Nhà trọ tràn vào di tích quốc gia!

03/04/2009 23:21 GMT+7

Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Đà Lạt là di tích kiến trúc quốc gia, là biểu tượng của Đà Lạt (Lâm Đồng) đang có nguy cơ bị “dân cư hóa” vì hàng trăm nhân khẩu đang sống tại đây.

Do “lịch sử để lại”

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt ra đời năm 1976, là một trong 6 trường cao đẳng đầu tiên ở miền Nam lúc bấy giờ. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường hầu hết từ miền Bắc chuyển vào nên được bố trí ở nhà tập thể trong khuôn viên trường. Đến nay đã qua 5 đời hiệu trưởng, số hộ cũng như nhân khẩu trong khuôn viên nhà trường không ngừng tăng lên. Hiện có đến 56 hộ với khoảng 200 nhân khẩu đang sinh sống trong khuôn viên nhà trường. Đáng chú ý, có đến hơn 30% trong số này là những người đã nghỉ hưu hoặc đã có nhà vẫn “cố thủ” giữ chỗ. Thậm chí có người đã mất hoặc chuyển công tác nhưng những chỗ ở của họ được bố trí trước kia thì nay người thân thừa hưởng.

Điều đáng nói, không chỉ được ở trong khuôn viên nhà trường, những người này còn tự ý tận dụng “đất thừa” để cơi nới xây dựng phòng trọ cho sinh viên, người ngoài thuê ở để có thêm thu nhập. Hầu như quanh các biệt thự trong trường đều bị “bao vây” bởi những phòng trọ. Khu nhà 20 gian (gần biệt thự số 3) trước kia chỉ khoảng 10 hộ gia đình cán bộ giáo viên ở, nay được cơi nới cả ngàn mét vuông đất với mấy chục phòng trọ chen chúc “mọc” lên. Xung quanh trường chỉ trừ cổng chính và dãy nhà vòm còn lại đâu đâu cũng là phòng trọ. Theo ông Nguyễn Minh Sơn – Phó phòng Hành chính Tổng hợp trường CĐSP Đà Lạt cho biết, trường có 3 villa, trong đó chỉ trừ villa trước cổng, 2 villa còn lại đều bị xuống cấp, nhưng nhà trường không có điều kiện tu sửa. Nguyên nhân tồn tại này theo ông Sơn là do “lịch sử để lại”.

 

Chen chúc phòng trọ ở khu 20 gian - Ảnh: G.B

Không chỉ vậy, tại dãy nhà lầu khu B (còn gọi là khu Lầu Đúc) thì nhà ở, giảng đường là 2 trong 1. Bởi tầng trên được dành cho 8 hộ gia đình cán bộ giáo viên của nhà trường ở, còn ở tầng trệt có đến 3 phòng học của sinh viên và 2 phòng làm việc là Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên của trường...

Xử lý thế nào?

Việc khuôn viên của di tích kiến trúc quốc gia trường CĐSP Đà Lạt bị lấn chiếm không phải lãnh đạo nhà trường không biết nhưng có lẽ không xử lý được. Ông Bùi Lương - Hiệu trưởng nhà trường nói: “Việc gia đình cán bộ, giáo viên cơi nới xây dựng phòng trọ trong khuôn viên nhà trường để ở, sinh hoạt từ lâu gây ảnh hưởng vệ sinh môi trường, gây trở ngại quản lý điều hành công việc của trường nhưng do lịch sử để lại quá nặng nề và tôi mới về công tác nên chưa thể giải quyết được”. Không chỉ vậy, cũng theo ông Lương, hai công trình phục vụ cho việc dạy và học của trường là công trình phòng học, phòng internet đã duyệt quy hoạch, kinh phí cũng như được thiết kế xây dựng, nhưng vì chưa giải tỏa được đất nên không thể thực hiện được. Hiện nhà trường đang thi công công trình nhà ăn tập thể, nhưng cũng đang “cấn” vì còn kẹt 2 hộ chưa giải tỏa. “Chúng tôi phải trả lại tiền vì chương trình mục tiêu không làm được” - ông Lương lắc đầu. Thậm chí có những hộ đã chuyển công tác về Sài Gòn, nghỉ hưu ra Bắc hay có nhà riêng được nhà trường nhiều lần gửi thông báo yêu cầu trả lại nhà trong khu tập thể, nhưng đâu vẫn vào đấy.

Việc lấn chiếm, cơi nới xây dựng phòng trọ trong khuôn viên nhà trường khiến không chỉ cảnh quan di tích bị ảnh hưởng mà môi trường sư phạm cũng không “thoát” khỏi. Khó có thể chấp nhận sự xuất hiện của “tầng tầng, lớp lớp” hàng rào, cũng như áo, quần, rau củ, vật nuôi trong khuôn viên nhà trường.

Ông Đinh Bá Quang - Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Lâm Đồng) cho biết: “Khuôn viên nhà trường bị lấn chiếm từ lâu, làm ảnh hưởng đến cảnh quan. Các cấp, ngành cần phối hợp để giúp nhà trường di dời, giải tỏa những hộ này”. Cũng theo ông Quang, do di tích trường CĐSP Đà Lạt đang xuống cấp (cả mái lợp và tường, sơn quét), nên được bố trí 500 triệu đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia Bảo tồn và phát huy di tích của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch để trùng tu tôn tạo.

Trường CĐSP Đà Lạt do kiến trúc sư người Pháp Moncet thiết kế và được khởi công xây dựng từ năm 1927, đến năm 1941 hoàn thành với tổng diện tích trên 22 ha. Trước đây là trường Petit Lycée Dalat, đến năm 1935 trường có tên Lycée Yersin, và từ năm 1976 đến nay là trường CĐSP Đà Lạt. Công trình được thiết kế táo bạo về mặt kích thước của kết cấu, cũng như dùng gạch ép ốp tường màu đỏ đất, mái lợp ngói bản thạch được vận chuyển từ Pháp sang. Toàn bộ công trình của trường được bố cục mặt bằng chặt chẽ, tổ hợp kiểu hành lang bên. Đây là một trong những công trình kiến trúc hiếm có không chỉ ở nước ta mà được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ 20.

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.