Cổ vật “triệu đô” của văn hóa Chămpa và Óc Eo

12/01/2010 17:29 GMT+7

(TNO) Lễ khánh thành hai phòng trưng bày mẫu về văn hóa Chămpa và Óc Eo tại Bảo tàng Lịch sử VN (TP.HCM) ngày 12.1 giới thiệu đến công chúng những mẫu cổ vật có niên đại hàng ngàn năm, với giá trị lên đến hàng chục triệu USD.

Cổ vật “triệu đô”

Bức tượng Phật bằng đồng của văn hóa Chămpa có niên đại từ thế kỷ thứ 3 sau công nguyên, được tìm thấy tại vùng khảo cổ thuộc tỉnh Phan Rang, được xem là cổ vật quý hiếm trong đợt trưng bày này.

 
Tượng Phật có niên đại từ thế kỷ thứ 3 sau công nguyên của nền văn hóa Chămpa

Tiến sĩ Bá Trung Phụ, Trưởng phòng trưng bày, tuyên truyền Bảo tàng Lịch sử VN (TP.HCM) cho biết, cổ vật này đã từng gây xôn xao các nhà khảo cổ trên thế giới về giá trị lịch sử và cả giá trị thẩm mỹ của nó.

Một số nhà khảo cổ quốc tế đã định giá cho bức tượng cao hơn 1m này lên đến 10 triệu USD.

Cũng thuộc nền văn hóa Chămpa, bức tượng nhỏ thể hiện hình đầu nữ thần Siva là một trong năm cổ vật cực hiếm của thế giới theo thể loại này.

Toàn bộ bức tượng được tạc bằng vàng khối và được phủ một lớp đồng đen để tránh tình trạng mất cắp trong quá trình thờ phụng.

 
Tượng đầu nữ thần Siva thế kỷ thứ 7 sau công nguyên, một trong năm cổ vật quý thể hiện hình ảnh thần Siva trên toàn thế giới

Hiện vật thuộc loại cổ nhất đại diện cho nền văn hóa Óc Eo lại chính là những món trang sức của người phụ nữ xưa.

Có thể nói, kỹ thuật chế tác trang sức của nền văn hóa Óc Eo cách đây hơn 1.500 năm đã đạt đến độ tuyệt mỹ, với những chi tiết thiết kế tinh xảo và kích thước nhỏ gọn.

Khi được hỏi về việc định giá cho bộ sưu tập trang sức cổ của văn hóa Óc Eo này, Tiến sĩ Bá Trung Phụ cười cho biết: “Chưa nhà khảo cổ nào dám đưa ra một con số cụ thể cả. Vì có lẽ bộ sưu tập này là vô giá”.

Trong đợt khảo cổ văn hóa Óc Eo tại Trà Vinh, các nhà khảo cổ VN đã tìm thấy một đồng tiền La Mã (vào khoảng thế kỷ thứ 2 sau công nguyên), cho thấy văn hóa Óc Eo đã sớm hội nhập với các nền văn hóa khác trên thế giới.

Một minh chứng khác đó là bức tượng Phật bằng gỗ sao (có niên đại từ thế kỷ thứ 6 sau công nguyên) được tìm thấy trong tình trạng gần như nguyên vẹn tại Tháp Mười, Đồng Tháp.

Tuy thể hiện tôn giáo của người phương Đông, nhưng bức tượng Phật này lại ảnh hưởng bởi phong cách phương Tây, với thân hình cao lớn, các chi tiết trang trí được tối giản.

 
Tượng Phật có niên đại từ thế kỷ thứ 6 sau công nguyên của nền văn hóa Óc Eo cao hơn 2m

Phong cách bảo tàng học hiện đại

Ngoài việc giới thiệu 439 hiện vật giá trị cao của nền văn hóa Chămpa và Óc Eo, hai phòng trưng bày mẫu của Bảo tàng Lịch sử VN (TP.HCM) còn thu hút khách tham quan bằng một không gian hoàn toàn mới, phù hợp tiêu chuẩn bảo tàng hiện đại.

Để làm mới toàn bộ khu vực trưng bày này, Bảo tàng Lịch sử VN (TP.HCM) đã phải tháo gỡ, di đời gần 500 hiện vật, tủ, kệ, bục bệ của phòng triển lãm cũ, tiến hành cải tạo nội thất, gia cố hệ thống sàn, lắp đặt hệ thống ánh sáng chuyên dùng…

 
Phòng trưng bày cổ vật thuộc nền văn hóa Óc Eo

Theo phương pháp bảo tàng học tiên tiến hiện nay, cổ vật phải được trưng bày trong phòng kín, hạn chế tối đa ảnh hưởng của ánh sáng tự nhiên và tác động môi trường.

Ánh sáng sử dụng trong phòng trưng bày không vượt quá 20 độ lux, đảm bảo việc bảo quản cổ vật, nhưng vẫn phải thể hiện được tính nghệ thuật.

 
Bộ sưu tập tượng thần Siva quý hiếm của văn hóa Chămpa

Chương trình tiêu chuẩn hóa hai phòng trưng bày mẫu tại Bảo tàng Lịch sử VN (TP.HCM) thuộc dự án Phát huy di sản bảo tàng Việt Nam do Chính phủ Cộng hòa Pháp và Chính phủ CHXHCN Việt Nam phối hợp thực hiện.

Tham dự lễ khánh thành hai phòng trưng bày mẫu về văn hóa Chămpa và Óc Eo, ông Hervé Bolot - Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi mong muốn được đem đến cho các bạn những công nghệ và kỹ thuật mới của bảo tàng học hiện đại, cùng với thông điệp: các bạn hãy tự tin trong việc thực hiện những dự án bảo tàng học như thế này”.

Phòng trưng bày văn hóa Chămpa và Óc Eo chính thức mở cửa phục vụ công chúng từ ngày 12.1, giới thiệu 439 hiện vật độc đáo của hai nền văn hóa lâu đời này.

Các cổ vật được trưng bày lần này một phần do các cán bộ khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử VN (TP.HCM) sưu tập, khảo cổ trong hơn 30 năm qua. Phần còn lại là những cổ vật do Pháp để lại.

Một xưởng phục chế và một phòng thí nghiệm đã được xây dựng tại Bảo tàng Lịch sử VN (TP.HCM) phục vụ cho việc bảo quản và phục chế cổ vật.

Dự án Phát huy di sản bảo tàng Việt Nam có sự tham gia của năm đơn vị bảo tàng của VN là: Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Đắk Lắk, Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng), Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử VN (TP.HCM).

Hiền Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.