Không khai thác bauxite bằng mọi giá

10/04/2009 00:08 GMT+7

* Sẽ điều chỉnh lại quy hoạch phát triển ngành công nghiệp bauxite Đa số các phát biểu trong hội thảo khoa học về vai trò của công nghiệp khai thác bauxite - sản xuất alumina - nhôm hôm qua 9.4 tại Hà Nội đều đồng ý cần thiết tận dụng nguồn tài nguyên này để phát triển kinh tế đất nước, đồng thời quan ngại về việc làm thế nào để có thể khai thác và chế biến quặng đạt hiệu quả. Nghe đọc bài

Nên làm như thế nào?

Hội thảo đã thu hút đông đảo sự tham gia của các cơ quan, tổ chức liên quan, các nhà nghiên cứu khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước. Các ý kiến đã đề cập khá toàn diện nhiều vấn đề liên quan đến tác động của dự án khai thác bauxite và sản xuất alumina đối với các mặt kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên cũng như cả nước.

Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông) là 2 dự án tổ hợp khai thác quặng bauxite và sản xuất alumina (tiền chất chế tạo nhôm) do Tập đoàn Than khoáng sản VN (TKV) đầu tư, trong tổng số 6 dự án được quy hoạch đến năm 2015. Cả 2 nhà máy này đều có công suất 600.000 tấn/năm và đều do nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) làm tổng thầu. Hiện tại Nhà máy Tân Rai đã khởi công, còn Nhà máy Nhân Cơ đang trong quá trình lập dự án. Theo ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch HĐQT TKV thì TKV đã tính đến nhiều kịch bản, kể cả kịch bản xấu nhất, và có tham khảo báo cáo của các tổ chức uy tín như Viện Hàng hóa nhôm thế giới về mặt hàng này giai đoạn 2008 - 2030. TKV đánh giá là dự án có hiệu quả, dựa trên sự so sánh điều kiện phát triển nhôm của các nước trên thế giới khác.

Trong hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Văn Ban - nguyên Trưởng ban nhôm, TKV cho rằng, các thông số về đầu tư cho thấy hiệu quả kinh tế của các dự án này thấp và rủi ro, có một số thông số đầu vào của TKV lấy khi lập dự án thấp hơn chi phí thực tế... PGS-TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện xã hội Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN lại bày tỏ quan ngại về việc dự án khai thác bauxite chưa tính toán đầy đủ yêu cầu bảo vệ môi trường. PGS-TS Nguyễn Đình Hòe đề nghị: "TKV cần nghiên cứu điều chỉnh lại quy hoạch về quy mô, địa điểm khai trường, công suất, lộ trình và giải pháp bảo vệ môi trường của dự án trên cơ sở các quy định về phát triển bền vững mà Chính phủ đã ban hành". Theo ông Hòe, nên điều chỉnh lại quy mô dự án ở mức độ vừa phải, thực hiện thí điểm ở Tân Rai và Nhân Cơ, trên cơ sở đó mới tính đến chuyện mở rộng phạm vi khai thác.

Sau khi bác bỏ quan điểm cho rằng các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên có thể tác động đến vấn đề an ninh, GS Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và khoa học - Bộ Công an nói rằng, điều làm ông lo lắng chính là dự án chưa thể hiện quan điểm phát triển kinh tế bền vững. Ngay hiệu quả kinh tế, bản thân TKV cũng chưa định lượng được đầy đủ. Ý kiến này sau đó nhận được sự đồng tình của PGS-TS Phạm Bích San, Phó tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN. "Trong bối cảnh hiện nay chỉ nên tập trung vào xây dựng một nhà máy thí điểm ở Tân Rai (Lâm Đồng). Chưa nên vội triển khai xây dựng Nhà máy Nhân Cơ vì không khả thi bởi thị trường alumina trên thế giới chưa ổn định, hơn nữa chúng ta chưa có những chuẩn bị chu đáo và cần thiết để đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và lực lượng nhân công" - ông San phát biểu.

Một số ý kiến quan ngại, thậm chí là trái chiều đều được các bộ, ngành liên quan, chủ đầu tư, nhà thầu cũng như các chuyên gia trong ngành giải trình, giải đáp đầy đủ.

Có cơ chế giám sát chặt chẽ, đảm bảo môi trường

Kết luận hội thảo, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định, chủ trương khai thác quặng bauxite và sản xuất alumina tại Tây Nguyên là hoàn toàn đúng đắn. "Chúng ta biết phát huy tiềm năng của Tây Nguyên, nhưng chúng ta cũng không thể phát triển với bất cứ giá nào. Để phát triển được, khai thác được thành công tiềm năng ấy, thì chúng ta phải có những giải pháp quản lý và thực hiện hết sức chặt chẽ và hiệu quả” - Phó thủ tướng nói. Ông quả quyết: “Chúng ta phải bảo đảm phát triển bauxite thành một ngành công nghiệp. Chúng ta phải biến nó thành động lực cho Tây Nguyên phát triển chứ đầu tư mà để lại đói nghèo cho nhân dân thì không được". Phó thủ tướng giao cho các bộ, ngành liên quan thực hiện nghiên cứu đánh giá tình hình để đề xuất điều chỉnh lại quy hoạch phát triển vùng thăm dò khai thác chế biến bauxite, ngành công nghiệp

bauxite cho phù hợp với tình hình hiện nay. "Quy hoạch này phải đánh giá tác động môi trường chiến lược theo quy định" - Phó thủ tướng nhấn mạnh. “Giám sát” là nhiệm vụ ưu tiên, bao trùm được Phó thủ tướng đặc biệt lưu ý trong chỉ đạo tất cả các khâu thực hiện. Trước hết, vấn đề quan trọng - tác động môi trường của dự án đối với diện tích còn lại là điều cần hết sức quan tâm, đến nay thế giới có công nghệ xử lý đảm bảo, giải pháp khắc phục hiệu quả, vấn đề là áp dụng như thế nào phải có kế hoạch giám sát trong tất cả các khâu của chủ đầu tư từ kế hoạch sử dụng đất đến việc hoàn thổ.

Phó thủ tướng cũng cho ý kiến về việc giữ gìn bản sắc dân tộc, văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư. Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương có trách nhiệm kiểm tra, tính toán lại hiệu quả kinh tế của dự án cụ thể và đề xuất các giải pháp để bảo đảm hiệu quả kinh tế. Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá lại trữ lượng bauxite, thẩm định kế hoạch, tiến độ thu hồi đất, thi công, hoàn thổ, tính đến cả tác động lưu vực sông Đồng Nai về nguồn nước khai thác sử dụng, cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương liên quan giám sát giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư. Bộ Khoa học và Công nghệ giám sát chuyển giao công nghệ, lắp đặt thi công. Tập đoàn TKV nghiêm túc thực hiện các vấn đề vướng mắc mà các ý kiến nêu, nhất là vấn đề hiệu quả, tài chính, môi trường...

An Nguyên - Như Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.