Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu: Người “giải mã” từng tấc đất xưa

26/03/2009 22:55 GMT+7

Hôm nay 27.3, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội), Quỹ văn hóa Phan Chu Trinh sẽ tiến hành trao giải thưởng Nghiên cứu cho nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Đình Đầu.

Công trình nghiên cứu cả đời

Đây là một ghi nhận về những cống hiến, đóng góp suốt đời của ông cho việc nghiên cứu về địa lý lịch sử Sài Gòn, Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Đến thăm ông tại tư gia nằm ở góc đường Thủ Khoa Huân – Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), chúng tôi phải ngồi chờ một lát vì ông bận tiếp khách. Cô cháu cho chúng tôi biết từ hôm báo chí đưa tin ông được “trao giải Phan Chu Trinh” thì khách tới chúc mừng không ngớt. Có người không đến được thì gửi hoa chúc mừng...

Đã từng gặp ông nhiều lần ở các hội nghị của TP.HCM nhưng quả thật chúng tôi không ngờ một ông cụ 90 tuổi như ông lại có sức khỏe dẻo dai đến vậy. Ông dắt chúng tôi đi qua từng tầng lầu (có 4 tầng tất cả) giảng giải từng tấm bản đồ treo kín trên các bức tường và cả ở vách cầu thang. Đặc biệt, ông giải thích tường tận những bản đồ các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và nhóm đảo phía nam đảo Phú Quốc. Chỗ nào người Pháp đặt đài khí tượng, chỗ nào có giếng nước... Chúng tôi hỏi: “Sao bác có trí nhớ tuyệt vời đến thế?”. Ông cười bảo: “Để có thể giải thích tường tận về một tấm bản đồ thì tôi phải tìm kiếm tư liệu về địa lý, nhân văn của vùng đất đó và đọc đi đọc lại cả trăm lần cho đến thuộc nằm lòng”.

Về giải thưởng Nghiên cứu, Hội đồng khoa học của Quỹ văn hóa Phan Chu Trinh đã đánh giá rất cao những công trình của ông Nguyễn Đình Đầu: “Nghiêm chỉnh, công phu, có tính khoa học cao nhưng gần gũi với thực tiễn Việt Nam” và quyết định tặng thưởng cho “công trình nghiên cứu cả đời” này. Đó là bộ sưu tập sách cổ về Việt Nam với cả ngàn cuốn gồm nhiều thứ tiếng (chủ yếu là tiếng Hán, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Việt...), bộ sưu tập đồ gốm cổ từ thế kỷ thứ 1 (thời Hai Bà Trưng) đến thế kỷ 20 (gồm hơn 500 hiện vật). Đặc biệt nhất là bộ sưu tập bản đồ với hơn 3.000 bức (to nhất có khổ 1,3 x 3 mét).

Hầu hết là bản đồ Việt Nam qua các thời kỳ (từ thế kỷ 15) do người ngoại quốc vẽ (người Việt cũng có vẽ bản đồ nhưng rất ít). Ông bảo: “Thực ra tôi không phải là một nhà sưu tầm đích thực. Những sách cổ, đồ cổ hoặc bản đồ tôi sưu tầm về chỉ vì một mục đích là phục vụ cho việc nghiên cứu của mình”. Đến nay ông đã viết được 30 tác phẩm (ký tên riêng) và khoảng 50 tác phẩm viết chung với các tác giả khác.

Người giải mã địa bạ cổ

Ông Nguyễn Đình Đầu từng được mệnh danh là “Người giải mã địa bạ cổ”. Lịch sử, đường đi của bộ địa bạ cổ và công việc “giải mã” này đã khiến nhiều người kinh ngạc. Đây là bộ địa bạ cổ nhất và đầy đủ nhất của nước ta được soạn dưới thời Gia Long, trong đó ghi lại vị trí, diện tích, đặc điểm của từng làng xã Việt Nam, từ cực Bắc đến mũi Cà Mau. Phải mất 34 năm (từ năm 1805 đến năm 1839) mới hoàn tất bộ địa bạ với 16.000 cuốn viết về 16.000 làng xã. Sau một thời gian dài nằm trong Tàng Thư Lâu ở kinh thành Huế, năm 1953 bộ địa bạ này được đưa lên Đà Lạt, đến tháng 3.1975 nó được đưa về Sài Gòn và ngày 30.4.1975 người ta tìm thấy bộ địa bạ này trong hầm Dinh Độc Lập. Năm 1991 bộ địa bạ được chuyển ra Hà Nội...

Một trong những người đầu tiên tiếp xúc với bộ địa bạ này là nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. Ông nhớ lại: “Châu bản có bút phê của các nhà vua bị mất mát khá nhiều. Riêng bộ địa bạ này do quá đồ sộ và cũng khô khan nên hầu như còn nguyên vẹn”. Sớm nhận ra những giá trị đặc biệt của bộ địa bạ này nên ông quyết định dịch và biên soạn loạt sách Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn từng tỉnh một. Công việc không dễ dàng chút nào, bởi ông phải đánh vật với 16.000 cuốn sách viết tay (chữ Hán và chữ Nôm) ước lượng hơn 1 triệu trang giấy. Rồi phải kiểm tra, đối chiếu từng địa danh cổ và tên gọi hiện nay. Diện tích phải đổi từ đơn vị cũ từ thời Lê (mẫu, sao, thước, tấc, phân, ly, hào, hốt...) sang đơn vị mét.

Trong sê-ri sách Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn chúng tôi thấy ông đã in được khá nhiều: Hà Tiên, An Giang, Vĩnh Long, Gia Định, Biên Hòa, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Thừa Thiên... Ông bảo: “Thực ra một số tỉnh phía Bắc như Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình... tôi cũng đã biên soạn đầy đủ nhưng... không in được. Mình gần đất xa trời rồi mà nhìn thấy công trình còn dở dang cũng xót ruột lắm. In ra không bán được vì có mấy ai quan tâm đến địa bạ cổ. Quan tâm chỉ có giới nghiên cứu thì... mình đã tặng sách!”. Nghe mà buồn lây với tác giả!

Ông Nguyễn Đình Đầu sinh năm 1920 tại phố Hàng Giấy (Hà Nội), tốt nghiệp trường Bách nghệ Hà Nội (1939-1941), mới ra trường ông đã được cử làm trưởng xưởng (Chef datelier) coi 120 công nhân trong một xưởng công nghệ của Pháp tại Đông Dương. 25 tuổi, ông là Bí thư Bộ Kinh tế trong chính phủ Hồ Chí Minh (1945). Năm 1953 ông tốt nghiệp Cử nhân khoa học-xã hội Đại học Công giáo Paris (Pháp). Về nước, ông dạy học và viết sách giáo khoa Sử Địa. Hiện nay ông là ủy viên Ban Chấp hành Hội Sử học Việt Nam, ủy viên MTTQ VN TP.HCM... Năm 2005, ông được UBND TP.HCM trao giải thưởng Trần Văn Giàu (lần 2) cho cụm tác phẩm Nghiên cứu địa bạ và ruộng đất triều Nguyễn thuộc Nam Kỳ lục tỉnh (8 cuốn)...

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.