Bài học nhân ái từ người Việt và nghĩa vụ sẻ chia

29/04/2009 23:51 GMT+7

Năm 1976, Dick Hughes, một diễn viên, một cựu nhà báo, người từng làm nhiều công việc từ thiện trong suốt thời gian nóng bỏng từ 1968-1976 tại Việt Nam, đã có bài viết này trên tờ New York Times để kêu gọi sự thay đổi của người Mỹ về đất nước vừa trải qua cuộc chiến khốc liệt với họ.

Tháng 2.1970, bảy tháng trước khi bị xe của quân đội Mỹ cán chết tại Sài Gòn, Minh "Què" (biệt hiệu do các bạn "bụi đời" đặt cho vì em bị tàn tật) cười và thì thầm với tôi từ chỗ ngồi trên lưng tôi: "Anh biết em học những trò biểu diễn một bánh với xe đạp để làm gì không? Để khi mọi người xem, họ sẽ thốt lên "Ôi hay quá!" và quên đi đôi chân bị tật của em".

Trong xã hội bị cày nát bởi cuộc chiến, Minh là một trong hàng nghìn nạn nhân vẫn ấp ủ những bí mật và giấc mơ riêng trong lòng. Trong ví của mình, em luôn mang theo tờ giấy bạc một đồng, trên đó em viết: "Bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu nước mắt?".

Minh học viết tại ngôi nhà trên đường Phạm Ngũ Lão dành cho trẻ em hè phố của chúng tôi. Mỗi tối muộn, sau khi tắm rửa và lau sạch sàn nhà với đôi tay rắn khỏe của mình, em ngồi dựa vào chiếc bàn ngăn nắp và tập viết những chữ cái tiếng Việt, miệng hát khẽ "bài hát con dế" - một bài hát em tự nghĩ ra - trong khi các em khác lim dim mỉm cười.

Tháng 6, hai tháng trước khi bị nạn, Minh tự tử hụt một lần. Trong lá thư tuyệt mệnh em quấn quanh ngón tay như chiếc nhẫn sau khi nghiền nát những viên thuốc ngủ cho dễ nuốt, Minh hỏi tôi và người sinh viên phụ giúp tôi: "Tại sao cảnh sát cứ kiếm chuyện bắt bớ em?".

Hôm ấy, cảnh sát lại lấy chiếc xe đạp của em. Vì lòng tự trọng và quá tức giận, Minh nhất định không chịu hối lộ để chuộc xe - nhưng chuyện đòi hỏi hối lộ thì không bao giờ chấm dứt cả. Rất nhiều lần trước đó, họ đã bắt em, đánh vào ngực, vào bụng em bằng dùi cui và bỏ em trên nền xi-măng giữa trưa nắng, và thách: "Mày biết bơi không? Thử bơi bướm coi!". May là hôm đó em không ăn đòn như mọi khi. Trong thâm tâm, em không còn muốn bị hành hạ thêm nữa.

oOo

Trở về mái ấm trên đường Phạm Ngũ Lão vài giờ sau đám tang "bụi đời"của Minh ngày 23.8.1970, Tuynh, một huynh trưởng, lần đầu tiên đọc bài tôi phỏng vấn Minh. Em lấy tự điển tiếng Anh ra tra một từ rồi lại đặt xuống. Thấy em im lặng và nhìn đi nơi khác, tôi nghĩ rằng em chưa tìm ra từ đó. Nhưng rồi em nói một cách ngập ngừng: "Em nghĩ Minh... cả đời... đã bị... áp bức". Bên ngoài, một em khác - muốn Minh trở về, nguệch ngoạc bằng phấn trắng trên chiếc tủ sắt đen: "Đứa nào mua giùm tao con dế".

oOo

Suốt những năm tháng đó, lũ trẻ cứ bức xúc: "Anh ơi, em đâu có nhà mà họ cứ hỏi bỏ nhà hồi nào? Cha mẹ đâu còn mà họ cứ hỏi sao không sống với cha mẹ? Từ khi biết suy nghĩ, em đã bị bỏ rơi". Những câu xăm trên người các em toàn là: "Hãy khóc cho kẻ mới chào đời"; "Đời là ghẻ lở, thế nhân là ruồi" và "Thờ cha, kính mẹ".

Không có cách rửa ruột nào có thể cứu sống được Nghi "Què" bụi đời - có rất nhiều em bị què trong số ấy. "Anh Tuấn, em đau khổ vô cùng khi viết thư này hôm nay... Mong anh hiểu cho em. Vĩnh biệt, Nghi".

Tại một nghĩa địa khác ở Sài Gòn, Hùng, đứa trẻ bụi đời đầu tiên của chúng tôi, một tay chơi dế chính cống, đứng với đôi chân trần, quần đùi áo thun, thân hình gầy gò run rẩy, cùng với người cha ghẻ, một người ăn xin, khóc lóc bên cái xác tiều tụy vì thuốc phiện và bệnh lao của mẹ em. "Anh Dick, ngày mai làm ơn dẫn em đi học" - Hùng cố gắng nói bằng tiếng Anh. Mắt mở to, mệt mỏi, em cố nặn ra một nụ cười.

Trong một thế giới toàn là giết chóc, các em vẫn khát khao có được một tuổi thơ cho riêng mình.

Tôi mang nợ dân tộc Việt Nam nhiều lắm. Họ đã sắp xếp lại đời tôi khi dạy tôi sự giản dị, tình anh em, sự cảm thông chia sẻ, và cho tôi lý lẽ để tiếp tục những gì tôi đang làm - vì những việc này có ý nghĩa. Lẽ nào chúng ta lại không giúp họ xây dựng lại đất nước? Khi họ có nhiều giá trị nhân bản như vậy để giúp ta khôi phục tinh thần và hàn gắn vết thương của chính chúng ta - lẽ nào chúng ta lại không chia sẻ những gì ta có với họ?

