Truyện ngắn hay trên Báo Thanh Niên

02/01/2004 22:12 GMT+7

Mỗi truyện ngắn là một cảnh đời đã và đang diễn ra quanh ta, được các tác giả phản ánh từ những góc nhìn khác nhau, 15 truyện trong tập sách tạo nên bức tranh đời khá đa dạng, phần nào đó tiêu biểu cho trang sáng tác truyện ngắn Báo Thanh Niên trong vài ba năm trở lại đây.

Đề tài dễ được bạn đọc quan tâm chia sẻ nhất là những câu chuyện tình yêu, được nhiều tác giả thể hiện khá ấn tượng. Đó là sự rạo rực tươi nguyên khi tình yêu trở lại không dung hợp với con tim mệt mỏi của tuổi xế chiều không còn giữ được ngọn lửa đắm say (Trái tim mỗi người - Trương Thị Kim Chi).

Đó là sự rộng lượng thể tất cho những sai lầm xót đau thời trẻ và những hiệu ứng đổ vỡ tiếp sau sự đoàn tụ (Ngày xưa của mẹ - Nguyễn Linh), là sự bất lực của tình yêu trước những rào cản của tập quán lễ giáo truyền thống (Câu chuyện dòng sông - Nguyễn Hồng Dung), là khát vọng yêu đương của một người phụ nữ bị lừa dối và phản bội từ thời son trẻ và rồi bị đem làm món hàng đổi chác khi đã bước sang tuổi xế chiều (Lễ cưới bạc - Trần Thùy Mai).

Những tâm hồn cô đơn đi tìm nhau, đến với nhau, yêu và không được yêu, hạnh phúc và bất hạnh, được và mất... Ở truyện Lấy chồng (Nguyễn Ngọc Tư), việc chuẩn bị đám cưới diễn ra như một kịch bản với tất cả mọi vui buồn hầu như đã được "lập trình" nhưng rồi người diễn vẫn bâng khuâng thao thức, chao chát bao nỗi niềm không nói được thành lời.

Trong Giờ xanh (Phan Hồn Nhiên), hai tâm hồn xa lạ cô đơn trên chuyến tàu du lịch vượt đại dương tất phải ngả vào vòng tay nhau dù họ hiểu rằng mọi chuyện sẽ chấm dứt khi cuộc hải trình mười hai ngày đêm kết thúc.

Cũng về nỗi cô đơn, Giáo đường xuân (Dương Thụy) viết về mối tình đơn phương của một cô gái trẻ khi phải lòng những chàng trai mang nét đẹp của đức tin tôn giáo; còn nhân vật của Vũ Đình Giang trong Tuyệt vọng kiểu Giang thì vỡ mộng khi biết mình cất công theo đuổi những cô gái đồng tính ái.

Trong nhiều truyện ngắn khác, tình yêu dù không phải là chủ đề chính vẫn được tạo thành dàn bè phụ cho câu chuyện được kể hấp dẫn đến cùng. Đó là câu chuyện về Tấm gương (Liêm Trinh) trong một cửa hiệu chăm sóc sắc đẹp phụ nữ nhưng cũng là câu chuyện về hạnh phúc, khổ đau của ba mẹ con người chủ kiêm thợ gội đầu.

Kết thúc câu chuyện đồng cô bóng cậu ở một cái am tồn tại giữa phố xá miền Nam thời trước 1975 là cú đột ngột biến mất của cô gái 17 tuổi không cam phận làm nàng hầu thứ bảy cho một "đại gia" nhiều thế lực để đi theo tiếng đàn ghi-ta của chàng trai trốn lính (Hóa thân - Ái Duy).

Đó là những hồi ức về một thời đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, mọi người dựa vào niềm vui tinh thần để sống và đã sống chân thành với nhau đến vậy (Những người đàn ông phố cũ - Bích Hạnh), và ở một cực khác là cái cảm giác hoang mang tuyệt vọng đến khủng khiếp khi con người bị đồng loại xa lánh, bỏ rơi ngay giữa nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại (Chuyến tàu nửa đêm - Sâm Thương), là cảm giác bị bứng bật khỏi gốc rễ quê nhà, mất phương hướng khi bị cuộc sống đô thị đẩy vào trạng thái trầm cảm, rối loạn tinh thần (Cửa sau thành phố - Trần Nhã Thụy).

Đó là số phận chìm nổi lênh đênh đầy nước mắt trái ngang của ba cô con gái một người mẹ quê nghèo khó lam lũ (Mười hai bến nước - Đặng Chương Ngạn), là những con người ở liền kề nhau, ngày ngày chạm mặt nhau trong một khu xóm đang trong quá trình đô thị hóa nhưng mỗi người là một thế giới riêng chẳng ai biết gì về ai, mối quan hệ giữa họ hoàn toàn băng giá (Đi qua mùa đông giá lạnh - Võ Thị Xuân Hà).

Mỗi người một cách kể, cuốn sách phản ánh khá sinh động nhiều mặt hiện thực của cuộc sống hiện đại, cho thấy một phần diện mạo truyện ngắn nước ta nhất là ở lực lượng viết trẻ những năm gần đây. Truyện ngắn hay trên Báo Thanh Niên chắc hẳn sẽ làm hài lòng bạn đọc yêu văn học.

Nhiều tác giả
NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh
Tháng 12/2003.

Hà Phan

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.