Mưu sinh tại Mỹ: Nỗi buồn của những “người máy”

30/11/2003 12:24 GMT+7

Bà con quê nhà chỉ biết đến cuộc sống thân nhân mình tại Mỹ qua lời kể khi họ về nước chơi. Thật ra, cuộc sống hàng ngày của những người Việt xa xứ cũng trải qua lắm nỗi gian truân, ưu phiền.

Người Việt ở Mỹ thích sống tại những tiểu bang như California, Texas, Virginia, New York và Florida. Theo thống kê của Mỹ, dân số người Việt ước chừng 1.100.000 người vào năm 2000. Như vậy người VN trở thành dân tộc đông dân đứng hàng thứ tư sinh sống tại Mỹ sau người Philippines, người Hoa và những người Mỹ gốc Á khác. Còn theo số liệu của cơ quan U.S. census data tháng 5/2001 thì người Việt sinh sống tại Mỹ lên đến 1.122.528 người. Con số này gần gấp đôi số người Việt vào năm 1990. Trong số này thì trên 60% có trình độ trung học, khoảng 40% có trình độ cao đẳng và đại học. Trên 50% có lợi tức kiếm được khoảng 30.000 USD một năm hoặc nhiều hơn. Nhưng thống kê của Mỹ cũng cho thấy khoảng 34% người Việt có đời sống khó khăn dưới mức đời sống trung bình tại Mỹ.

Người VN vốn tính cần cù, chịu khó nên sẵn sàng làm bất cứ việc gì để kiếm job (việc làm). Nhưng do tiếng Anh cũng như chuyên môn còn hạn chế, nên bước đầu đa số người VN phải chấp nhận những job có đồng lương ít ỏi như waiter (bồi bàn), assembly (lắp ráp điện tử)... Đồng lương ít ỏi nên nhiều người phải tranh thủ làm thêm job thứ hai, thứ ba. Nhiều người chấp nhận ăn mì gói để cố gắng học xong một mảnh bằng đại học tại Mỹ nhưng sau khi ra trường lại không kiếm được việc làm đúng với khả năng học vấn chỉ vì thất bại trong các cuộc interview (phỏng vấn). Các cơ quan, hãng xưởng không chịu trả lương cao cho những ai không nói được tiếng Anh, cho dù có bằng cấp cao đến đâu vì đa số công việc hoàn toàn mới mẻ so với kiến thức học ở nhà trường và các ứng viên đều phải trải qua đợt huấn luyện mới, đòi hỏi có trình độ nghe hiểu tiếng Anh cao mới đạt được hiệu quả.

Đời sống thì vất vả như thế nhưng lại không có nhiều loại hình giải trí như ở Việt Nam. Các tiết mục thư giãn chỉ thích hợp cho người ngoại quốc hơn là người Việt. Chương trình đại nhạc hội thì vài tháng mới tổ chức ít lần, muốn ngồi được gần khán đài thì giá vé cũng cả trăm USD. Do đó loại hình giải trí mà nhiều người Việt ưa thích là mướn băng video về nhà xem. Những cuốn phim truyện sản xuất tại Việt Nam hầu như được ủng hộ một cách nồng nhiệt. Riêng các video cải lương thì không được ủng hộ nhiều vì tuồng cải lương nào cũng chỉ làm khán giả khóc mà thôi. Họ thích video hài hơn để giúp quên đi nỗi mệt nhọc, chán chường trong cuộc sống.

Tóm lại đời sống của người Việt tại Mỹ chẳng khác nào đời sống của những người máy. Nhiều người quá chán nản và muốn về Việt Nam để sống nốt quãng đời còn lại. Nhưng ước mơ cũng không dễ dàng thực hiện. Có nhiều Việt kiều đã bị chính những người thân ruột thịt của mình nhờ đứng tên giùm nhà, đất trước đây, nay quay ra phản bội lấy luôn. Hiện nay chính sách của Nhà nước chỉ mới mở he hé trong việc Việt kiều mua nhà đất tại Việt Nam. Như vậy càng tạo ra thêm khoảng cách giữa người Việt trong nước và ngoài nước, tạo thêm cái cớ cho những người Việt có tư tưởng chống đối tuyên truyền cho thế hệ trẻ tại Mỹ rằng Nhà nước Việt Nam chưa mở rộng cửa đối với Việt kiều khiến họ không muốn hợp tác xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp.

Thế Vinh
(Cali - Tháng 10/2003)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.