Người kể tích tuồng trên gỗ

19/03/2009 23:56 GMT+7

Đã bước qua tuổi 85, nhưng nghệ nhân Lê Hoành Khánh hằng ngày vẫn tỉ mẫn truyền nghề cho con. Nhìn cụ râu tóc bạc phơ, ngồi đục đẽo "những tích tuồng" xưa bên thớ gỗ như một lão tiên đắc đạo.

Cái đục chàng "truyền thừa"

Sinh ra và lớn lên ở làng Mỹ Xuyên (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế), vùng đất có truyền thống làm nghề mộc mỹ nghệ, ngay từ nhỏ cụ Khánh đã theo những người thợ vào các xưởng mộc coi họ "đục đẽo" trên gỗ. Nhìn những chiếc đục chàng, đục vủm (loại đục có lưỡi hình bán nguyệt)... nhảy múa trên tay những người thợ, cậu bé mê tít. Mãi đến năm 18 tuổi, nghệ nhân Lê Hoành Khánh mới được cha đưa đến xưởng mộc của cụ Nguyễn Trâm để xin thầy học nghề. Với năng khiếu bẩm sinh, tư chất thông minh cùng niềm đam mê có sẵn, sau 3 năm "đục đẽo" cụ chính thức ra nghề với một chiếc đục chàng (dụng cụ hành nghề của người thợ chạm khắc gỗ). Đã hơn 60 năm gắn bó với nghề chạm khắc gỗ, chiếc đục chàng truyền thừa của thầy vẫn được cụ giữ gìn cẩn thận. "Ngày trước, mỗi học trò ra nghề đều được thầy "tặng" cho mỗi kỷ vật truyền thừa để giắt lưng làm vốn mần ăn".

Nói đoạn, cụ đứng dậy mở hộp đồ nghề rồi lấy ra đưa cho tôi xem cái chàng được làm bằng sắt đã gỉ phần chuôi, nhưng phần lưỡi vẫn sáng và sắc bén. Chiếc đục chàng "bửu bối" ấy bây giờ cụ đã truyền lại cho đứa con trai Lê Hoành Ứng, người đang được cha mình truyền lại cho những bí quyết cuối cùng của nghề chạm khắc gỗ.

 
Cụ Lê Hoành Khánh với chiếc đục chàng truyền thống - Ảnh: M.P

Kể tích tuồng trên gỗ

Nói là bí quyết nhưng thật ra cũng chẳng có gì bí mật, chỉ có điều những người thợ ngày xưa, thuộc hết những "tích tuồng" của những bài bản chạm khắc gỗ đến bây giờ không còn nhiều. Bởi thế, để có thể trùng tu những công trình di tích lịch sử, đền đài, cung điện... triều Nguyễn, nhà rường cổ... những người thợ phải đến cụ Khánh để xin những bức vẽ mẫu mang về chạm khắc. Nội dung của những bức tranh chạm khắc gỗ xưa rất đa dạng, phong phú. Đó là những khuôn mẫu về tứ linh (long, lân, quy, phụng), tứ thời (mai, lan, cúc, trúc), hoặc hình cỏ cây, hoa, muông thú, con người hay phong cảnh núi rừng qua các điển tích xưa như: Văn vương cầu Lữ Vọng (Văn vương đến cầu tài với Lữ Vọng), Thuấn canh lịch sơn (Vua Thuấn cày ruộng trên núi), Dục bạn tương tri, Ngư ông đắc lợi... Mỗi điển tích trên qua các bức chạm khắc gỗ đều có ý nghĩa như một ẩn dụ về bài học đạo đức mà người xưa gửi lại. "Các tuồng tích xưa cái nào cũng hay đáo để. Mỗi người khi tìm đến tui, tui cũng đều đọc và giải thích cho họ nghe về các điển tích xưa, họ thích điển tích nào thì tui sẽ chạm khắc cho họ theo điển tích nớ" - cụ Khánh nói.

Dưới bàn tay của cụ, những đường kẻ dọc ngang, li ti của chiếc bút chì như "nhảy múa" trên bìa giấy cứng. Bởi muốn chạm khắc các hình hoa văn cây cỏ, muông thú, thì điều trước hết là người thợ phải phác thảo qua những nét vẽ thô trên bìa giấy cứng để làm mẫu. Có như vậy, khi cầm trên tay cái chàng, cái đục, người thợ sẽ hình dung ra những đường nét qua bức vẽ mẫu đó để chạm khắc nên hình thù của từng nét hoa văn trên gỗ. Nghệ nhân Lê Hoành Khánh cho biết: "Việc vẽ mẫu trên giấy sẽ giúp những người thợ điêu khắc gỗ như chúng tôi hình dung được các nét hình một cách nhanh và dễ dàng hơn khi đục đẽo trên gỗ. Ai làm quen thì phác họa nét vẽ lên gỗ rồi chạm luôn, chứ không cần vẽ trên giấy".

