiệm. Cũng cần phải biết thêm, như Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ trả lời một tờ báo rằng "thực tế cúm gà đã lai rai vài ba tháng nay rồi" ở các tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang, rằng Bộ này đã "tập trung xử lý và đã khoanh được rồi nhưng chưa xác định được nguyên nhân ban đầu" và hiện nay Bộ cũng đang xem xét cúm gà ở phía Bắc "có liên hệ gì với bệnh gà ở các tỉnh ĐBSCL không". Chúng tôi dẫn thông tin đó để thấy rằng từ khi phát hiện ra dịch cúm cho đến khi các cơ quan chức năng “ra tay” là một khoảng thời gian rất lâu. Và cho đến ngày 8/1/2004, trong công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc phòng chống dịch có yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp với các ngành, kể cả các tổ chức nước ngoài "sớm xác định loại chủng gây bệnh để có biện pháp phòng, chống bệnh phù hợp, hiệu quả".

 

Mặc dù cơ quan có thẩm quyền chưa công bố chính thức nguyên nhân gây dịch, nhưng Trưởng khoa Virus Viện Thú y, ông Nguyễn Tiến Dũng khi trả lời báo chí, cho biết đã "xác định được bề mặt" của virus, đó là typ H5 (còn bề mặt của proretein N và một số gien của các proretein khác trong virus thì chưa biết). Ông Dũng cũng khẳng định: "H5 tức là cúm gà, trùng với typ cúm gà ở Hồng Kông". Và theo ông Dũng thì H5 ở Việt Nam không chỉ gây chết gà mà còn gây chết ngan, vịt và điều này là "chưa từng xảy ra". Còn khả năng lây bệnh sang người, ông Dũng cho là "rất thấp". "Rất thấp" chứ không phải là không có. Khả năng "rất thấp" đó trong vụ dịch cúm gà ở Hồng Kông năm 1997 là 18 người bị lây bệnh, trong đó có 6 người chết. Vụ cúm gà ở Hà Lan mới đây cũng có 80 người mắc bệnh. Tóm lại, thông tin cho đến thời điểm này có thể khẳng định virus gây cúm gà là loại virus lây lan "cực nhanh" ở gà và có khả năng lây lan sang người.

 

Người dân hoan nghênh những nỗ lực của các cơ quan có thẩm quyền trong việc bao vây vùng dịch, khống chế ổ dịch. Sự bao vây, khống chế là rất có hiệu quả. Tuy nhiên trong những ngày qua, mặc dù bị kiểm soát chặt chẽ, gà chết dịch vẫn được đưa vào TP.HCM, chỉ tính riêng số gà mà cơ quan chức năng đã thu giữ từ ngày 27/12/2003 đến nay đã lên tới hàng ngàn con, còn số gà chết không "thu giữ" được là bao nhiêu thì tất nhiên là không ai biết được.

 

Nạn dịch đang diễn ra là rất nghiêm trọng. Sự ứng phó chậm trễ và những khiếm khuyết trong chỉ đạo phải được rút kinh nghiệm  kịp thời, không phải để chê trách, mà để tăng cường trách nhiệm. Cần có một ban chỉ đạo thống nhất có thẩm quyền cao, đồng thời cần công khai tất cả những thông tin, công khai những việc làm được và những việc chưa làm được để có các giải pháp thích hợp. Công khai cũng là tiền đề để bảo đảm cho việc phòng chống dịch một cách có hiệu quả.

Hoàng Hải Vân

* Lời ông Lê Huy Ngọ và ông Nguyễn Tiến Dũng dẫn trong bài được trích từ Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 10/1/2004.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.