Trong bữa tiệc Giáng sinh năm 1975, ông Dương Đình Thảo, Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Sài Gòn của chính quyền mới, ngắt lời phát biểu của tôi về những trẻ bụi đời và nói: "Nếu anh thật lòng thương chúng, anh có thể làm được mọi chuyện. Còn nếu không, anh chẳng làm được gì cả".

Đó là câu trả lời mà tôi hằng trông đợi suốt bảy năm từ các quan chức của chế độ cũ - bất cứ người nào, chỉ cần một người mà thôi, nhưng không bao giờ được nghe họ nói. Họ có nói về tiền bạc, có nói về các chuyến đi nước ngoài. Nhưng không bao giờ nói về tình thương.

oOo

Khi chuyến bay của tôi rời sân bay Tân Sơn Nhất ngày 7.8.1976, tôi không những cảm thấy mình nặng nợ dân tộc Việt Nam, mà còn tin rằng những đứa trẻ tôi thương cuối cùng đã tìm được những tấm lòng quan tâm đến chúng.

Sau chiến tranh, những khó khăn của Việt Nam - mà người Mỹ chúng ta hay nêu ra một cách lấy lệ - là vô cùng nhiều. Đó là sự thực và tôi đã chứng kiến điều ấy. Không được hỗ trợ, dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục khổ đau.

Và tôi không biết làm thế nào để nói cho dân tộc của mình rằng, giúp Việt Nam chính là cứu lấy chúng ta, rằng những gì Việt Nam có thể chia sẻ với chúng ta - như họ đã chia sẻ với tôi - có ý nghĩa lớn đến nỗi, vì lợi ích của chính mình, chúng ta nay có nghĩa vụ phải chia sẻ lại với họ.


Dick Hughes và trẻ bụi đời ở cơ sở của Shoeshine Boys - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tháng 4.1968, sau khi vay được một chút tiền từ những người bạn, ở tuổi 25, diễn viên Dick Hughes lặng lẽ chia tay nghiệp diễn đang tiến triển để sang Việt Nam và anh cũng giấu không cho gia đình biết về chuyến đi. Bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng phản chiến đang lan rộng lúc đó, Dick cảm thấy một động lực mạnh mẽ muốn sang Việt Nam để làm công việc gì đó. Ginny, em gái anh, sau này kể chỉ hơn một năm sau gia đình họ mới biết là Dick đã bỏ sang Việt Nam.

Công việc đầu tiên Dick Hughes đã làm chính là tìm cách giúp trẻ em đánh giày, những đứa trẻ bụi đời nhiều vô số trên đường phố Sài Gòn khi đó. Những đứa trẻ với hoàn cảnh khác nhau, đứa thì bố mẹ chết trong trận càn, đứa thì do chiến tranh thất tán... Anh thuê căn nhà ở ngay ngã ba Đề Thám - Phạm Ngũ Lão làm nơi tiếp nhận trẻ em đường phố. Sau đó, anh thành lập tổ chức Shoeshine Boys. Một năm sau khi chiến tranh kết thúc, Dick Hughes trở lại New York và tiếp tục nghiệp diễn. Sau này, ông vẫn thực hiện các hoạt động giúp đỡ VN và vẫn giữ liên lạc với những trẻ bụi đời năm xưa của mình.

Trong một lần trao đổi về những gì đã làm, Dick thổ lộ:

"Trên khía cạnh nào đó, tôi hối tiếc mọi thứ. Bóng mây của chiến tranh đã phủ đen mọi thứ của đời tôi vào năm 1968, tôi bỏ nghiệp diễn chuyên nghiệp sau tám năm cố gắng cật lực tại trường đại học, chia tay người bạn gái lúc đó, đối mặt với 5 năm tù vì trốn lính, tôi bỏ đi mà không hề nói với gia đình một lời. Điều tăm tối nhất lúc đó là tôi chỉ có hai bộ quần áo và biết rằng tôi có thể chết bất cứ lúc nào ở nơi mà tôi sắp đến. Mặt khác, sự tức giận của tôi với cuộc chiến là rõ ràng và tôi rất kiên quyết với lựa chọn của mình dù có thể tưởng tượng ra cảnh sẽ chết hay nằm rục trong tù thế nào...

Điều quan trọng là tôi đến Việt Nam không phải để tìm một nghề khác hay vì tôi chán đời. Sân khấu luôn và sẽ mãi là tình yêu đầu tiên của tôi. Khi tôi sống sót sau cuộc chiến, tôi sẽ trở lại với sàn diễn ngay tức khắc.

Câu trả lời có "hối tiếc" hay không chính là ở trong bài viết năm 1976 cho tờ New York Times này mà tôi đã giải thích là tôi nợ "nhân dân Việt Nam" nhiều thế nào với những gì họ dạy cho tôi và tại sao việc Mỹ phải giúp đỡ là quan trọng như vậy (cho chính bản thân người Mỹ). Vũ khí đầu tiên và quan trọng nhất của mỗi diễn viên chính là tâm hồn của anh ta. Những kinh nghiệm tôi có từ 1968 đến 1976 ở Việt Nam đã trao cho tôi những món quà mà tôi chưa bao giờ có thể đền đáp lại hay thấy hối tiếc”.

Lê Nghĩa

Nguyễn Trang Thu
(lược dịch theo New York Times 4.12.1976)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.