Khi đã trở thành một người thợ bậc cao, cụ Khánh không cần vẽ mẫu trên giấy nữa mà vẽ trực tiếp lên gỗ rồi tự tay mình chạm khắc từng họa tiết hoa văn cho bức gỗ. Đối với các học trò của mình, cụ phải vừa vẽ trên giấy, vừa phải vẽ trên gỗ. Đầu tiên, cụ tỉ mẩn chỉ dạy từng chi tiết từ dễ đến khó trên giấy cho các học trò, rồi sau đó mới chỉ dạy họ chạm khắc theo từng nét vẽ trên gỗ, sau đó cụ mới kiểm tra lại xem tác phẩm đã đạt đến độ hoàn chỉnh về mỹ thuật hay chưa. Cụ chỉ ra tay khi gặp các bức tranh gỗ đòi hỏi thể hiện lại nhiều chi tiết quá khó và cổ xưa. "Cái nghề ni coi rứa chứ đòi hỏi độ tỉ mẩn và cẩn thận ghê lắm, tốn rất nhiều thời gian mà chưa chắc đã học được để làm được một bức tranh như ý muốn. Mỗi họa tiết hoa văn đều đòi hỏi một kỹ thuật đục đẽo riêng, chứ không phải người thợ nào cứ cầm cái chàng lên là làm giống nhau được", cụ cho biết.

Trăn trở chuyện giữ nghề

Mấy mươi năm gắn bó với nghề đục đẽo, bây giờ cụ Khánh đã lui về nghỉ ngơi để cho lớp trẻ phát huy tài năng. Cụ cũng vừa được Hội Văn nghệ dân gian VN công nhận là Nghệ nhân Dân gian về thực hành và truyền dạy nghề điêu khắc gỗ. Khi trao đổi về những trăn trở của nghề, giọng cụ chợt chùng xuống: "Nghề này lúc trước thì rất nhiều người giỏi, như cụ Lê Túy chẳng hạn, nhưng bây giờ nghề vẽ thức (tức vẽ mẫu cho nghề chạm khắc gỗ) cả vùng này chẳng còn lại mấy người. Tui là người già nhất. Lớp trẻ sau này học và làm rất nhanh, song chỉ ở những bức chạm khắc đơn giản, chứ gặp phải những bức tranh cổ thì không mấy đứa làm được".

Nhận xét về tay nghề của lớp thợ trẻ hiện nay, cụ Khánh bảo rằng lớp trẻ hiện nay có những cách chạm khắc rất sắc sảo và tinh tế. Điều này cũng có sự "giúp đỡ" của sự ra đời khá phong phú của các loại đồ nghề về chạm khắc. Song, cụ vẫn không thôi trăn trở là làm sao để lưu truyền cái nghề của mình cho các thế hệ sau. "Thợ trẻ bây giờ chỉ có thể làm được những tác phẩm tranh gỗ hiện đại, còn các bức tranh cổ thì họ chịu. Các tác phẩm chạm khắc gỗ có giá trị lịch sử dân tộc một phần đã hư hỏng theo thời gian, số còn lại bị thất lạc, lái buôn dụ dỗ mua hết", cụ Khánh tâm sự. Cụ Khánh nghĩ rằng nếu không lưu truyền lại cho người đời sau những bức tranh quý thì mai kia hết đời mình, thợ trẻ khó mà làm được. Do đó, cứ mỗi ngày, cụ ngồi vẽ lại vào một quyển sổ tất cả các bức tranh tuồng tích, điển tích cổ nay đã thất lạc. Nói đoạn cụ Khánh đọc một câu thơ đường vừa là một chủ đề của khắc gỗ nhưng cũng là tâm trạng về viễn cảnh làng nghề: "Tá vấn tửu gia hà xử hữu/Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn - thơ Đỗ Mục. Nghĩa là: Hỏi thăm quán rượu xưa đâu/Chăn trâu chỉ lối thôn ngoài Hạnh Hoa - bản dịch khuyết danh).

Bùi Ngọc Long - Minh Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.